18/08/2004 23:17 GMT+7

Flavin 7: nước ép trái cây hay "thần dược"?

LAN ANH
LAN ANH

TT - Cô nhân viên ở phòng khám đa khoa 55 Nguyễn Du (Hà Nội) đưa tôi tờ rơi quảng cáo thuốc “phòng ngừa và điều trị ung thư” Flavin 7, miệng giới thiệu: “Hôm qua vừa có một bệnh nhân ung thư đến mua mười lọ, trước bác ấy đã mua năm lọ, thuốc này uống tốt lắm mà chỉ... 2 triệu đồng/lọ”. Theo chỉ dẫn của cô, phòng khám 55 Nguyễn Du là nơi duy nhất bán thuốc Flavin 7 ở Hà Nội.

4S4pBp0n.jpgPhóng to
"Thần dược" Flavin 7
TT - Cô nhân viên ở phòng khám đa khoa 55 Nguyễn Du (Hà Nội) đưa tôi tờ rơi quảng cáo thuốc “phòng ngừa và điều trị ung thư” Flavin 7, miệng giới thiệu: “Hôm qua vừa có một bệnh nhân ung thư đến mua mười lọ, trước bác ấy đã mua năm lọ, thuốc này uống tốt lắm mà chỉ... 2 triệu đồng/lọ”. Theo chỉ dẫn của cô, phòng khám 55 Nguyễn Du là nơi duy nhất bán thuốc Flavin 7 ở Hà Nội.

“Thần dược”?

Theo tờ bướm quảng cáo do Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt - Hung, đại diện nhà sản xuất phân phát ở Hà Nội, Flavin 7 là loại nước cốt hoa quả có tác dụng chữa bệnh, do Công ty Crystal Institute sản xuất tại Hungary. Tên đầy đủ là “Tinh thể mặt trời Flavin 7”, chiết xuất từ bảy loại hoa quả sạch. Sáu loại trong số này có ở VN gồm nho tím, anh đào đen, phúc bồn tử, mâm xôi, mận, táo, một loại quả ở VN không có là szeder đen.

Chỉ đơn giản như vậy nhưng tác dụng của Flavin 7 theo quảng cáo lại thật... thần kỳ. Theo các tài liệu do công ty cung cấp, tại VN nhiều bệnh nhân đã dùng Flavin 7. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư giai đoạn 3 không cần tiêm moocphin giảm đau, ăn ngủ tốt, trọng lượng tăng đáng kể, kích cỡ u nhỏ dần. Những người bị dị ứng do chức năng gan sau khi uống 2-3 chai Flavin 7 đã khỏi bệnh, khỏe lên nhiều. Trường hợp ung thư đã di căn, tác dụng của Flavin 7 còn “kỳ diệu” hơn: làm tăng sức đề kháng của bệnh nhân, giảm đau đáng kể, hạn chế sự phát triển của u, kéo dài tuổi thọ... Do có “tác dụng đặc biệt” như vậy, Flavin 7 đang gây một cơn sốt lớn tại Hungary và... lan tràn sang các nước châu Âu và Mỹ.

Tuy khẳng định Flavin 7 không phải là dược phẩm, nhưng các tờ bướm quảng cáo đều ghi rõ liều lượng, cách dùng... của Flavin 7 tương tự như các dược phẩm.

Sự thật

Tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, không khó khăn gì chúng tôi đã tìm thấy bản công bố chất lượng của Flavin 7. Theo văn bản, Flavin 7 đơn thuần chỉ là một loại... nước cốt hoa quả, xuất hiện tại VN từ tháng 10-2003. Đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định các quảng cáo của công ty là sai phạm và cục sẽ yêu cầu công ty thu hồi toàn bộ. Tuy nhiên, một tuần sau đó chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các quảng cáo về Flavin 7. Thậm chí tờ rơi quảng cáo thái quá này được dán công khai ngay ở cửa chính phòng khám 55 Nguyễn Du, đem phân phát tại... hội thảo ung thư quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội.

nZKsOosz.jpgPhóng to
Theo ông Phạm Viết Sơn, giám đốc Công ty Việt - Hung, giá nhập khẩu Flavin 7 về đến VN khoảng 1,4- 1,5 triệu đồng/chai. Ông Sơn giải thích giá bán lẻ lên đến 2 triệu đồng/chai do đây là sản phẩm mới, phải chi phí nhiều. Về khả năng “thần tiên” chữa khỏi ung thư, bảo vệ tim mạch, bổ gan, chống dị ứng... của Flavin 7, ông Sơn nói sẽ phối hợp với Bệnh viện K T.Ư nghiên cứu lâm sàng trên... 10 bệnh nhân để chứng thực. Trả lời báo giới chính thức sáng 17-8, đại diện Bệnh viện K T.Ư khẳng định đã từ chối đề nghị hợp tác này.

Quản lý thực phẩm - thuốc: có phải là quá khó?

Một câu hỏi được đặt ra lâu nay: quản lý thực phẩm - thuốc có quá khó? Theo ông Nguyễn Văn Dũng (trưởng phòng đăng ký và cấp phép - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm), các loại thực phẩm - thuốc mới ồ ạt được nhập về VN từ 2001. Tuy nhiên, điểm lại các sai phạm ở nhóm mặt hàng này đều thuộc về quảng cáo.

Trong khi đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN cũng cho biết đã nhận được rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng bị lừa do tin tưởng vào các quảng cáo thực phẩm bổ dưỡng. Để bán được hàng, hầu hết quảng cáo thái quá đều đánh vào tâm lý những người mắc bệnh nan y.

Trước quá nhiều sai phạm trong kinh doanh thực phẩm bổ dưỡng, hiện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang tiến hành sửa đổi thông tư 20 về quản lý thực phẩm - thuốc. Một quan chức thanh tra y tế còn nói: “Muốn quản lý được thực phẩm - thuốc hiện nay là phải quản lý tổng thể, tức cấm kinh doanh theo mạng. Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh lại của Bộ Thương mại, năm 2003 Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Thương mại cấm kinh doanh theo mạng nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm”.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên