10/01/2015 10:12 GMT+7

“Thích làm ba nghề khác nhau, nên chọn nghề nào?”

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TTO - Nắng lên sớm nhưng hơn 3.500 chỗ ngồi trống tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, tỉnh Tây Ninh đã được lấp đầy dù chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chưa bắt đầu.

Rất đông học sinh các trường THPT nghe tư vấn nhóm ngành khoa học, ngoại ngữ, báo chí… tại trường THPT Lý Thường Kiệt, Tây Ninh sáng 10-1 - Ảnh: Như Hùng.

Những chuyến xe đưa học sinh (HS) ở xa đến với "Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015" sáng 10-1 không chỉ chở theo biết bao băn khoăn, trăn trở về học hành và nghề nghiệp, mà còn chở những ước mơ đẹp về chân trời tương lai của những học trò ở ngưỡng cửa 18.

Bối rối dạy khối 12

Giáo viên chủ nhiệm khối 12 của 19 trường THPT có mặt tại chương trình tư vấn cũng mang theo những câu hỏi, băn khoăn không kém gì HS. Dạy khối 12 vốn vất vả vì áp lực thi cử, về tâm lý của học trò, nay còn vất vả hơn khi cô trò đều chưa nắm rõ quy chế thi đang có quá nhiều điểm mới và thay đổi “chóng mặt”. HS tự tìm thông tin rồi đem những thắc mắc hỏi giáo viên, nhưng cũng có nhiều câu hỏi mà giáo viên phải “ậm ừ”.

Cô Nguyễn Thị Mộng Ngân - giáo viên lớp 12C2 Trường PT dân tộc nội trú Tây Ninh, đưa 76 HS của trường đến với chương trình với lời dặn: “Các em nhớ mạnh dạn đặt câu hỏi để nghe các thầy cô tư vấn”. “Nói vậy nhưng mình biết học trò có nhiều em nhát lắm nên sẽ không dám đặt câu hỏi, dù nhiều em chưa xác định được khối thi, trường thi và ngành nghề", cô tâm sự.

"Có em hỏi: Cô ơi giờ em thích ba nghề khác nhau, theo cô em nên chọn nghề nào? Có em thì hùa theo bạn để chọn nghề, lại có em đến lúc này vẫn trả lờiE m chưa biết cô ơi”. Chỉ khoảng 50% em tự xác định được khối thi, ngành thi cho mình, số còn lại còn phân vân lắm. Giá như sau này các thầy cô, chuyên gia về trường tư vấn thì các em sẽ mạnh dạn đặt câu hỏi hơn”, cô chia sẻ thêm.

Theo cô Ngân, những HS có sức học khá chọn các trường ĐH, số còn lại thường hướng vào những trường có chế độ cử tuyển và các trường cao đẳng, trường nghề tại địa phương. HS ở trường đa số là người Chăm và Khơme, nhà xa trường, sống nội trú xa cha mẹ nên luôn có nhu cầu được tâm sự, chia sẻ và tư vấn về con đường tương lai.

Cô Phan Đặng Hạnh Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, cũng cho biết giáo viên dạy khối 12 bây giờ phải “lo đủ thứ, từ việc lo dạy, lo đảm bảo chất lượng, nay lại còn lo hơn với quy chế mới. Chưa biết kết quả ra sao nhưng trước mắt HS cũng bị ảnh hưởng về tâm lý và lo lắng rất nhiều về kỳ thi sắp tới”.

Cùng với cô Huyền, các giáo viên chủ nhiệm khối 12 của Trường Nguyễn Chí Thanh cũng có mặt đầy đủ và nghiên cứu những tài liệu trước giờ vào chương trình tư vấn.

Tự tin với ước mơ

Học sinh đang đặt câu hỏi cho ban tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, ngoại ngữ, báo chí… sáng 10-1 - Ảnh: Như Hùng

Khi được hỏi có lời nhắn nhủ gì với các bạn cùng trang lứa đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời như mình, HS Lê Thanh Nguyên - lớp 12A3 Trường THPT Lý Thường Kiệt đã mạnh dạn giơ tay cao và trả lời: “Em muốn nói với các bạn rằng, nếu các bạn đã có một ước mơ nào đó, hãy sống hết mình với ước mơ mà mình đã chọn!”.

Nguyên cũng là HS đầu tiên “giành” quyền đặt câu hỏi với ban tư vấn. Em kể đã từng tham dự chương trình khi mới là HS lớp 11, nhưng hồi đó còn nhát nên không dám đặt câu hỏi.

“Em rất lo về những điểm mới của kỳ thi và hy vọng chút nữa sẽ được các thầy cô giải đáp. Em muốn trở thành sinh viên ngành tâm lý học trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, dù gia đình khuyên em thi y dược. Em tự tìm hiểu và chọn ngành này vì nghĩ rằng nó không chỉ giúp bản thân mình mà có thể giúp cho những người khác, giải quyết những vấn đề về tâm lý”, Nguyên nói.

Tại chương trình, không ít những HS khối 11 cũng đến tham gia và mạnh dạn đặt câu hỏi để được một lần nữa củng cố ước mơ, quyết định về tương lai của mình. Hàng loạt câu hỏi về những “tin đồn” về quy chế thi, phổ điểm, cách chọn ngành, chọn nghề, bí kíp xác định ngành nghề… được các HS liên tục “làm khó” ban tư vấn.

"Nhờ chương trình tư vấn, tỉ lệ HS chọn đúng trường đúng ngành ngày càng tăng"

Gần 300 HS Trường THPT Tân Châu có mặt tại trường THPT Lý Thường Kiệt, Tây Ninh từ 5g45 để cùng thầy cô, bạn bè vượt quãng đường 50km đến với chương trình. Bỏ những chiếc nón vải, những chiếc áo khoác, các em ùa vào sân Trường THPT Lý Thường Kiệt nhận những món quà thông tin từ chương trình. 

Thầy Phan Văn Đức - bí thư Đoàn trường, cho biết: “Sáng mai 11-1 các em lại tiếp tục tham gia Chương trình tư vấn mà Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức tại TP.HCM. Nhiều năm nay ngoài tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tại trường, HS khối 12 của trường cũng được tham gia các chương trình tư vấn để có thêm thông tin, nhờ đó tỉ lệ HS chọn đúng trường, đúng ngành và đỗ các trường ĐH, CĐ tăng lên theo từng năm. Các em rất hào hứng với chương trình”.

Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại trường THPT Lý Thường Kiệt, Tây Ninh sáng 10-1 - Ảnh: Như Hùng
Ban tư vấn cung cấp cho học sinh những thông tin cần thiết về tuyển sinh năm nay - Ảnh: Như Hùng
Nhiều học sinh nói rất lo về những điểm mới của kỳ thi năm nay và mong được các thầy cô giải đáp sáng 10-1 - Ảnh: Như Hùng

Trước đó từ sáng sớm, học sinh các trường THPT tỉnh Tây Ninhđã có mặt tại điểm tư vấn trường THPT Lý Thường Kiệt, tỉnh Tây Ninh chờ được nghe tư vấn và hướng nghiệp - Ảnh: Như Hùng

Học sinh các trường THPT ở Tây Ninh tranh thủ đọc những thông tin tư vấn tuyển sinh từ quà tặng của báo Tuổi Trẻ tại buổi tư vấn hướng nghiệp sáng 10-1 - Ảnh: Như Hùng

 

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên