30/04/2018 19:28 GMT+7

Festival Huế 2018: Âm vọng sông Hương dành cho người yêu Huế

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Trên sân khấu chìm được dựng trên dòng Hương, các nghệ sĩ của chương trình Âm vọng sông Hương đã đem đến cho những người yêu Huế một cảm xúc rất đặc biệt.

Festival Huế 2018: Âm vọng sông Hương dành cho người yêu Huế - Ảnh 1.

Toàn cảnh chương trình “Âm vọng sông Hương” - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

"Ai chè đậu xanh đậu váng, ai bánh bột lọc, ai nem chả không…", những tiếng rao tưởng chừng mộc mạc những lại tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người xem.

Tối 29-4, chương trình Âm vọng sông Hương - một trong những "món ngon nhất" của "đại tiệc" Festival Huế 2018 - đã diễn ra tại đoạn ngã ba sông Hương và sông Đông Ba.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh - tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn nói: "Đây là khúc ân tình dành tặng cho những người yêu Huế".

Một trích đoạn Âm vọng sông Hương - Video: Nhật Linh

Âm vọng sông Hương là câu chuyện đời thường xứ Huế, đó là một vòng đời của người dân sông nước Hương Giang, yêu nhau, cưới nhau, sinh con, quần quật kiếm sống rồi về với cõi tịnh.

Mở đầu là chuyện tình của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Trong tiếng sáo bồng bềnh, người xem được các diễn viên dẫn lỗi về thôn Vỹ Dạ, nơi ra đời chuyện tình của chàng thi sĩ với cô gái thôn Vỹ tên là Thu Cúc.

Festival Huế 2018: Âm vọng sông Hương dành cho người yêu Huế - Ảnh 3.

Chuyện tình của nhà thơ Hàn Mặc Tử và cô gái làng Vỹ Dạ Kim Cúc được các diễn viên thể hiện tại “Âm vọng sông Hương” - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Cao trào của câu chuyện là cảnh xóm vạn chài trên sông Hương gồng mình chống chọi với cơn lũ lớn: người mẹ già bị cơn lũ dữ cuốn trôi, tiếng cô con gái thảng thốt trên sông gọi "Mẹ ơi…".

Cả làng chài tìm đến với nhau, những thanh niên khỏe mạnh nâng bồng con thuyền mảnh mai là biểu tượng của người mẹ - đời người sông nước - chầm chậm theo sau các nhà sư tiễn đưa người về cõi tịch, kết thúc một vòng đời.

Festival Huế 2018: Âm vọng sông Hương dành cho người yêu Huế - Ảnh 4.

Một con cá thật được diễn viên bắt lên ngày giữa phần sân khấu chìm dưới nước của “Âm vọng sông Hương” - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Trên nền bài hát Buổi sáng trên sông Hương, làng chài tiếp tục cuộc sống thường nhật: cha mẹ đánh cá, con cái đi học về, người già ngồi ngắm cháu con, và tiếng rao hàng rong lảnh lót… Khép lại chương trình là bài hát Dòng sông ai đã đặt tên với giai điệu thiêt tha, sâu lắng.

"Chúng tôi muốn tôn vinh những người lao động nghèo trên sông Hương. Họ đã lặng thầm đóng góp những giọt mồ hôi nhọc nhằn để tạo dựng nên xứ Huế cổ kính mà mộc mạc này. Nhưng có vẻ như lâu nay họ ít được nhắc đến trong các kỳ Festival Huế" đạo diễn Nguyễn Quang Vinh nói.

Festival Huế 2018: Âm vọng sông Hương dành cho người yêu Huế - Ảnh 5.

Giàn nhạc “nhí” với nồi, xoong, vùng… hát chầu văn Huế - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Bà Nguyễn Thị Mai (49 tuổi), một người dân nghèo ở khu phố Gia Hội, nơi diễn ra chương trình, chia sẻ rằng bà đã chảy nước mắt vì thấy mình trong câu chuyện này. "Coi xong tui nhớ lại ngày trẻ của mình theo anh chị đi nơm cá, tắm mưa, rồi ra sông nghe hò Huế" bà Mai nói.

Câu chuyện Âm vọng sông Hương được kể bằng một ngôn ngữ sân khấu tổng hợp của ca kịch, vũ kịch, kết hợp với những thủ pháp sân khấu hiện đại (vẽ tranh cát, kỹ xảo ánh sáng).

Festival Huế 2018: Âm vọng sông Hương dành cho người yêu Huế - Ảnh 6.

Múa đàn nguyệt trên sông Hương - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Kết hợp ca nhạc cổ truyền với tân nhạc Huế, các vũ điệu dân gian với diễn xuất của kịch nói, của tiếng rao hàng rong, với lời trò chuyện của cư dân vạn đò và tiếng khỏa nước mạn chèo...

Chỉ một tiếng rao đêm tha thiết là đủ khiến khán giả, cả người Huế lẫn khách du đến Huế, phải lặng người và lau nước mắt. Âm thanh là kỳ công của tác giả và là yếu tố chính tạo nên thành công của vở diễn này.

Festival Huế 2018: Âm vọng sông Hương dành cho người yêu Huế - Ảnh 7.

Với sân khấu chìm dưới mặt nước, các diễn viên đã đem lại cho người xem một cảm giác chân thực về đới sống của người lao động nghèo trên sông Hương - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Vinh, để mang lại độ "thật nhất", ông đã cho sử dụng những đạo cụ và diễn viên thật: cá được thả bơi ngay dưới sân khấu chìm dưới mặt nước; diễn viên quần chúng là dân vạn đò chèo đò, bán hàng rong và cơm hến, chè đậu váng đều là đồ ăn thật…

"Để chạm đến trái tim của khán giả, chúng tôi đã cho ghi âm những âm thanh rao bán hàng rong của các mẹ, các chị ở ngoài đời. Đó là âm thanh của đời thường, của chính họ, người nghệ sĩ không thể thay thế họ được" đạo diễn Nguyễn Quang Vinh nói.

Festival Huế 2018: Văn hiến kinh kỳ kể chuyện nước Việt thế kỷ 19 Festival Huế 2018: Văn hiến kinh kỳ kể chuyện nước Việt thế kỷ 19

TTO - Được giới thiệu là điểm nhấn của Festival Huế 2018, Văn hiến kinh kỳ ra mắt tại Hoàng cung Huế vào đêm 28-4 phô diễn sự hòa quyện của âm nhạc, thi ca, vũ đạo, pháo hoa...


NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên