Khu nhà cũ là nơi ăn ở của công nhân - Ảnh: CTV
Nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua - với 586 phiếu thuận và 53 phiếu chống - kêu gọi nhà chức trách Serbia "điều tra vụ việc một cách cẩn thận và đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của con người trong nhà máy".
Nghị quyết cũng kêu gọi trao cho các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và các quan chức khác quyền tiếp cận đầy đủ và tự do tới nhà máy lốp xe Linglong ở thành phố Zrenjanin và các cơ sở ăn ở của 500 lao động Việt Nam làm việc tại đây.
Trước đó, khoảng trung tuần tháng 11 năm nay, nhiều báo quốc tế đưa tin về điều kiện ăn ở không được đảm bảo của 500 lao động Việt Nam đang làm việc tại dự án nhà máy lốp xe Linglong của Trung Quốc tại Khu công nghiệp Zrenjanin ở Serbia.
Trang tin Balkan Insight dẫn lời một số người thuộc tổ chức phi chính phủ cho biết điều kiện lao động của người Việt tại đây không được tốt, không đủ ăn đủ mặc. Lao động Việt Nam phải làm việc nhiều giờ hơn bình thường nhưng bị trả lương chậm, bị trừ tiền và không được cấp thiết bị bảo vệ sức khỏe khi làm.
Theo Hãng tin AFP, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào Serbia và các nước láng giềng vùng Balkan trong những năm gần đây, với hy vọng mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở Trung Âu.
Serbia đã nhanh chóng thu được lợi ích khi nước này tìm cách lôi kéo một loạt nhà đầu tư trong bối cảnh diễn ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa phương Đông và phương Tây ở vùng Balkan.
Tuy nhiên, theo AFP, Serbia đã nhiều lần bị cáo buộc để cho các công ty Trung Quốc tự do hoạt động tại nước này. Giới chỉ trích cho rằng Chính phủ Serbia đã làm ngơ trước những lo ngại về môi trường và những hành vi có thể vi phạm quyền con người.
Hồi cuối tháng 11, trả lời Tuổi Trẻ Online, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Liên quan đến tình hình lao động Việt Nam tại Serbia, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia đã cử cán bộ trực tiếp tới Serbia gặp gỡ, thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động Việt Nam, kiểm tra điều kiện sinh hoạt ăn ở, đề nghị người lao động thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng và tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại.
Các lao động đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của đại sứ quán trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của người lao động".
Theo người phát ngôn, Đại sứ quán cũng chủ động làm việc với các công ty phái cử, công ty sử dụng lao động, các cơ quan chức năng địa phương và các bên liên quan để thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong hợp đồng với người lao động, nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, bất đồng về điều kiện sinh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho công dân Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận