Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Ngày 30-11, trả lời Tuổi Trẻ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Liên quan đến tình hình lao động Việt Nam tại Serbia, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia đã cử cán bộ trực tiếp tới Serbia gặp gỡ, thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động Việt Nam, kiểm tra điều kiện sinh hoạt ăn ở, đề nghị người lao động thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng và tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại.
Các lao động đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của đại sứ quán trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của người lao động".
Theo người phát ngôn, đại sứ quán cũng chủ động làm việc với các công ty phái cử, công ty sử dụng lao động, các cơ quan chức năng địa phương và các bên liên quan để thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong hợp đồng với người lao động, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, bất đồng về điều kiện sinh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho công dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cũng đang tích cực làm việc với Bộ Lao động - thương binh và xã hội yêu cầu các công ty phái cử nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận với người lao động, thường xuyên theo dõi, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh giữa lao động và chủ sử dụng lao động.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia tiếp tục theo dõi sát vụ việc, thúc đẩy công ty sử dụng lao động sớm thực hiện những cam kết với người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Serbia.
Trong hai ngày 16 và 17-11, trang tin Balkan Insight đã đăng tải các bài viết liên quan 500 công nhân Việt Nam đang xây dựng nhà máy cho một công ty Trung Quốc ở thành phố Zrenjanin của Serbia.
Trang tin này dẫn lời một số người thuộc tổ chức phi chính phủ cho biết điều kiện lao động của người Việt tại đây không được tốt, nguy hiểm cho sức khỏe, không đủ ăn đủ mặc.
Theo thông tin từ Balkan Insight, lao động Việt Nam phải làm việc nhiều giờ hơn bình thường nhưng bị trả lương chậm, bị trừ tiền và không được cấp thiết bị bảo vệ sức khỏe khi làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận