01/02/2019 08:52 GMT+7

Duyên như heo lên phim

HOÀNG LÊ - BÌNH AN
HOÀNG LÊ - BÌNH AN

TTO - Đóng phim với heo cực lắm, nhưng chúng lại là những nhân vật khó quên với khán giả và cả với đoàn phim.

Duyên như heo lên phim - Ảnh 1.

Anh Thư và diễn viên heo trong phim Những cô gái chân dài (2004)

Thư có nhiều kỷ niệm đóng phim với heo, bởi có đến ba phim Thư tham gia dính dáng đến heo mà. Này nhé: Những cô gái chân dài, Hồn Trương Ba - da hàng thịt và đặc biệt là phim truyền hình Tuyết nhiệt đới" - Anh Thư chia sẻ.

"Cô đóng phim ôm heo"

Năm 2004, Anh Thư là người mẫu đang chập chững bước vào nghề diễn, được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng giao vai chính của phim Những cô gái chân dài. 

Diễn viên làm bạn cùng Thư là heo. Chú heo này không là đạo cụ, mà là một nhân vật hẳn hoi trong phim, biểu tượng "mộc mạc, chân quê" của Thủy (Anh Thư) trước khi lên Sài Gòn học làm nghề người mẫu.

Năm 2006, trong phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Anh Thư vào vai bà chủ lò mổ heo, có ông chồng mập và nhân viên từ lớn đến bé cũng tròn xoe như võ sĩ sumo. Bà chủ chỉ cần ngồi giũa móng tay, ra lệnh cho họ chặt thịt thì... nhạc nổi lên, các nhân viên hành động nhịp nhàng theo điệu nhạc.

Cũng trong năm này, bộ phim truyền hình Tuyết nhiệt đới ra đời, tạo nên một cơn sốt trên màn ảnh nhỏ lúc bấy giờ. Bên cạnh câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa cô gái mạnh mẽ Hằng (Anh Thư) với chàng đạo diễn trẻ Hải (Lương Mạnh Hải), Tuyết nhiệt đới còn dễ thương, đầy màu sắc khác lạ khi có nhân vật chú heo - thú cưng của Hằng đem từ quê lên thành phố.

Anh Thư kể: "Đóng phim với heo có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Một trong những điều tôi nhớ nhất là heo lớn nhanh lắm. Hôm trước mình bế nó còn được, một tuần sau là hết bế nổi vì nó nặng lắm. Còn một chi tiết nữa là có những hôm heo bệnh, mình đang diễn, vuốt ve âu yếm nó thì nó "làm một phát", thế là lại phải đi thay đồ. Cả đoàn phải tạm nghỉ chờ giặt, phơi, ủi đồ cho khô rồi mới quay tiếp".

Có tổng cộng khoảng 20 con heo được huy động để quay Tuyết nhiệt đới suốt hơn bốn tháng trời. Mỗi một đợt quay có ba chú heo diễn cùng lúc. Con nào hiền thì được diễn cảnh Anh Thư bồng bế vuốt ve. Con tính cách nghịch ngợm thì được ghi hình những lúc chú chạy nhảy tung tăng... 

Đoàn phim cử hẳn một người trong bộ phận đạo cụ chăm sóc heo để chúng quen với hơi người, khi Anh Thư bế thì nó không vùng vẫy la hét. Khi heo lớn, không thể quay phim được nữa, đoàn phim lại phải tìm người tặng lại với yêu cầu duy nhất họ hứa chăm sóc và không ăn thịt heo.

Anh Thư bảo bên cạnh nội dung hấp dẫn thì hình ảnh chú heo tung tăng, nũng nịu trong Tuyết nhiệt đới đã giúp phim được khán giả yêu thích và nhớ lâu hơn. "Mười mấy năm sau khi đóng phim này, Anh Thư giờ đã thay đổi nhiều lắm. 

Lúc đóng phim còn chưa có con, giờ con tôi đã cao hơn mẹ. Vừa rồi có người khi thấy tôi ngoài đời vẫn nhắc: "Cái cô đóng phim ôm heo kìa". Con heo còn ấn tượng hơn cả tôi nữa" - Anh Thư cười vui.

Từ gà thành heo

Trong ba phim Anh Thư diễn với heo, phim Những cô gái chân dài và Tuyết nhiệt đới đều do Vũ Ngọc Đãng viết kịch bản và làm đạo diễn. 

Đãng kể mối duyên heo xuất hiện trong phim của anh cũng bất ngờ: "Ban đầu con vật trong kịch bản Những cô gái chân dài là gà. Nhưng giai đoạn đó một số tỉnh thành đang xảy ra dịch cúm gia cầm. Gà không được vận chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác nên đoàn phim phải thay gà bằng heo. Việc thay thế bất đắc dĩ này lại mang hiệu quả tốt. Lên phim, chú heo "diễn" duyên quá, nên khi viết kịch bản Tuyết nhiệt đới tôi quyết định tiếp tục đưa heo vào phim".

Và dường như vẫn còn lưu luyến với heo, nên năm 2017 Vũ Ngọc Đãng trình làng phim chiếu rạp Khi con là nhà heo vẫn hiện diện. 

Có điều heo không còn là thú cưng nhỏ bé dễ thương nữa, mà là heo nọc to bự, phù hợp với nghề thú y và phối giống cho heo trong làng của Quang - nhân vật chính trong phim khi anh còn ở quê. Đoàn phim mua một con heo nọc và một con heo nái để phục vụ những cảnh quay này.

Đạo diễn đam mê đưa con vật vào phim của mình chia sẻ: "Trong giới làm phim chúng tôi nói với nhau hai thứ đạo diễn sợ nhất là động vật và trẻ con. Nhưng tôi lại muốn đưa các con vật vào phim vì nó tạo sự khác biệt, giúp phim tươi tắn và dễ thương hơn". 

Nói về những chú heo "diễn viên" của mình, anh cười: "Người ta thường hay nói "ngu như heo", nhưng trong thời gian ghi hình các phim tôi thấy rằng heo cũng dễ thương và thông minh nữa. Nói "ngu như heo" là không đúng đâu. 

Nếu chúng ta yêu thương, đối xử với heo như thú nuôi chó hay mèo thì nó cũng rất tình cảm. Trong lúc quay Tuyết nhiệt đới, những lúc không có cảnh quay, heo ta sà tới cạ vào những người ngồi gần, mắt nhìn ươn ướt nước như năn nỉ đòi được vuốt ve". 

Duyên như heo lên phim - Ảnh 2.

Khi heo thật thành diễn viên chủ lực

Mập ú, đáng yêu và thích quậy phá… heo nhiều thập niên qua đã trở thành các diễn viên được yêu thích trong nhiều bộ phim ăn khách.

Babe (Chú heo chăn cừu, 1995) là một bộ phim hài của đạo diễn Úc Cris Noonan, xoay quanh chú heo con Babe được ông chủ nông trang Hoggett mang về từ hội chợ vùng. Với biệt tài chăn cừu, chú heo đã mang lại nhiều câu chuyện thú vị sau khi kết thân được với các động vật khác trong trang trại.

Theo tạp chí Entertainment Weekly (Mỹ), có đến 970 con vật thật được dùng trong quá trình làm phim, gồm heo, chó, mèo, bò, ngựa, cừu, vịt…

Đối với nhân vật chính Babe, nhà làm phim phải tổ chức những buổi "casting heo" công phu y như tuyển chọn diễn viên người. Những con heo mới lọt lòng được nuôi riêng trong 3 tháng, sau đó đem ra trước máy quay để đánh giá khuôn mặt thích hợp vào vai chính hay không.

Heo được chọn đóng phim phải là giống Yorkshire (lớn, da trắng), có nguồn gốc ở vùng Yorkshire, Anh. Tất cả đều là heo cái, vì nếu sử dụng heo đực thì khi lên hình, bộ phận sinh dục sẽ bị phô gây mất thẩm mỹ.

Tất nhiên, bộ phim phải sử dụng một số thủ thuật. Nhà sản xuất George Miller từng thừa nhận đoàn làm phim đã sử dụng một con heo máy cho những cảnh bao quát rộng từ 4,5-6m, vì trong những cảnh xa như vậy, chuyên gia huấn luyện heo không có chỗ để nấp. 

Tuy nhiên, trong một tiết lộ đáng kinh ngạc, đoàn làm phim cho biết tỉ lệ xuất hiện của heo thật trong phim chiếm tới 96%.

Một trường hợp dùng heo thật mang lại thành công vang dội khác là bộ phim Charlotte's Web (Chú heo chạy trốn, 2006). 

Đây là một bộ phim người đóng, động vật đóng kết hợp với hoạt hình máy tính, dựa trên tiểu thuyết cùng tên. Bộ phim xoay một con lợn có tên Wilbur được giải cứu khỏi bị giết thịt trong một trang trại.

Theo trang The Dodo (Mỹ), ít nhất 46 con heo đã vào vai Wilbur. Đoàn phim chọn heo từ một trang trại địa phương gần thị trấn Greendale, Úc, nơi bộ phim được quay. Sau khi quay phim xong, Bernie Williams, nhà điều hành sản xuất của bộ phim, đã nhờ tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia (Úc) giúp đỡ.

Animals Australia đã cam kết tất cả 46 con heo sẽ tìm được những người chủ tốt trên khắp nước Úc. Một số con heo đã được chuyển tới Queensland, Tasmania và đảo Flinders. Trong đó, hai con heo may mắn là Lily và Daisy đã được nhận nuôi tại trung tâm động vật nổi tiếng Edgar’s Mission ở bang Victoria, Úc.

Ngắm đàn heo độc đáo ngàn con của nhà sử học Dương Trung Quốc Ngắm đàn heo độc đáo ngàn con của nhà sử học Dương Trung Quốc

TTO - Một phần trong bộ sưu tập hơn 6.000 tác phẩm, đồ lưu niệm, đồ dùng hình heo rất độc, lạ của nhà sử học Dương Trung Quốc đang được giới thiệu tới công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

HOÀNG LÊ - BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên