12/12/2019 16:15 GMT+7

EU thông qua Thỏa thuận xanh lịch sử để cứu môi trường

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, công bố kế hoạch đưa EU trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu cân bằng phát thải carbon vào năm 2050.

EU thông qua Thỏa thuận xanh lịch sử để cứu môi trường - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, trình bày nội dung Thỏa thuận xanh trước Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ - Ảnh: REUTERS

Theo kênh Euro news, kế hoạch mang tên Thỏa thuận xanh (Green Deal) là một hành động đúng hướng. Báo Anh The Guardian nhận xét bản chất toàn diện của Thỏa thuận xanh thể hiện ở chỗ nó bao gồm hầu hết mọi khía cạnh: từ không khí chúng ta hít thở đến cách trồng lương thực, thực phẩm, chuyện đi lại…

Thỏa thuận Xanh đại diện cho sự đại tu chính sách lớn nhất kể từ khi thành lập EU hiện đại.

Tại phiên họp toàn thể đặc biệt với các các thành viên Nghị viện châu Âu, bà Leyen kêu gọi các quốc gia thành viên và nghị sĩ ở Brussels ủng hộ các đề xuất, nêu rõ các cam kết khí hậu của khối cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý bằng "luật khí hậu" - dự kiến, được đưa ra vào tháng 3-2020.

Theo bà Leyen, Thỏa thuận xanh sẽ giúp châu Âu dẫn đầu thông qua việc hòa giải "nền kinh tế với hành tinh và phục vụ con người bằng các quy tắc rõ ràng để các nhà đầu tư và những nhà đổi mới sáng tạo mạnh dạn tham gia trong dài hạn".

Các mục tiêu cụ thể bao gồm đưa phát thải carbon của toàn khối từ mức 40% về "ít nhất 50%" và hướng đến 55% vào năm 2030; tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo và nhanh chóng loại bỏ than; giảm hoặc chấm dứt miễn thuế nhiên liệu hàng không và hàng hải; tạo ra một quỹ trị giá 100 tỉ euro để thúc đẩy đầu tư xanh...

Phát biểu trước báo giới, bà Leyen cho biết: "Thỏa thuận xanh một mặt hướng đến mục tiêu cắt giảm phát thải nhưng mặt khác là tạo ra việc làm mới và thúc đẩy sáng tạo. Chúng ta hiện chưa có câu trả nhưng hôm nay là thời khắc khởi đầu - thời khắc có thể sánh với sự kiện loài người đặt chân lên mặt trăng của châu Âu".

Thỏa thuận xanh được các tổ chức môi trường hoan nghênh nhưng kêu gọi bà Leyen đặt ra mục tiêu tham vọng hơn, giảm mức phát thải carbon của khối xuống 65% và đưa ra các quy định pháp lý cần thiết.

Trong khi đó, một số nước thành viên EU, gồm Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech đã lên tiếng phản đối kế hoạch.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis viết trên Twitter rằng đất nước của ông cũng muốn hướng đến mục tiêu cân bằng carbon nhưng không thể làm được nếu thiếu năng lượng nguyên tử.

Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về mục tiêu phát thải trong cuộc họp tại Brussels ngày 12-12, nhiều khả năng sẽ không nhanh chóng thống nhất.

Tháng 6-2019, đề xuất này đã được đưa ra nhưng không thể thông qua. Thất bại thêm lần nữa sẽ khá ê chề với EU, nhất là về phương diện chỗ đứng và quan điểm của khối trong các thảo luận về khí hậu ở Liên Hiệp Quốc - mà cụ thể là hội nghị Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đang bước vào ngày họp cuối ở Tây Ban Nha.

Chile rút lui, Tây Ban Nha muốn đăng cai hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP25 Chile rút lui, Tây Ban Nha muốn đăng cai hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP25

TTO - Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Tây Ban Nha cho biết nước này sẽ nhận đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP25) sau khi Chile tuyên bố rút.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên