Phóng to |
Nhiều sạp bán tạp hóa tại chợ Tân Bình, TP.HCM phải đóng cửa vì ế ẩm (ảnh chụp chiều 25-4) - Ảnh: Minh Đức |
Đóng cửa sạp và... bỏ trốn!
Những ai đến chợ Tân Bình trong những ngày cuối tháng 4, khi rảo bước đến khu quầy sạp bán hàng thực phẩm khô đều không khỏi giật mình với khung cảnh khá vắng vẻ. Khác với cảnh hàng hóa được nêm chặt trên từng kệ sạp, thậm chí tràn xuống cả lối đi như trước đây, hàng loạt quầy sạp hiện đang đóng cửa im lìm, ẩm mốc... Mỗi dãy sạp chỉ còn lác đác vài tiểu thương trụ lại buôn bán, thậm chí có dãy chỉ còn một sạp hàng bán bên cạnh là những kho quần áo, vải vóc được chất đầy bên trong sạp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là khu vực được quy hoạch dành cho kinh doanh thực phẩm, đồ khô với hơn 70 quầy sạp. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn khoảng 15 sạp mở cửa kinh doanh, phần lớn số sạp còn lại đóng cửa bỏ trống hoặc đã chuyển sang làm kho bãi. Chị Tùng, một tiểu thương còn trụ lại tại chợ này, cho biết: “Ế ẩm triền miên, nhiều chị em buôn bán không được đành sang lại sạp, thậm chí có người bỏ luôn ra ngoài kinh doanh mặc dù vẫn phải đóng thuế hằng tháng để giữ sạp”.
Trước đây mỗi ngày mở sạp, lợi nhuận có thể trang trải, gối đầu để nhập hàng mới về, thậm chí vào những ngày lễ tết có thể bán gấp 2-3 lần ngày thường, nhưng nay mỗi ngày bán chỉ trông chờ vào chai dầu ăn, nước rửa chén của chị em trong chợ mua giùm chứ khách vãng lai hầu như chẳng mấy ai ghé. Cũng theo chị Tùng, kinh doanh không được, đồng vốn không có nên hầu hết các sạp đều phải vay vốn ngân hàng để tồn tại nhưng tình hình cũng chẳng cải thiện bao nhiêu. Mới đây, bà N., chủ một sạp, sau khi trả hết nợ ngân hàng số tiền 130 triệu đồng đã lặng lẽ bỏ trốn khi khoản nợ vay bên ngoài “phình” lớn hơn gấp nhiều lần.
Tình trạng đóng sạp cũng diễn ra tương tự tại chợ Phạm Văn Hai. Theo báo cáo của ban quản lý chợ này, đến hết tháng 3-2012 có đến 214 sạp (trong tổng số 1.660 sạp) tại chợ này bị bỏ trống, chủ yếu thuộc khu vực kinh doanh thực phẩm, thực phẩm tươi sống, tạp hóa... Nhiều sạp kinh doanh mặt hàng thực phẩm nay đã biến thành những kho hàng quần áo của các chủ sạp. Tiểu thương Nguyễn Thị Hòa cho biết ban đầu đăng ký kinh doanh mặt hàng đồ khô, nhưng buôn bán không được nên đã xin chuyển sang kinh doanh ăn uống.
Để có đồng vốn kinh doanh, bà đã phải thế chấp quyền sở hữu sạp để vay vốn ngân hàng nhưng lời không đủ trả lãi suất hằng tháng. Mới đây, bà tiếp tục đề xuất với ban quản lý chợ để chuyển sang kinh doanh hàng may mặc chỉ mong thoát nợ. “Rất nhiều sạp cứ loay hoay chuyển đổi ngành hàng nhưng kinh doanh không được đã phải đóng cửa, sang nhượng lại” - bà Hòa nói. Tương tự, hơn một nửa sạp thịt heo tại chợ Hoàng Hoa Thám đã đóng cửa do buôn bán không được, tiểu thương chuyển nghề hoặc chuyển ra ngoài kinh doanh...
“Chết” vì siêu thị
Theo bà Trần Thị Thái Thanh - phó ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, số tiểu thương đăng ký vay vốn ngân hàng tại chợ này vài tháng trở lại đây đã giảm một nửa, chủ yếu do buôn bán không được, tiểu thương đành chấp nhận thu hẹp quy mô kinh doanh chứ không dám “liều” với vốn vay để rồi vỡ nợ. Bà Thanh cho biết sức mua ở thời điểm hiện nay tại hầu hết các chợ đang rất yếu. Chi tiêu ngày càng được người dân thắt chặt nên buôn bán đã khó nay càng thêm khó.
Theo bà Thanh, nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng người mua thì ít người bán thì nhiều, tuy nhiên kiệt quệ nhất có lẽ là các sạp hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống. Chị Hoàng Oanh, chủ sạp đồ khô, cho biết từ đầu năm đến nay cứ đến 3g chiều là chị đóng sạp về nhà để chuẩn bị đến tối đi bán hủ tiếu. “Bán hàng bây giờ chỉ trông chờ người mua vào buổi sáng. Đến chiều, chị em tiểu thương chỉ biết ngồi nhìn nhau chứ chẳng có khách nào vào mua” - chị Oanh ngán ngẩm.
Bên cạnh đó, sức hút từ siêu thị đã khiến người tiêu dùng gần như “quên” chợ. Bà Đỗ Thị Thúy (Q.Tân Bình) cho biết dù nhà ngay sát chợ Tân Bình nhưng đã gần một năm nay bà không còn tìm đến các chợ để mua hàng nữa. Thay vào đó, bà Thúy chủ yếu đi mua sắm ở siêu thị, được tự do chọn lựa mặt hàng mình muốn, có nhiều chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá, không gian sạch sẽ, mát mẻ. Một tiểu thương tại chợ Tân Bình thừa nhận người tiêu dùng hiện không còn vào mua hàng tại các sạp tạp hóa vì siêu thị, các cửa hàng mua sắm tiện lợi mọc lên liên tục. Tiểu thương lay lắt bám trụ lại chợ chủ yếu là do các mối quen nhiều năm.
Dồn dập mở siêu thị, trung tâm thương mại Ngày 26-4, Công ty CP thương mại Nguyễn Kim đã đồng loạt khai trương sáu trung tâm mua sắm thương hiệu Nguyễn Kim tại các tỉnh thành gồm Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Bình Phước và Đắk Lắk, nâng tổng số trung tâm thương mại của Nguyễn Kim toàn quốc lên 16. Đại diện Nguyễn Kim cho biết tổng vốn đầu tư cho sáu trung tâm này lên đến 240 tỉ đồng, mỗi trung tâm có diện tích kinh doanh từ 4.000-13.000m2, bày bán hơn 10.000 mặt hàng điện tử, điện máy. Từ ngày 20 đến 30-4, hệ thống siêu thị Vinatexmart cũng khai trương ba điểm bán hàng mới: Vinatex NBC (Q.7, TP.HCM), Vinatex Đà Lạt và siêu thị Vinatex Mỹ Phước 2 (thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương), nâng tổng siêu thị, điểm bán của hệ thống Vinatex lên con số 70. Theo ông Trần Thanh Nhàn - phó tổng giám đốc hệ thống Vinatexmart, ba siêu thị mới này có tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỉ đồng, chủ yếu kinh doanh sản phẩm quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm tươi sống... Tương tự, chuỗi siêu thị đồng giá Daiso (Nhật) vừa phát triển thêm điểm bán hàng thứ 4 tại đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức sau khi tập trung phát triển hệ thống tại khu vực trung tâm TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận