30/01/2014 11:30 GMT+7

Flashmob: "Máu lửa" vì cộng đồng

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTXuân - Trào lưu nhảy flashmob vì cộng đồng ở TP.HCM mấy năm qua thu hút đông đảo bạn trẻ, trở thành một hoạt động tích cực với nhiều bạn trẻ khi mục đích của flashmob không chỉ là nhảy mà là nhảy có ý nghĩa.

Pl3v50bM.jpg
Flashmob trong ngày hội “Vũ điệu non sông” của học sinh phổ thông tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Mấy năm trước, nhảy flashmob ở TP.HCM thường xuất hiện trong những vụ lùm xùm như nhảy flashmob để cầu hôn, tỏ tình trên mạng. Nhưng rất nhanh sau đó, trào lưu này đã biến flashmob trở thành những bài dân vũ đặc trưng của bạn trẻ Việt trong các sự kiện xã hội vì cộng đồng.

Nhảy vì cộng đồng, nhảy có ý nghĩa

Chiều tối một ngày cuối tháng 10-2013, câu lạc bộ flashmob đường phố do trưởng nhóm Nguyễn Thanh Chiêu và phó nhóm Trần Thị Ánh Hồng vốn là sinh viên năm cuối Trường đại học Kinh tế TP.HCM “chủ xị” cặm cụi hướng dẫn các thành viên trong câu lạc bộ chuẩn bị cho buổi trình diễn flashmob của toàn bộ thành viên trong nhóm cho sự kiện quảng bá du lịch tại trung tâm TP.HCM tháng 11. Chưa tới 7g tối, các thành viên đã nườm nượp đến. Những khuôn mặt trẻ trung, tươi tắn của đa số thành viên flashmob đường phố được Chiêu cho biết đều là sinh viên mới ra trường.

Nhóm của Chiêu từng tham gia nhảy cho sự kiện chào đón Nick Vujicic sang Việt Nam tại TP.HCM với 1.000 bạn trẻ, trong khi thành viên chủ đạo của nhóm Chiêu chưa tới 100 bạn trẻ. Nếu chỉ theo phong trào, chắc hẳn flashmob đường phố sẽ không quy tụ được cả ngàn bạn trẻ tham gia các sự kiện. Chiêu cho biết: “Sở dĩ câu lạc bộ quy tụ được số lượng lớn bạn trẻ vì trong hoạt động thường nhật, tụi mình thường tổ chức những chuyến đi gắn kết với cộng đồng như làm từ thiện tại các mái ấm, nhà mở xã hội. Trong chuyến đi, chương trình không thể thiếu đó là nhảy tập thể để góp vui tại cơ sở, gắn kết mọi người với nhau. Vì vậy câu lạc bộ trở thành ngôi nhà chung cho những bạn trẻ yêu thích hoạt động xã hội và nhảy flashmob”.

Cuối tháng 8-2013, nhiều học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở tại TP.HCM đã nhảy flashmob với chủ đề “Vũ điệu non sông” tại Đầm Sen để hưởng ứng Ngày hội học sinh phổ thông TP.HCM. Trước đó là màn biểu diễn đình đám của học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong trong lễ tổng kết năm học bị nhiều người cho là “chơi trội”. Nhưng những gì diễn ra sau đó khiến nhiều người thật sự thay đổi cách nhìn về flashmob trong giới trẻ. Đó là cuộc nhảy tập thể hàng ngàn người trẻ ở sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) trong ngày hội “Giọt hồng tri ân”- với kết quả hơn 1.000 đơn vị máu được tiếp sức cho ngân hàng máu của Hội Chữ thập đỏ VN.

6x7MSn6L.jpg

Từ ngẫu hứng đến chuyên nghiệp

Ít người biết rằng trong hoạt động “Hành trình đỏ” vận động hiến máu nhân đạo trên toàn quốc, có một nhóm hơn 100 bạn trẻ là nòng cốt cho phong trào “Nhảy flashmob và hiến máu nhân đạo”. Trần Thị Hồng Phúc, trưởng nhóm flashmob của “Hành trình đỏ”, bộc bạch trong xúc động: “Những ngày flashmob với “Hành trình đỏ” là kỷ niệm thật khó quên của tụi mình. Mình cảm nhận được đam mê cống hiến, tình nguyện vì cộng đồng của bạn bè qua cách các bạn tham gia phong trào”.

Từ những bài dân vũ truyền thống, nhóm của Phúc đã biến dân vũ trở thành điệu nhảy không phân biệt không gian, độ tuổi khi đi đến đâu họ cũng được các bạn trẻ, thậm chí các cô chú lớn tuổi hào hứng tham gia flashmob. Nền nhạc không chỉ là các bài truyền thống như Nối vòng tay lớn, Uy vũ, Té nước… mà có khi là những bài nhạc trẻ bằng tiếng Anh được yêu thích như Heal the world, You are beautiful hay bài “nhảy ngựa” đình đám Gangnam style. Từ ngẫu hứng, những cuộc nhảy thêm phần chuyên nghiệp khi có sự dày công của các “biên đạo nghiệp dư”.

Nhắc đến biên đạo các bài nhảy flashmob, nhiều bạn “bật mí” những chuyện khó tin về phi vụ “biên đạo nghiệp dư” này. Như Hồng Phúc, cô sinh viên năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tự bạch rằng chỉ lận lưng vài bài dân vũ truyền thống. Mỗi khi đi qua các tỉnh, để “đổi món”, Phúc và các bạn trong ban chủ trì câu lạc bộ flashmob thường họp nhau lại, bàn các động tác “chế” từ các bài nhảy trên mạng. Có khi các bạn tự nghĩ ra những kiểu nhảy vừa vui nhộn vừa “đụng chạm” nhau để tạo sự gắn kết như nắm tay, xoay người mặt đối mặt trong các điệu nhảy… khiến các cộng tác viên mới đôi khi bối rối, nhưng rồi kết quả là có nhiều cặp tự “kết đôi” sau khi quen nhau qua flashmob.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của flashmob là khi không huy động được mọi người vào buổi nhảy tập thể, nhất là với tâm lý e dè của nhiều bạn trẻ trước đám đông. Phúc kể: “Lần nhảy đồng diễn ở sân Mỹ Đình giữa năm 2013 đúng vào đợt mưa bão. Suốt ngày hôm đó mưa tầm tã. Tụi mình lo sốt vó vì sợ không có ai đến hiến máu chứ đừng nói là nhảy nhót. Nhưng chương trình đã chạy, không thể dừng. Thế là tụi mình cứ bật nhạc, vỗ tay và trong trang phục áo đỏ truyền thống của “Hành trình đỏ”, nhóm mình nhảy khơi mào. Một phút, hai phút rồi năm phút trôi qua với tụi mình dường như dài dằng dặc. Nhưng thình lình sau đó, không biết từ đâu, nhiều bạn trẻ đã tụ lại và tụi mình nhảy sung hết sức dưới trời mưa tầm tã!”.

Thông điệp tích cực

Flashmob là hình thức hoạt động cộng đồng được các bạn trẻ yêu thích bởi tính chất năng động, trẻ trung, ngẫu hứng và dễ thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã sử dụng hình thức flashmob trong nhiều hoạt động cho mục đích của các cá nhân hay tập thể. Cá nhân tôi nhận thấy đa số hoạt động này của các bạn đều muốn thể hiện những thông điệp tích cực tuy có thể cách thức thể hiện có chỗ rất hay, chỗ chưa hay lắm.

Nếu các bạn trẻ tiếp tục chắt lọc và phát huy những yếu tố tích cực của flashmob để hướng đến những vấn đề có ý nghĩa cho chính các bạn và cộng đồng trong điều kiện phù hợp môi trường của văn hóa Việt Nam thì xu hướng này rất đáng khuyến khích.

Nhiều cơ sở Đoàn trong thời gian qua cũng tận dụng hình thức này để tập hợp các bạn thanh niên cho các hoạt động vì cộng đồng như một số Đoàn trường tổ chức nhảy mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, các hoạt động truyền thông an toàn giao thông, giữ vệ sinh môi trường…

Một số hoạt động cấp thành phố cũng thiết kế nhiều sân chơi để các bạn thanh niên có thể sáng tạo và thể hiện khả năng nhảy flashmob của mình. Sắp tới, tôi cho rằng nhiều cơ sở Đoàn cũng sẽ tiếp tục tổ chức hoặc tạo điều kiện cho các bạn trẻ thể hiện sân chơi flashmob này theo hướng phát huy sự trẻ trung, sáng tạo, cơ hội giao lưu, rèn luyện sức khỏe và đặc biệt là hướng đến một thông điệp có ý nghĩa nào đó.

Anh LÂM ĐÌNH THẮNG (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM)

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Lê Vân Tết Flashmob nhảy