30/07/2006 04:56 GMT+7

Đường về với những đứa con lai

PHƯƠNG NGUYÊN - YẾN TRINH
PHƯƠNG NGUYÊN - YẾN TRINH

TT - Nếu ngày đi những cô dâu phơi phới tuổi xuân và tràn đầy ước mơ thì ngày về nặng trĩu những đổ vỡ. Đứa con là tài sản vô giá phải giành giật, “đánh cắp”. Kết quả của sự giành giật ấy là có những đứa trẻ bị tổn thương tinh thần.

d7zYJZK4.jpgPhóng to
TT - Nếu ngày đi những cô dâu phơi phới tuổi xuân và tràn đầy ước mơ thì ngày về nặng trĩu những đổ vỡ. Đứa con là tài sản vô giá phải giành giật, “đánh cắp”. Kết quả của sự giành giật ấy là có những đứa trẻ bị tổn thương tinh thần.

Kỳ 1: “Sóng ngầm” ngày đi

Ôm con trốn lúc nửa đêm

Con số các địa phương ghi nhận được những trường hợp có chồng Đài Loan gặp phải hoàn cảnh bi kịch quá ít. Con số trẻ theo mẹ về VN cũng không rõ ràng. Trong số khoảng 800 trường hợp lấy chồng Đài Loan từ năm 1995 đến nay, chính quyền “xã đảo Đài Loan” Tân Lộc (Cần Thơ) chỉ ghi nhận được khoảng 0,01% là gặp bi kịch gia đình và phải quay trở về VN sinh sống.

Một cán bộ trên “đảo” này cho biết khó có thể nắm sát sao vì họ cứ đi đi về về, người quay về Đài Loan làm việc, người tìm kế sinh nhai ở những tỉnh khác.

Chị L.K. ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) là một trong số ít chị em có gia đình hạnh phúc ở nước bạn. Chị kể: “Ở bên đó những cô gái Việt thất bại trong hôn nhân nhiều vô số. Chỉ riêng những cô bạn dâu Việt của tôi thì số có hôn nhân đổ vỡ đã quá nửa. Nhưng thường chuyện khổ đau được chị em giữ kín khi về VN vì sĩ diện và sợ gia đình buồn, nhiều trường hợp còn tô hồng hạnh phúc. Vì vậy nên chính quyền địa phương không nắm hết cũng dễ hiểu”.

NTsYOeWm.jpgPhóng to

Cô gái này cùng người đàn ông Đài Loan nhấp nhỏm chờ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp Cần Thơ. Có bao nhiêu cô như thế sẽ trở về nay mai? - Ảnh: Y.T.

Chị cho biết khi các cô gặp bất hạnh trong cuộc sống vợ chồng, họ giấu nhẹm mọi chuyện và gửi con về quê cho ngoại nuôi rồi tiếp tục quay trở lại Đài Loan đi làm.

Đứa con về được đến quê ngoại cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều gia đình ở Đài Loan kiên quyết bắt lại cháu nội, nhất là con trai. Thế nên có không ít cô dâu phải ôm con trốn đi lúc nửa đêm. Chị L.K. kể có đêm chị giúp một người bạn bồng đứa con mới hai tháng tuổi trốn nhà chồng về Bạc Liêu.

Cuộc “đào tẩu” thành công, nhưng chị K. lại thở dài: “Thấy nhà chồng giành nuôi cháu, bạn mình khóc lên khóc xuống, bản năng của một phụ nữ buộc mình giúp bạn. Nhưng về VN rồi, hai mẹ con cũng đâu được gần nhau”. Hiện người mẹ ấy lại gửi con cho người chị ruột và tiếp tục bôn ba đến TP.HCM tìm việc làm kiếm tiền nuôi con.

Còn mẹ con chị S.P. (tỉnh Trà Vinh) rơi vào một hoàn cảnh khác. Chị chấp nhận lấy chồng Đài Loan qua một đường dây mai mối khi vừa qua tuổi vị thành niên. Chị không ngờ ngày về làm vợ cũng là ngày bắt đầu cuộc đời “làm mọi” không công. Chồng và cha chồng nhậu nhẹt, cờ bạc suốt ngày.

Khi mẹ chồng buồn rầu mất đi, nhà chồng như một gánh nặng đè lên đôi vai của chị. Khi không làm vừa lòng cha chồng, ông mạt sát: “Tao bỏ tiền ra mua mày về đây!”. Không chịu đựng nổi, một đêm tối trời, chị lén ôm con nhỏ về lại Trà Vinh.

mVTYtgPc.jpgPhóng to
Hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ, hai đứa con lai phải về sống với ông bà ngoại ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - Ảnh: Y.T.
Đứt từng khúc ruột

Nhìn đứa trẻ ba tuổi giương mắt một mí ngơ ngác nhìn khách, bà ngoại bé H.N. ở huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) chạnh lòng: “Từ lúc lọt lòng tới giờ, con nhỏ chưa một lần nhìn thấy mặt cha”.

Bà rơm rớm nước mắt: “Cha nó là con một, gia đình cũng khá giả ở bên kia. Dù gia đình ngày xưa biết cha nó nghiện ngập, mẹ nó và cha nó cũng chưa yêu nhau mà chỉ qua mai mối, nhưng chấp nhận gả vì biết đâu lấy vợ rồi nó lo chí thú làm ăn”.

Nhưng không ngờ, con rể của bà càng ngày càng sa đọa. Hết tiền ăn chơi, anh ta quay về hành hạ người vợ đang mang thai. Bà cho con gái tiền mua vé, bồng con về với mẹ. Nhưng định kiến ở quê nhà không dễ vượt qua.

Nhiều người xì xầm: “Ai biểu ham giàu chi cho khổ!”. Người mẹ ấy khép mình lại, ít tiếp xúc với người ngoài vì mặc cảm. Mấy tuần sau, người mẹ ấy quyết định dứt sữa mẹ, gửi con rồi trở về chính nơi mình đã dứt lòng chạy trốn: Đài Loan! Từ đó, đứa con đỡ khổ hơn về vật chất với những đồng tiền người mẹ làm thuê ở xứ người gửi về, nhưng lại thiếu vắng tình mẫu tử.

Một nghiên cứu về thực trạng di dân và lấy chồng Đài Loan tại huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) cho thấy những người lấy chồng Đài Loan trở về nằm trong nhóm có nguy cơ rơi vào dòng xoáy của tệ nạn xã hội. Thông qua các cuộc thảo luận nhóm cho thấy có ít người cảm thông các cô gái lấy chồng Đài Loan bị đổ vỡ gia đình phải quay về.

Nhiều người trong số họ phải tìm lại người mối lái để thử thời vận hoặc để được giới thiệu việc làm. Do vậy ít có trường hợp người mẹ trở về sống tại làng quê, họ chỉ gửi con cho ông bà ngoại rồi tiếp tục sang nước ngoài hoặc đi TP.HCM mưu sinh và “chạy trốn” những định kiến.

Những gia đình có con lai Đài Loan thường ở vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL. Từ TP Cần Thơ, chúng tôi qua hai chuyến phà và một đoạn đường sình lầy mới tìm được nhà bé K.. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy một cậu bé chừng 4 tuổi đang chơi nặn đất sét bên căn nhà lá tuềnh toàng.

Đôi mắt ngơ ngác buồn, bà ngoại bé nói: “Chắc tại ngày mang thai mẹ nó buồn thằng chồng trăng hoa, nằm trên võng khóc hoài nên thằng con có đôi mắt buồn, lúc nào cũng như muốn khóc”.

Phần vì không có tiền nuôi con, phần vì mặc cảm với bạn bè, người mẹ trẻ sớm dứt sữa con rồi đi TP.HCM tìm việc. Cũng không rõ người mẹ 22 tuổi, mới học hết THCS ấy làm việc gì, nhưng mỗi tháng người mẹ ấy gửi 500.000 đồng về phụ bà nuôi cháu. Hiện bé được đi học lớp tiếng Hoa với nhiều bạn con lai khác trong xóm.

Trả lời câu hỏi vì sao, bà ngoại bé buồn buồn: “Cũng như những gia đình có con lai khác, chúng tôi hi vọng cho con đi học để vài ba năm nữa, cha mẹ nó đón về bên kia, dù cha mẹ cháu đã ly hôn và quyết định nuôi cháu ở VN”.

Chúng tôi gặp chị H.T. ở Cầu Ngang (Trà Vinh) khi chị về thăm quê. Chị kể chồng chị chết trong một vụ tai nạn, để lại ba đứa con cho chị. Tiền bạc không có vì mẹ chồng giữ hết, xe thì nhà chồng cũng bán cho anh rể, tiền bạc chị không được giữ.

Lúc chồng qua đời, chị chưa có quốc tịch, giấy tạm trú tạm vắng cũng hết hạn, nhà chồng có bảo lãnh giùm, giấy tờ làm lại chỉ được một năm do mẹ chồng ký bảo lãnh. Đến ngày nào mẹ chồng không ký bảo lãnh nữa thì chị sẽ bị đuổi ra đường. Chị tâm sự trong nước mắt: “Để được gần gũi con, tui ráng hầu hạ nhà chồng, được lúc nào hay lúc đó”.

Nhưng trong mắt họ, cô con dâu như một cái gai. Ở chung một nhà nhưng mẹ chồng và nàng dâu tránh chạm mặt nhau, cứ bà ở trên lầu thì con dâu ở dưới đất. Thấy mấy đứa cháu quấn quýt mẹ, bà nội càng ghét. Bà muốn đẩy những đứa bé xa mẹ chúng.

Chị thở dài: “Nhiều lúc không dám nghĩ đến tương lai. Đưa con về VN thì mình lấy gì mà nuôi. Còn để chúng ở lại, mình ra đi thì đứt từng khúc ruột”.

Đó là những đứa con “mồ côi”. Cha không biết, mẹ đi làm xa. Tình ruột thịt nhạt nhòa. Những đứa trẻ thiếu tình thương của cha, vắng sự quan tâm của mẹ, đủ làm cho người lớn day dứt…

Kỳ tới:Bơ vơ trên đất mẹ

PHƯƠNG NGUYÊN - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên