24/02/2018 10:29 GMT+7

Eximbank chưa có cơ sở giải quyết yêu cầu của người mất 245 tỉ

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Tiếp xúc với Tuổi Trẻ chiều 23-2, bà Chu Thị Bình - người bị mất 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank - cho biết không đồng ý phương án đưa vụ việc ra tòa mà Eximbank phải trả tiền ngay cho bà.

Eximbank chưa có cơ sở giải quyết yêu cầu của người mất 245 tỉ - Ảnh 1.

Giao dịch gửi tiền tại Eximbank - Ảnh minh họa: THANH ĐẠM

Bà Bình cũng phủ nhận nhiều thông tin được đưa ra từ phía Eximbank. Cụ thể, theo trình bày của bà Bình, từ năm 2013 đến 2014, bà có mở 3 sổ tiết kiệm, một sổ hơn 49,2 tỉ đồng, một sổ 4,4 tỉ đồng và một sổ khác có giá trị lớn nhất là 247 tỉ đồng.

Bà Bình cho biết bà không đăng ký dịch vụ Internet banking cũng như dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn, do vậy không kịp thời cập nhật thay đổi số dư khi bị rút tiền. Bà cũng khẳng định phía ngân hàng không tư vấn cho bà đăng ký dịch vụ này. 

"Trong suốt quá trình gửi tôi cũng không có nhu cầu ủy quyền cho ai rút tiền, mà khi có nhu cầu rút thì nhân viên ngân hàng đưa chứng từ đến nhà và yêu cầu tôi ký tên để hoàn tất hồ sơ tất toán" - bà Bình nói.

Các sổ tiết kiệm bị rút gần hết tiền từ lâu

Theo bà Bình, có nhiều điểm nghi vấn trong quá trình giao dịch, chẳng hạn khi bà yêu cầu được đổi sổ tiết kiệm mới khi đến hạn để cập nhật số dư mới thì ông Lê Nguyễn Hưng không đáp ứng mà chỉ cung cấp cho bà sao kê tài khoản tiết kiệm thể hiện số dư trong sổ tiết kiệm tương ứng có đóng dấu của Eximbank TP.HCM và chữ ký của ông Hưng. 

Ông Hưng cũng nói với bà rằng đây là cách thức xác nhận của ngân hàng chứ không đồng ý đổi sổ mới.

Thời điểm 2016 bà có ý định tất toán sổ tiết kiệm 247 tỉ đồng, khi đó ông Hưng đã trực tiếp đến văn phòng của bà thuyết phục hơn 1 giờ về việc nếu bà rút ra ở thời điểm này thì cả chi nhánh sẽ mất thưởng, đồng thời thuyết phục bà gửi lại thêm 10 tháng. 

Do không muốn vì việc của mình mà ảnh hưởng đến lương, thưởng của nhiều người ngay dịp tết nên bà Bình đồng ý gửi lại cho đến khi phát hiện bị mất tiền.

Bà Bình cho biết thêm tháng 3-2017, sau khi ông Hưng bỏ trốn, bà được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy các sổ tiết kiệm đã bị rút gần hết tiền từ lâu. Đến thời điểm phát hiện, số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm của bà Bình chỉ hơn 54 tỉ đồng.

Sao kê của ngân hàng cho thấy các sổ tiết kiệm của bà đã bị ông Hưng rút nhiều lần ở nhiều thời điểm. Chẳng hạn sổ mở ngày 7-2-2013 bị rút 3 lần, tổng cộng hơn 56,5 tỉ, một sổ khác bị rút hơn 198 tỉ, một thẻ bị rút hơn 5,3 tỉ. 

Đáng nói, số tiền bị rút những lần sau là để bù đắp cho các sổ đã bị rút trước đó nhằm tránh bị phát hiện. Tổng số tiền bà bị mất là 245 tỉ đồng.

"Eximbank có kiện thì kiện ông Hưng"

Sau khi sự việc xảy ra, bà Bình có nhiều buổi làm việc với Eximbank và được phía Eximbank TP.HCM yêu cầu chờ Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an làm rõ vụ việc. Đồng thời lãnh đạo ngân hàng cũng cam kết sẽ tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của bà.

Nhưng theo bà Bình, dù bà đã kiên nhẫn chờ đợi Eximbank suốt một năm qua, nhưng sau khi có kết luận của C44 đến nay ngân hàng vẫn cố tình trì hoãn.

"Mới nhất tại cuộc họp ngày 12-2, lãnh đạo Eximbank yêu cầu chỉ chi trả sau khi có quyết định của tòa án dù biết rõ và có đủ hồ sơ về vụ việc. Việc này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, gây thiệt hại lớn cho tôi trong khi tôi đang rất cần vốn làm ăn. Chưa kể vì việc này sức khỏe tôi giảm sút, gia đình lục đục" - bà Bình nói.

Cũng theo bà Bình, việc đưa vụ việc ra xét xử tại tòa án là một lựa chọn sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của cho cả hai bên. Do vậy bà mong muốn được tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền của mình.

"Văn bản số 18 của C44 Bộ Công an khẳng định ông Lê Nguyễn Hưng đã lập chứng từ giả mạo để chiếm đoạt tiền trong sổ tiết kiệm của tôi. Tiền tôi gửi vào ngân hàng chứ không gửi ông Hưng. Ở đây ông Hưng không lừa đảo tôi mà lừa đảo Eximbank. Eximbank là người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy Eximbank nếu kiện thì kiện ông Hưng, còn phần tôi là người gửi tiền tôi mong muốn được tất toán và lấy lại số tiền của mình đã gửi" - bà Bình nói thêm.

Ngân hàng chưa có cơ sở giải quyết yêu cầu của bà Bình

Sáng 23-2, Eximbank đã có văn bản trả lời bà Chu Thị Bình về yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm. 

Trong nội dung trả lời, ngân hàng này khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án có thẩm quyền nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên theo Eximbank, theo văn bản số 387 ngày 12-6-2017 của C44, các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình. Do vậy Eximbank khẳng định trước mắt ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu của khách hàng.

"Chúng tôi mong muốn các bên liên quan gồm ngân hàng, người gửi tiền và cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp tích cực để vụ việc nhanh chóng được tòa án có thẩm quyền phán quyết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan" - ông Lê Văn Quyết, tổng giám đốc Eximbank, nói với Tuổi Trẻ chiều 23-2.

Trong khi đó, chiều 23-2, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết ngay khi xảy ra sự việc, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM và Cục thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục 2) đã làm việc với Eximbank yêu cầu xác định nguyên nhân. 

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã yêu cầu Eximbank tiếp xúc với khách hàng để nắm thông tin và có hướng giải quyết vụ việc.

Về phương án đưa ra tòa, ông Minh cho rằng Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tôn trọng quyết định giải quyết của Eximbank. Đó cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện đền bù cho khách hàng.

Trốn ra nước ngoài không hẳn đã thoát

Một cán bộ điều tra lâu năm làm việc tại Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận định như trên khi đề cập trường hợp ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, bị kết luận lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn ra nước ngoài.

Vị cán bộ này kể về một đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng trăm tỉ đồng ở Q.Tân Bình, TP.HCM qua việc lừa mua bán ôtô, sau đó trốn qua Mỹ.

Do Mỹ chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với VN nên đối tượng này tưởng đã thoát sau khi trốn qua Mỹ.

Nhưng đối tượng này sau đó đã bị người bị hại tìm tới tận nơi ở, thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao VN tại Mỹ, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, đưa về Thái Lan - quốc gia có ký kết hiệp định tương trợ với cả Mỹ và VN.

Sau đó phía Thái Lan đã hoàn tất thủ tục chuyển giao đối tượng này cho cơ quan chức năng VN xử lý.

Gia Minh ghi

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên