14/03/2015 08:36 GMT+7

Gạc Ma - mãi mãi khắc ghi

DUY THANH
DUY THANH

TT - Buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) sáng 13-3 diễn ra trong không khí trang nghiêm và cảm động.

Bà Nguyễn Thị Hằng - mẹ liệt sĩ Gạc Ma Hoàng Ánh Đông - khóc nức nở bên viên đá đầu tiên được đặt để xây khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại buổi lễ diễn ra ngày 13-3 - Ảnh: Duy Thanh

“Công trình này - khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - ghi tạc thêm vào lòng dân tộc chúng ta một tượng đài về tinh thần hi sinh để giữ nước, nhắc mọi thế hệ luôn nhớ về Gạc Ma, về Trường Sa” - cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo nói.

“Sự kiện bi tráng Gạc Ma 14-3-1988 đã đi vào tâm hồn, con tim của 90 triệu dân Việt Nam nên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tôi nghĩ là tâm nguyện của mọi người dân Việt. Công trình này ghi tạc thêm vào lòng dân tộc chúng ta một tượng đài về tinh thần hi sinh để giữ nước, nhắc mọi thế hệ luôn nhớ về Gạc Ma, về Trường Sa” - cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo thổ lộ như vậy.

Buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) sáng 13-3 diễn ra trong không khí trang nghiêm và cảm động.

Nước mắt đã rơi trên gương mặt nhiều người khi nhớ về cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ hải quân trên các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của lữ đoàn 125 phối hợp với lữ đoàn 146 và công binh E83 tại nhóm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa cuối tháng 3, đầu tháng 4-1988.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: D.Thanh

“Con mẹ và đồng đội rất anh hùng!”

Vượt đường xa từ tỉnh Quảng Trị vào Cam Ranh dự lễ, mẹ Nguyễn Thị Hằng cứ vuốt mãi viên đá đầu tiên sau khi nghi thức đặt đá xây dựng khu tưởng niệm được tiến hành. Nước mắt người mẹ 70 tuổi rơi trên đất Cam Ranh, nơi con trai mẹ đã rời đất liền lên tàu ra Trường Sa bảo vệ Tổ quốc khi mới 22 tuổi. Mẹ kể suốt 27 năm qua lúc nào mẹ cũng nghĩ đến anh Đông. 

“Con mẹ ra đi có hình hài, thân xác mà khi trở về chỉ là một tờ giấy báo tử, một huân chương gói trong lá cờ đỏ sao vàng, không hài không cốt. Núm ruột mình sinh ra hỏi sao không đau như cắt được. Đáng lẽ Đông đi chuyến tàu sau, nhưng con của mẹ đã xung phong lên tàu HQ-604 ra Gạc Ma sớm để bảo vệ đảo. Tàu đến đêm hôm trước thì sáng sớm hôm sau Đông đã hi sinh. Mẹ rất tự hào và hãnh diện, vì con mẹ và những đồng đội của con đã ngã xuống ở Gạc Ma là những người rất anh hùng” - mẹ Hằng quệt nước mắt tâm sự.

Với cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, những ký ức về Gạc Ma ngày 14-3-1988 vẫn còn mới nguyên như vừa xảy ra hôm qua. Từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, ông nôn nao muốn sớm được đến nơi xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh. Sáng sớm 13-3, ông rảo bước một vòng quanh khu đồi cát trắng Cam Ranh mà nay mai sẽ được xây dựng thành khu tưởng niệm.

“Vào giờ phút này đây, trong tôi hiện lên hình ảnh những đồng đội đã hi sinh trong buổi sáng ấy. Tôi lúc đó là tiểu đội trưởng của tàu HQ-604, đang cùng một nhóm năm anh em cắm cờ Tổ quốc và cảnh giới để lực lượng công binh E83 đưa vật liệu lên đảo Gạc Ma thì bất ngờ khoảng 50 lính Trung Quốc với súng ống đầy mình từ ba chiếc tàu chiến tràn lên đảo, bao vây anh em.

Nhiều anh em đã ngã xuống ngay sau những loạt đạn đầu tiên. Người này ngã xuống, người kia lại cầm cờ lao về phía cột cờ, không để rơi vào tay giặc. Nhưng trận chiến đấu không cân sức ấy, 64 đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống, hầu hết đều nằm lại dưới sóng nước Trường Sa” - ông Thảo nghẹn lời.

Tượng đài tạc vào tim người dân Việt

Ông Lê Hữu Thảo nói trong suốt những năm qua, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng ông luôn dành thời gian để đi thăm gia đình các đồng đội hi sinh ở Gạc Ma và những đồng đội từng chiến đấu, công tác tại Trường Sa.

“Nỗi đau đáu chung của hàng triệu người dân Việt, đặc biệt là những người cha, người mẹ, người vợ, người con của các đồng đội đã ngã xuống ở Gạc Ma là mong mỏi được đưa hài cốt của các anh về đất liền.

Gần 30 năm rồi, mong ước đó rất khó thành. Giờ đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa xây dựng khu công viên này ngay tại Cam Ranh, nơi mà ngày trước tôi và các đồng đội đã rời đất liền lên tàu thẳng hướng Trường Sa, nơi mà sau mất mát đau thương của sự kiện 14-3-1988 những người vợ, người mẹ, người cha đã đứng ngóng bao tháng ngày để hi vọng được đón thi thể các liệt sĩ về, thì đó là một điều rất thiêng liêng, rất ý nghĩa và nhân văn. Công trình này như một bức tượng về Gạc Ma tạc vào con tim, khối óc của mọi thế hệ người Việt Nam” - ông Thảo bộc bạch.

Còn bà Đỗ Thị Hà (49 tuổi, vợ liệt sĩ Gạc Ma Đinh Ngọc Doanh, hiện đang ở P.Cam Nghĩa, TP Cam Ranh) hình dung rằng khu tưởng niệm này như một phần mộ chung - ngôi mộ tâm linh - của những người lính đã ngã xuống ở Trường Sa nhưng không đưa được hài cốt về đất liền chôn cất.

“Mọi người sẽ đến đây, sẽ dâng lên các anh những nén hương thơm để linh hồn các anh được ấm áp, sum vầy với quê hương, đất nước” - bà Hà ngước nhìn lên đồi cao, nơi sắp tới đây sẽ thi công các hạng mục tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, hình tượng “vòng tròn bất tử” và khu quảng trường hòa bình với những bức tượng cùng tiểu sử 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, vị sư có hai năm trụ trì chùa Trường Sa Lớn, vài ngày trước đã mang ba viên đá san hô lớn mà ông lấy từ dưới lòng biển Trường Sa về đất liền, đem đến chôn ở khu tưởng niệm này.

“Không phải ai cũng có cơ hội ra Trường Sa nên khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma xây dựng trên đất liền này là để mọi người có cơ hội được đến với các anh. Tôi tin là trong ba viên đá san hô Trường Sa ấy đã thấm máu xương và linh hồn các liệt sĩ” - ông nói.

Nhắn tin đóng góp xây dựng tượng đài

Tại buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - kêu gọi mọi người nhắn tin với cú pháp GM gửi 1407, để đóng góp mỗi người một viên gạch xây dựng công trình này.

Tiếp đó, đại diện của 38 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cả nước đã đóng góp gần 20 tỉ đồng vào chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để góp phần xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

 

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên