14/05/2014 10:49 GMT+7

EU ký viện trợ Ukraine 1,78 tỉ USD, Nga trả đũa Mỹ

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) ngày 13-5 đã đạt được các thỏa thuận viện trợ cho Kiev tổng cộng 1,78 tỉ USD để thanh toán chi phí hoạt động của chính quyền, chống tham nhũng và cải cách thể chế.

* Ukraine mở rộng chiến dịch quân sự ở miền đông* Nga trả đũa Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao

Ukraine: châu Âu hỗ trợ tìm kiếm “đối thoại quốc gia”Lực lượng ly khai Ukraine đòi gia nhập NgaMiền đông Ukraine tuyên bố sẽ thành lập nhà nước độc lậpNga khẳng định tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân Ukraine

SxpeEWKD.jpgPhóng to
Ông Yatsenyuk (trái) và ông Barroso - Ảnh: imguol.com

“Ukraine có thể tin cậy ở EU hiện giờ và trong tương lai”, Hãng tin AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso. Các thỏa thuận này được ký nhân một chuyến thăm của ông Yatsenyuk tới trụ sở EU.

Ông Yatsenyuk đã ngỏ lời cảm ơn EU và nói “Nga sẽ thất bại trong việc dồn ép Ukraine”. Chính quyền Kiev đang đối mặt với tình trạng ly khai phức tạp của người thân Nga ở đông Ukraine. Ngày 12-5, một số phần tử ly khai đã tuyên bố hình thành nhà nước độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi một ngày trước đó. Cả EU và Mỹ đều nói cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp.

Các cuộc thảo luận giữa EU, ông Yatsenyuk và các bộ trưởng của ông ở Brussels sẽ tiếp diễn trong ngày 14-5 để xác định các biện pháp “hỗ trợ sự ổn định kinh tế, chính trị và tài chính của Ukraine”, ông Barroso nói ở cuộc họp báo chung.

Hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo EU gồm 28 nước đã đồng ý những khoản viện trợ tổng cộng 11 tỉ euro (15,1 tỉ USD) trong ngắn, trung và dài hạn cho Ukraine. Ghi nhớ được ký ngày 13-5 là cho các khoản vay trị giá 1 tỉ euro (1,37 tỉ USD) hỗ trợ cho tài chính vĩ mô của Ukraine. Ông Barroso nói 600 triệu euro đầu tiên sẽ được giải ngân sớm sau khi Quốc hội Ukraine phê chuẩn thỏa thuận.

AFP dẫn lời các quan chức EU nói khoản tiền nói trên có thể được sử dụng để giúp Ukraine trả tiền mua khí đốt từ Nga, một vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa hai nước. Đổi lại các khoản viện trợ, chính quyền Ukraine sẽ phải cam kết hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế và hệ thống tài chính.

Một “chương trình xây dựng các thể chế nhà nước” riêng lẻ khác, được EU tài trợ 365 triệu euro, sẽ giúp Ukraine tiến hành cải cách các định chế, chống tham nhũng, phát triển các tổ chức dân sự và tăng cường hiệu năng của chính quyền, ông Barroso nói.

Từ Ukraine, chính quyền Kiev khẳng định họ không thấy lý do gì để chấm dứt chiến dịch quân sự hiện đang tiến hành nhắm vào các phần tử thân Nga ở Donetsk và Luhansk. Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Bộ trưởng nội vụ Ukraine Arsen Avakov nói: “Chiến dịch chống khủng bố ở miền đông đất nước không bị trì hoãn, và không có lý do gì để trì hoãn chiến dịch đó khi những kẻ khủng bố đang khủng bố người dân ở đó”.

Trên mặt trận ngoại giao, Nga tuyên bố cấm Mỹ sử dụng các động cơ tên lửa do Nga chế tạo để phóng vệ tinh, theo lời Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 13-5. Đây là biện pháp trả đũa của Nga trước những lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt lên nước này kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát.

Reuters dẫn lời ông Rogozin nói Nga cũng từ chối một đề nghị từ Mỹ về việc kéo dài hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho tới sau năm 2020. Tháng trước, Mỹ đã tuyên bố ngừng cấp phép cho việc xuất khẩu các thiết bị công nghệ cao sang Nga.

Hiện Nga cung cấp cho Mỹ các động cơ tên lửa MK-33 và RD-180. Ông Rogozin nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp các động cơ đó với điều kiện họ không dùng chúng để phóng các vệ tinh quân sự”.

Mỹ cũng muốn duy trì hoạt động của ISS, một trạm vũ trụ trị giá 100 tỉ USD là dự án chung của 15 nước và tiêu điểm cho sự hợp tác Nga - Mỹ, ít nhất tới năm 2024, nhiều hơn bốn năm so với dự kiến.

Dù có những khác biệt lớn trong chính sách đối ngoại, Washington và Matxcơva trước giờ là những đối tác quan trọng của nhau trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Tàu vũ trụ Soyuz của Nga hiện là phương tiện duy nhất đưa các phi hành gia lên ISS. Trên trạm vũ trụ này hiện có cả các nhà khoa học người Nga và Mỹ đang làm việc.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên