31/10/2021 07:11 GMT+7

G20 thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Ngày 30-10, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. G20 hy vọng thỏa thuận này giúp bảo vệ doanh thu thuế và đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định trên toàn cầu.

G20 thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Các lãnh đạo G20 tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Rome, Ý, ngày 30-10 - Ảnh: WALL STREET JOURNAL

Theo báo Wall Street Journal, G20 đã đạt được thỏa thuận mới nhất trong phiên mở màn của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên các lãnh đạo gặp nhau trực tiếp, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome, Ý, kéo dài trong 2 ngày 30-10 và 31-10.

Thỏa thuận này bao gồm hai phần. Đầu tiên, thỏa thuận đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% lên doanh thu của các công ty lớn và sẽ tăng thêm doanh thu thuế cho phần lớn các nước tham gia. Tiếp theo, thỏa thuận mới sẽ giúp đưa doanh thu thuế về nơi các công ty bán hàng, thay vì nơi doanh nghiệp đặt trụ sở như trước đây.

Theo Hãng tin AP, các lãnh đạo G20 được kỳ vọng sẽ chính thức khẳng định cam kết của họ cho tới năm 2023. Đây là biện pháp nhằm ngăn các công ty đa quốc gia giấu lợi nhuận của mình ở những “thiên đường thuế”, tức các quốc gia cho phép doanh nghiệp đóng ít hoặc không cần đóng thuế.

Giới quan sát nhận định các nước giàu sẽ là bên hưởng lợi chính của thỏa thuận mới.

Theo Wall Street Journal, phân tích cho thấy doanh thu thuế Mỹ nhận được thêm từ thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ cao gấp 15 lần so với Trung Quốc. Một báo cáo khác ước tính tổng lượng thuế bổ sung 52 quốc gia đang phát triển thu được từ loại thuế mới này sẽ rơi vào khoảng 1,5-2 tỉ USD/năm. Đây chỉ là một phần nhỏ so với lợi ích các nước giàu gặt hái được.

G20 mong muốn giới hạn khả năng doanh nghiệp hạ thấp số tiền họ phải đóng thuế thông qua việc báo cáo lợi nhuận ở các nước có mức thuế thấp. Nhờ tiến trình toàn cầu hóa, doanh nghiệp có thể dễ dàng di chuyển chuỗi sản xuất tới nhiều quốc gia khác nhau.

Thỏa thuận mới cũng nhằm chấm dứt cuộc đua miễn giảm thuế doanh nghiệp giữa chính phủ các nước.

Dù vậy, việc thi hành thỏa thuận sẽ đòi hỏi các nước tham gia ban hành quy định mới. Đây có thể là vấn đề khó khăn đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các thành viên Đảng Cộng hòa đã cảnh báo dự luật nhằm thực tế hóa thỏa thuận trên sẽ cần 2/3 Thượng viện chấp nhận. Điều đó có nghĩa là ít nhất 17 đảng viên Cộng hòa sẽ phải ủng hộ những dự luật này. Chính quyền Biden có thể gặp trở ngại lớn để nhận được những phiếu bầu đó.

Bên cạnh thuế doanh nghiệp toàn cầu, các nhà lãnh đạo G20 cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lời kêu gọi gia hạn nợ cho các nước nghèo. G20 cũng cam kết tiêm chủng COVID-19 cho 70% dân số thế giới cho đến giữa năm 2022.

Tuy nhiên, G20 dường như vẫn chưa thể đưa ra phương án thiết thực để ngăn chặn biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên toàn cầu.

Nhóm G20 ủng hộ quy trình khẩn cho vắc xin chỉ còn 100 ngày Nhóm G20 ủng hộ quy trình khẩn cho vắc xin chỉ còn 100 ngày

TTO - Lãnh đạo G20 ủng hộ việc rút ngắn thời gian phát triển vắc xin, các phương pháp điều trị, chẩn đoán bệnh an toàn và hiệu quả từ 300 ngày xuống còn 100 ngày nếu một đại dịch mới xảy ra trong tương lai.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên