Khu nhà cũ là nơi ăn ở của công nhân - Ảnh: CTV
Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia đã vào cuộc giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Serbia.
Người lao động muốn cải thiện điều kiện ăn ở
Trang tin Balkan Insight dẫn lời một số người thuộc tổ chức phi chính phủ cho biết điều kiện lao động của người Việt tại đây không được tốt, không đủ ăn đủ mặc. Lao động Việt Nam phải làm việc nhiều giờ hơn bình thường nhưng bị trả lương chậm, bị trừ tiền và không được cấp thiết bị bảo vệ sức khỏe khi làm.
Chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ, Nguyễn Dũng - một lao động Việt Nam gốc Hải Phòng - cho biết nguyện vọng của cá nhân và chắc chắn nhiều lao động Việt khác cũng đồng tình là điều kiện ăn ở phải được cải thiện hơn nữa. Nếu điều kiện ăn ở không được cải thiện, nguyện vọng tha thiết của Dũng là mong được về nước và được bảo vệ quyền lợi liên quan đến hợp đồng lao động đã ký kết.
Theo Dũng, khi mới sang, anh ở trong một khu tập thể có khoảng 500 công nhân. Phòng ở được chuyển đổi công năng từ container. Mỗi phòng rộng tầm 24m2 với khoảng 12 người sinh sống. Mỗi người ngủ trên một chiếc giường tầng khung sắt, không có nệm. Phòng không có máy sưởi hoặc có nhưng không hoạt động. Nhiệt độ ngày càng thấp hơn ở thành phố Zrenjanin do mùa đông đang đến gần. Về đêm, nhiệt độ xuống -3 độ C, ngày ấm nhất chỉ khoảng 7 độ C.
Phóng viên Tuổi Trẻ cũng liên hệ với chị Ivana Gordic, người nhiều lần trực tiếp đến Công ty Linglong tại Zrenjanin, để ghi nhận tình hình.
"Người lao động Việt Nam rất cần công ty cung cấp cho họ điều kiện sống tốt hơn và chăm lo việc khám chữa bệnh. Không có sưởi ấm. Có 2 máy nước nóng loại 120 lít còn nước nóng nhưng thường xuyên không có một giọt nước nóng. Rất nhiều người đã ngã bệnh do thời tiết giá rét. Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra trong những tuần và tháng tới, trong thời tiết mùa đông thực sự" - chị Ivana Gordic kể.
Giáp và Dũng cũng bức xúc về chất lượng bữa ăn. Theo đó, cơm muốn lấy bao nhiêu cũng được nhưng mỗi người chỉ có 1 quả trứng luộc hoặc một lát trứng cuộn cho bữa sáng. Bữa trưa, tối có cơm, rau với vài lát thịt hoặc cá, không đủ để họ tái tạo sức lao động sau một ngày bốc sắt mờ mắt ngoài công trường.
Dũng và Giáp khẳng định không có chuyện người lao động Việt Nam ở Serbia bị hành hung hay đánh đập. Nhưng điều đó không có nghĩa người lao động không cần sự giúp đỡ, cụ thể là mong muốn cải thiện điều kiện ăn ở.
"Điều kiện không tốt nhưng đang được cải thiện"
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bác bỏ những thông tin mà báo chí quốc tế đã tường thuật. Ông khẳng định các bài báo là một "chiến dịch truyền thông và chính trị" chống lại đầu tư từ Trung Quốc.
"Để phản hồi lại áp lực từ công chúng, chúng tôi đã cử thanh tra tới đó (Công ty Linglong tại Zrenjanin). Điều kiện không tốt nhưng đang được cải thiện" - Tổng thống Vucic xác nhận.
Ngày 30-11, trả lời Tuổi Trẻ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết liên quan đến tình hình lao động Việt Nam tại Serbia, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia đã cử cán bộ trực tiếp tới Serbia gặp gỡ, thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động Việt Nam, kiểm tra điều kiện sinh hoạt ăn ở, đề nghị người lao động thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng và tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các lao động đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của đại sứ quán trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của người lao động.
Bà Hằng cho biết thêm đại sứ quán cũng chủ động làm việc với công ty sử dụng lao động, các cơ quan chức năng địa phương và các bên liên quan để thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong hợp đồng với người lao động, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, bất đồng về điều kiện sinh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho công dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cũng đang tích cực làm việc với Bộ Lao động - thương binh và xã hội yêu cầu các công ty phái cử nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận với người lao động, thường xuyên theo dõi, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh giữa lao động và chủ sử dụng lao động.
Đồng thời Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia tiếp tục theo dõi sát vụ việc, thúc đẩy công ty sử dụng lao động sớm thực hiện những cam kết với người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Serbia.
Sau khi nhiều bên liên tiếng, khoảng 100 lao động Việt đầu tiên đã được chuyển sang khu nhà mới, theo anh Dũng.
Công ty môi giới lao động nói gì?
Nguyễn Dũng cho biết theo hứa hẹn của công ty môi giới lao động, anh sẽ làm công việc nội thất với mức lương 900 USD/tháng (20,4 triệu đồng) với chủ người Đức. Nếu làm thêm có thể được đến 25-30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên hợp đồng thực ký là làm công nhân xây dựng (buộc sắt) tại công trường, lương 78.561,9 RSD - tương đương 750 USD, tính ra tiền Việt được khoảng 17 triệu đồng. Trong khi đó ở Việt Nam, anh Dũng đã có thu nhập 14 triệu đồng/tháng với công việc cơ khí. Anh Dũng cho biết đã gọi điện phản ảnh với công ty môi giới lao động nhưng được khuyên là "cố gắng ở lại".
Được biết 500 lao động Việt Nam sang Serbia thông qua các công ty môi giới khác nhau. Ngày 1-12, phóng viên Tuổi Trẻ gọi điện thoại vào số điện thoại di động của ông N.B.N., người đứng tên trên nhiều phiếu thu tiền công nhân đã nộp. Ông N. xác nhận tên mình và làm việc tại Công ty L.H..
Khi biết phóng viên liên hệ hỏi về vấn đề người lao động tại Serbia, ông N. nói: "Em chỉ đóng vai trò là người tuyển dụng thôi. Còn vấn đề về bên kia thì em cũng đã nhận được thắc mắc rồi". Khi phóng viên tiếp tục gọi điện sau đó, ông N. lại nói công ty ông chỉ là công ty tư vấn?!
Phóng viên Tuổi Trẻ cũng nỗ lực nhiều lần liên hệ Công ty Trung Quốc Linglong nhưng không nhận được hồi đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận