04/04/2012 05:57 GMT+7

"EVN chưa báo cáo nên chưa thể khẳng định"

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Chiều 3-4, bên lề và trong buổi họp báo định kỳ hằng tháng của Bộ Công thương, trước các câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lỗ nhưng các tổng công ty điện lực, công ty thủy điện lãi lớn, ông Đinh Thế Phúc - cục phó Cục Điều tiết điện lực - cho biết chưa nắm được do EVN chưa báo cáo.

Mua rẻ bán đắt, EVN vẫn than lỗ

7PwK2tgl.jpgPhóng to
Ông Đinh Thế Phúc - Ảnh: NG.KHÁNH

Theo ông Phúc, việc EVN lỗ nhưng doanh thu lại tăng là do sản lượng điện tăng. Tuy nhiên, với những số liệu về tăng doanh thu của EVN mà phóng viên Tuổi Trẻ đưa ra, vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về việc này. Đại diện Bộ Công thương cũng khẳng định đến nay vẫn chưa nhận được đề xuất tăng giá điện của EVN.

* EVN lỗ nhưng các tổng công ty con của EVN lại lãi lớn? Các công ty thủy điện cũng lãi. Bộ Công thương có nắm được thông tin này?

- Các tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam hay các thủy điện của EVN có lãi hay không hiện nay chưa có kết quả kiểm toán. EVN cũng chưa báo cáo nên chưa khẳng định được. Còn có kiến nghị với kiểm toán công bố kết quả kiểm toán EVN năm 2010 thì kết quả sơ bộ đã được công bố. Nội dung công bố kết quả kiểm toán là quyền của Kiểm toán Nhà nước. Mà kiểm toán lại trực thuộc Quốc hội. Bộ Công thương chỉ là một ý kiến. Công bố hay không do Kiểm toán Nhà nước...

* Năm 2011, giá điện chỉ tăng khoảng 15,28%, sản lượng tăng 9,7% so với năm 2010 nhưng doanh thu của EVN tăng tới 26,7%. Có ý kiến cho rằng thực chất giá điện không phải tăng 15,28% mà còn cao hơn?

- Doanh thu của EVN tăng nhờ cả tăng giá và tăng sản lượng. Giá điện năm 2011 tăng 15,28%, lý giải nguyên nhân doanh thu tăng báo Tuổi Trẻ đã nêu là sản lượng tăng khoảng 9,7%. Tính sơ bộ, với sản lượng tăng khoảng 9,7%, cộng với giá tăng là 15,28%, nhân lên thì doanh thu tăng cũng xấp xỉ 26,7% là đúng.

* Nhưng theo tính toán của chuyên gia, ngay cả khi sản lượng tăng khoảng 9,7% thì mức tăng doanh thu của EVN cũng còn kém mức 26,7% khoảng 0,2-0,4%. Nếu so với doanh thu của EVN cả trăm ngàn tỉ thì mức chênh lệch lên đến hàng trăm tỉ đồng?

- Theo tôi nhớ thì số tăng sản lượng của EVN không phải 9,7% mà là trên 10%. Với số liệu tăng khoảng 9,7% sản lượng thì mức tăng doanh thu là khoảng 26,5%. Tất nhiên trong tăng doanh thu có thể còn có một số yếu tố khác.

* Nhưng trong thông cáo chính thức của EVN gửi báo chí thì tăng sản lượng điện thương phẩm năm 2011 của tập đoàn này chính xác là 9,7% chứ không phải trên 10%?

- Theo tôi nhớ là trên 10%. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại.

* Hiện nhiều người dân tính trên hóa đơn nhà mình thấy mức giá điện bình quân họ phải trả gần 2.000 đồng/kWh chứ không phải mức bình quân 1.365 đồng/kWh?

- Việc người dân so sánh, tính trung bình mỗi kWh họ trả khoảng 2.000 đồng, trên lý thuyết, hoàn toàn có thể xảy ra. Theo quy định hiện nay, người có thu nhập thấp chỉ phải trả 993 đồng/kWh. Sau đó với các bậc thang tiếp theo, giá điện tăng dần, trên 400 kWh giá điện sinh hoạt là 2.060 đồng/kWh... Tôi chưa tính toán chính xác nhưng theo ước tính, nếu dùng 1.000-2.000kWh/tháng thì giá bình quân mới trên 2.000 đồng. Còn nếu dùng 200-300 số thì chắc chắn không đến 2.000 đồng. Theo thống kê mà chúng tôi có, đến năm 2010 vẫn có tới hơn 30% số hộ sử dụng điện chỉ dùng dưới 50 kWh/tháng.

* Năm 2011, vẫn cơ chế cũ nhưng “điện tự dùng” của EVN đã giảm được từ 2,48% năm 2010 còn 1,92%. Điện tự dùng gồm những loại điện nào và nó còn nhiều tiềm năng để giảm?

- Điện tự dùng của EVN chỉ áp dụng với các nhà máy điện. Điện đó là để phục vụ sản xuất điện. Bản thân nhà máy điện cũng cần tiêu hao điện, như nhà máy điện chạy máy nghiền than, điện dùng để chạy quạt gió... Điện này không gồm điện văn phòng. Các trạm điện 110KV và 220KV nếu có dùng điện đều phải qua côngtơ đo và phải trả tiền này, tất nhiên nó được tính vào chi phí hợp lý. Còn khả năng tiết kiệm điện tự dùng tôi cũng cho rằng chắc chắn là còn. Tuy nhiên muốn giảm thì phải thay đổi công nghệ, cần cả vốn đầu tư nữa...

Đã xác định được nguồn gốc gạo giả

Cũng tại cuộc họp báo của Bộ Công thương, ông Trương Quang Hoài Nam - cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - cho biết ngay khi có thông tin của báo chí về gạo giả ở Hà Nội, cục đã chỉ đạo QLTT Hà Nội vào cuộc. Đến 16g ngày 3-4, QLTT Hà Nội báo đã phát hiện nguồn gốc gạo giả ở Hà Nội. Hiện QLTT đang điều tra, xác minh, khi có kết quả sẽ thông tin cụ thể để người dân biết, phòng tránh.

Nguồn gốc của tin đồn là từ 5kg gạo mà anh Nguyễn Duy Mạnh (sinh viên ĐH Xây dựng) mua tại chợ gần nhà (phố Giáp Nhị) ngày 16-3. Theo anh Mạnh, khi nấu cơm có mùi nhựa, không dẻo mà bị cứng rất nhanh, hạt rời rạc. Những mẫu gạo đầu tiên đã được gửi đến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) nhưng hiện chưa có kết quả giám định.

Theo ông Nam, vụ việc cây xăng Đồi Nên ở Bắc Giang vi phạm khi bán xăng kém chất lượng đã xác định được đơn vị cung cấp xăng. Ông Nam tiết lộ cây xăng trên đã vi phạm khi nhập hàng của hơn một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Tên nhà cung cấp đã có trong tay nhưng ông Nam xin chưa cung cấp cụ thể vì điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Về hiện tượng một số cửa hàng gas chưa giảm giá gas, ông Nam cho biết QLTT đang trong tháng cao điểm kiểm tra các mặt hàng, trong đó có gas. Vì vậy, QLTT sẽ xử lý nghiêm những đại lý vi phạm.

Về nhập khẩu muối, ông Nguyễn Nam Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - khẳng định hiện nay không thể cấm nhập. Thời gian qua, ông Hải cho rằng Bộ Công thương đã làm hết sức có thể trong điều kiện phải tuân thủ các quy tắc của WTO về tự do thương mại để giúp diêm dân... Sắp tới, Bộ Công thương hứa sẽ làm tốt nhất để diêm dân thuận lợi hơn trong sản xuất.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên