20/03/2017 21:44 GMT+7

FBI xác nhận đang điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey xác nhận cơ quan này đang điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoá.

Giám đốc FBI James Comey liên tục từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về quá trình điều tra - Ảnh: Reuters
Giám đốc FBI James Comey liên tục từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về quá trình điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ - Ảnh: Reuters

"Bộ Tư pháp đã ủy quyền cho tôi có quyền xác nhận rằng FBI đang điều tra những nỗ lực của chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 ở Mỹ, bao gồm cả những mối liên hệ với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump", ông Comey khẳng định.

Động thái của Giám đốc FBI được xem là "bất thường" nếu nhìn vào quá trình điều tra của cơ quan này.

Bản thân ông Comey thừa nhận: "Thực tiễn những gì chúng tôi làm là không bao giờ xác nhận có sự tồn tại của các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, trong những trường hợp bất thường, vì lợi ích của cộng đồng, chúng tôi sẽ xác nhận".

Người đứng đầu FBI nhấn mạnh ông không thể cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về cuộc điều tra "đang diễn ra", như FBI đang làm gì, cá nhân nào đang bị điều tra,...và khẳng định FBI luôn "cẩn thận trong việc điều tra...đảm bảo quyền riêng tư và lợi ích của bất kỳ cá nhân nào".

"Đây đều là những thông tin mật", ông Comey nhấn mạnh và từ chối các câu hỏi quá cụ thể về cuộc điều tra với lý do "đây là một buổi điều trần công khai".

Đến lượt mình, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Mike Rogers liên tục phủ nhận chuyện Nga đã can thiệp và thay đổi kết quả bầu cử tại các bang Pennsylvania, Wisconsin, Florida, Bắc Carolina và Ohio. Giám đốc FBI cũng phủ nhận điều này.

Buổi điều trần công khai hiếm hoi của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã diễn ra trong bầu không khí chia rẽ rõ ràng giữa phe Dân chủ và Cộng hòa ngay từ khi bắt đầu những phút đầu tiên.

Có 3 vấn đề trọng tâm trong buổi điều trần: Thứ nhất, nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ; thứ hai, các hoạt động nghe lén có được tiến hành theo đúng trình tự hay không, ám chỉ đến cáo buộc nghe lén của Tổng thống Trump nhắm vào người tiền nhiệm Obama; và cuối cùng, các thông tin tình báo bị rò rỉ xuất phát từ đâu.

Chủ tịch ủy ban, hạ nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes khẳng định, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có thiết bị nghe lén được lắp tại tòa nhà Trump của Tổng thống Trump trong thời gian còn tranh cử.

"Tuy nhiên, rất có thể các thiết bị và công nghệ giám sát khác đã được sử dụng để chống lại Tổng thống Trump và các cộng sự của mình", ông Nunes phát biểu.

Trong khi đó, đại diện phe Dân chủ tại ủy ban, hạ nghị sĩ Adam Schiff đã dành phần lớn bài phát biểu để liệt kê ra những lần đội ngũ tranh cử của Trump tiếp xúc với Nga trong hai tháng 7 và 8-2016.

"Có phải những sự kiện này đều không liên quan gì với nhau và chỉ là sự tình cờ hay không? Có thể, nhưng cũng có thể không hoàn toàn như vậy. Chúng ta nợ đất nước câu trả lời.

Chúng ta vẫn chưa biết được liệu các hoạt động can thiệp của người Nga có nhận được sự giúp đỡ từ các công dân Mỹ hay không, bao gồm cả những người trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Nhưng nếu chiến dịch của Trump hay bất kỳ ai có liên quan và hỗ trợ cho các hoạt động này, đó sẽ là sự phản bội niềm tin dân tộc tồi tệ nhất", ông Schiff nhấn mạnh.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên