Trao đổi với Tuổi Trẻ, các ý kiến đều cho rằng không có quy định em chồng là người thân, nhưng xét ở khía cạnh quan hệ xã hội thì rất khó nói rằng em chồng là “người dưng nước lã”.
Nên nhìn thẳng vào sự thật
Trong từ điển, "người thân" tức là người có quan hệ ruột thịt hoặc thân thích với mình. Trong dân gian, người thân được hiểu không chỉ có tứ thân phụ mẫu, mà còn gồm cả anh em nuôi, là bạn thân, là anh em ruột bên vợ, bên chồng.
Với câu chuyện em chồng bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm phó tổng giám đốc VN Pharma, tôi thấy quá rõ rồi. Cứ ra hỏi dân xem thế nào là người thân, dân sẽ nói rõ ngay.
Ta phải tấn công mạnh vào nhóm lợi ích, không thể để "một người làm quan, cả họ được nhờ" như cha ông ta từng lên án, phê phán. Vụ việc này, theo tôi, ta chưa nên quy kết nhưng phải điều tra, tìm hiểu xem "người thân" ấy có ảnh hưởng thế nào trong VN Pharma.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người vẫn hay thường mượn "râu hùm dọa cáo", không phải là người thân cũng nhận người thân để dọa dẫm người khác. Hay như chuyện của ông em chồng bà bộ trưởng có tự nhiên được sắp xếp vào VN Pharma hay không?
Ông ta có ảnh hưởng gì đến công ty này? Rồi khi công ty người ta sa cơ thì ông ta lại "nhảy" ra ngoài... Theo tôi, bà Tiến phải nhìn thẳng vào sự thật, đừng nên chối bỏ người thân.
Ông VŨ QUỐC HÙNG - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm
Cán bộ cấp cao phải trung thực!
Nếu căn cứ theo luật thì em chồng không nằm trong phạm trù của người thân thích, nhưng nếu là một cán bộ đảng viên thì phải trung thực, có nói có, không nói không.
Tôi đọc báo thấy phóng viên hỏi bị cáo trong vụ án, người này nói đúng là có em trai của chồng bà bộ trưởng làm lãnh đạo trong công ty. Như vậy bây giờ bộ trưởng có nói sao cũng khó.
Trong trường hợp này thì cần trung thực, nếu không nói được trước dư luận cũng phải nói trước với Đảng bởi mình là một đảng viên, là cán bộ cao cấp, bất luận thế nào cũng không thể nói dối với Đảng. Nếu là người trung thực thì biết nói biết, chưa biết nói chưa biết.
Em ruột người đầu gối tay ấp của mình mà lại bảo là không thân thiết, vậy ai mới là người thân thiết?
Bà NGUYỄN THỊ HOÀI THU - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Không nên sử dụng ngôn từ để chống chế
Luật phải điều chỉnh để bịt kín kẽ hở, đó là chuyện dài. Như ông thứ trưởng Bộ Y tế nói một câu rất "khôn khéo" là bộ trưởng không nói, chứ không phải bộ trưởng nói không có. Người ta đã sử dụng ngôn ngữ linh hoạt đến mức ấy thì không biết phải nói sao nữa. Nhưng vấn đề ở đây là gì?
Với tư cách đảng viên, tôi yêu cầu anh khác, còn nếu là "tư lệnh" ngành thì tôi đòi hỏi anh khác, không nên sử dụng ngôn từ để chống chế như thế.
Giữa luật và đời sống thực bao giờ cũng có điểm vênh nhau bởi luật không thể nào theo kịp được với đời sống, nhất là lĩnh vực pháp luật hành chính, nó liên quan nhiều đến chữ liêm sỉ của cán bộ.
Thực ra, dù có sửa luật, dù có quy định chặt chẽ bao nhiêu thì người ta vẫn có cách để lách luật. Nếu cán bộ đảng viên mà không đề cao trách nhiệm với lợi ích chung thì rất khó kiểm soát được.
Một cán bộ Ban Nội chính trung ương
Không chỉ dựa vào cụm từ "đúng quy trình"
Đúng quy trình ở đây là bà Nguyễn Thị Kim Tiến phụ trách toàn bộ lĩnh vực y tế, từ vấn đề cung cấp thuốc men đến khám chữa bệnh cho người dân. Bà là lãnh đạo của một ngành và chịu sự điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng.
Luật này có những điều quy định cán bộ công chức không được làm, cụ thể: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp".
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Y tế nói em chồng bà bộ trưởng không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Và như vậy có thể hiểu việc em chồng bộ trưởng Bộ Y tế làm việc tại một doanh nghiệp dược là... bình thường.
Chúng ta đang ở một nền hành chính giống như một cái áo quá chật, không còn phù hợp với nền hành chính phục vụ.
Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần có một nền hành chính hiện đại. Đó là một nền hành chính không cứng nhắc, mà để cho cán bộ công chức đề cao được đạo đức công vụ, đề cao lương tâm và trách nhiệm.
Còn với quy định như vừa qua, người ta chỉ cần trả lời "đúng quy trình" là hết chuyện, giống như việc của em chồng Bộ trưởng Tiến.
Bà TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH - oàn ĐBQH Hà Nội
Văn hóa Á Đông không cứng nhắc như luật
Văn hóa của người Việt Nam hay Á Đông nói chung không cứng nhắc như luật.
Trong quan hệ gia đình thì mọi thứ cũng chỉ tương đối, chứ không thể tuyệt đối khẳng định anh chị em chồng, anh chị em vợ là người không liên quan tình cảm hay quyền lợi.
Quan hệ người Việt được ví như: tu hú là chú bồ các, bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em tu hú, tu hú là chú bồ các...
Do văn hóa đó nên cái dây mơ rễ má và quan niệm Á Đông khó mà coi rằng em chồng không phải là người thân của mình. Thậm chí trong nhiều tình huống, chị dâu còn nuôi em chồng ăn học.
Có nhiều gia đình, chị dâu trưởng là người quán xuyến, lo lắng cho các em khi cha mẹ khuất núi. Đó là chưa kể chị dâu còn dựng vợ gả chồng cho em chồng. Điều này khó nói chị dâu là người dưng, không liên quan gì đến em chồng.
Qua đấy cho thấy để kiểm soát được những vấn đề tiêu cực thì cần phải mở rộng các đối tượng thân thích, không chỉ gói trọn trong anh chị em, cha mẹ, con cái, vợ chồng.
Thạc sĩ TRẦN THỊ THU HÀ - giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận