Đại diện báo Tuổi Trẻ và nhà tài trợ tặng hoa, chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn đọc tham gia chương trình tổng kết “Đường về quê ăn Tết của tôi” sáng 3-3 - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Không chút tô vẽ, những câu chuyện được tâm sự trên đường về quê chân thật đến ngạc nhiên và vì vậy mà nhịp thẳng vào trái tim người đọc.
Và hôm qua 3-3, khi Tuổi Trẻ mời một số tác giả đại diện đến tòa soạn trao lộc xuân, họ đã một lần nữa xuất hiện với câu chuyện rất thật, rất riêng của mình, một lần nữa lay động người theo dõi.
Ông Đặng Trọng Hiền (tổng giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang) - Ảnh: TUYẾT KIỀU
"Mong rằng sẽ còn có cơ hội để nghe tiếng lòng của hành khách trên những con đường về quê, xa quê.
Ông Đặng Trọng Hiền (tổng giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang)
Mẹ tôi vẫn đó, như là quê hương
Chỉ cần lướt qua những câu tâm sự được lấy làm tít tựa: Điện thoại chỉ nghe tiếng nước chảy: mẹ đang lau nhà thuê; 12 năm làm dâu xứ Hàn, tôi run lên lần đầu về quê ăn tết;
Tôi người Việt Nam, xin chỉ đường cho tôi về quê; Tết rồi, về ăn ổ bánh mì chan tương cùng má; Ngày 30 chộn rộn của tôi: một ôsin; Tôi người Sài Gòn, quê đâu mà về?... Thật hơn cả thật!
Chị Đỗ Thị Minh Thùy gửi đến đoạn ghi âm từ Úc: "Hôm nay 29 tết rồi", mẹ tôi ngồi bên khung cửa sổ nói một mình. Chiều 30, mẹ ra luống hoa vạn thọ ngồi một mình, ngơ ngẩn, mắt rưng rưng. Tôi ứa nước mắt thương mẹ, thương đến thắt tim". Người nghe cũng một lần nữa thắt tim, rưng nước mắt.
Anh Đỗ Đình Dũng, em trai chị Thùy, trầm ngâm chia sẻ: "Mấy năm trước, mỗi lần mẹ tôi về ăn tết, cả gia đình kéo nhau ra sân bay đón. Nỗi mừng vui, mong đợi không thể chờ đợi được.
Năm nay mẹ 86 tuổi rồi, không thể tự mình về được nữa, chị tôi lại không sắp xếp được cùng về. Chị viết bài này gửi Tuổi Trẻ. Thay cho đón mẹ, tết cả gia đình quây lại đọc, rồi khóc...".
Chị Đinh Thị Thảo, đại diện Hãng xe Phương Trang, tham dự với tư cách nhà tài trợ cũng không dừng được mà chia sẻ câu chuyện của mình: sáu đêm giao thừa, sáu ngày mùng 1 lẻ loi giữa tuyết trắng Matxcơva, chân vừa nhấc lên khỏi vũng tuyết đã muốn ngã quỵ vì nỗi nhớ quê.
Những lúc ấy tôi chỉ biết tự hét lên trong đầu mà động viên mình: "Cố gắng! Cố gắng! Sau kỳ thi này sẽ được về nhà, được ăn tết Việt Nam với ba mẹ".
Sau những cố gắng ấy, chị Thảo đã được hưởng những ấm áp quê nhà. Cũng như lời reo vui của tác giả Bùi Thị Hạnh sau 12 năm làm dâu xứ Hàn: "Cái rét miền Bắc lần này ấm áp lạ. Tôi đã về đến Việt Nam. Tết quê hương sẽ không còn là nỗi nhớ. Lần này với tôi, mọi hương vị của tết đều là hiện thực".
Nỗi tha thiết với quê hương không chỉ người xa quê mới cảm nhận máu thịt. Anh Thi Văn Chương - người đã khiến bao nhiêu bạn đọc xúc động với món ăn đặc biệt ngày tết: bánh mì kẹp tép rong, xịt nước tương của gia đình mình - hôm nay nhắc lại: "Ngày nhỏ tôi chân lấm tay bùn cùng cha mẹ, công việc bây giờ gắn với những con số lời lỗ, tên Thi Văn Chương chớ chưa bao giờ biết viết văn.
Đây là lần đầu tiên tôi viết, cũng không hẳn là viết, mà chỉ là ghi ra câu chuyện đã nằm sẵn trong sâu xa lòng mình. Đời sống của chúng tôi hôm nay đã thay đổi, đã khá lên, nhưng mẹ của tôi thì vẫn vậy. Mẹ tôi vẫn đó, như là quê hương".
"Ngày ấy tôi là sinh viên, nạn nhân trực tiếp và chứng kiến nhiều nạn nhân khác trên đường về quê mình.
Bạn đọc Hữu Chơn (tác giả bài "Cơm tù, ám ảnh kinh hoàng một thời đường về quê ăn tết")
Lắng nghe tiếng đời
Hơn một nửa số bài viết gửi đến là những câu chuyện rất đời được ghi lại trên đường về quê, cũng đời như thế là sự chia sẻ ấm áp của các tác giả với những bạn đồng hành của mình, dù chỉ là chung một chuyến xe, một toa tàu chốc lát.
Chính tết đã hình thành điểm chung và biến thành cầu nối giữa họ: cùng chộn rộn sốt ruột trên chuyến tàu muộn về quê, cùng đón giao thừa trên đoàn tàu xuyên Việt với ngổn ngang tâm sự vui buồn, cùng chứng kiến một tai nạn mất mát, cùng xa xót và cùng mở lòng quyên góp xoa dịu vết thương.
Cứ vậy, một gói bánh tặng người khó khăn, một tấm vé xe giúp người lỡ đường, hay chỉ là một vài phút trả sớm dịch vụ cận tết, một lời chúc, một miếng bánh chia sẻ dọc đường đã đủ để tết thêm ấm áp. Đường về quê hay đường chơi tết đều là con đường thấm tình người.
Một bạn trẻ tự hỏi: "Tôi dân Sài Gòn, quê đâu mà về" nhưng lại chăm chỉ quan sát, ghi nhận tỉ mỉ suốt trên đường ngược quê chơi tết: những quán ăn vẫn đông khách, những nhân viên bến phà không một giờ ngơi nghỉ, những công nhân tranh thủ làm thêm dịp tết và không khí tết vui vầy, nhẹ nhàng nơi xóm trọ.
Một bạn đọc khác trên đường về quê lại quan tâm, xót xa và lên tiếng giúp những chú khỉ cụt tay vì những chiếc bẫy vô tâm... Không có ai không được quan tâm khi tết đến.
Đường về quê nay đã khác lắm
Bạn đọc Hữu Chơn - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Anh Hữu Chơn, một bạn đọc quen thuộc của Tuổi Trẻ, nhắc nhớ: "Cơm tù, nỗi ám ảnh kinh hoàng một thời đường về quê ăn tết".
Bài viết của anh khơi lại những kỷ niệm một thời gian khó, không chỉ vì thiếu thốn vật chất mà cả thiếu tình người, thiếu đạo đức, thiếu sự nghiêm minh của pháp luật: những quán cơm dùng hàng rào nhốt khách, dùng côn đồ ép khách; những chuyến xe dồn khách như cá hộp; những chiếc xe phun khói lò than, những chuyến xe phóng như cướp trên quốc lộ, mang hàng trăm sinh mạng hành khách treo trên ngọn gió...
"Ngày ấy tôi là sinh viên, nạn nhân trực tiếp và chứng kiến nhiều nạn nhân khác trên đường về quê mình. Thanh niên mà tôi phải bất lực. Tôi nhiều lần tự trách, nhiều lần rớt nước mắt" - anh Chơn nhắc lại.
Nhắc để biết cảm nhận một lần nữa niềm vui thay đổi của hôm nay: đường về quê nay đã không còn quá nhọc nhằn.
Những chuyến xe đường dài có đủ dịch vụ phục vụ. Những công nhân khó khăn được công ty thuê xe đưa về tận quê. Những tuyến tàu, tuyến bay tăng chuyến. Những biến tướng chẹt khách nếu có đều được xử lý kịp thời...
Hai mươi năm, đổi thay vẫn chưa theo kịp kỳ vọng nhưng quả thật đã lột xác. Ông Đặng Trọng Hiền, tổng giám đốc Công ty xe khách Phương Trang, chia sẻ: "Mấy chục năm làm dịch vụ vận tải hành khách, chúng tôi đã chứng kiến vô vàn câu chuyện vui buồn của hành khách trên những chặng đường.
Thông qua những chuyến xe đã đọc thấy nỗi niềm của khách với tết, với quê và nay lại có những bài viết, có khi được viết ngay trên xe, trên tàu này, lại càng thấm thía với hành khách của mình, càng thấy phải phục vụ tốt hơn nữa mới xứng đáng được lựa chọn.
Mong rằng sẽ còn có cơ hội để nghe tiếng lòng của hành khách trên những con đường về quê, xa quê".
Và sau những rưng rưng, đường về quê bao giờ cũng "thấy xao lòng, vui ghê...".
Sao chưa về tết?
Đã có nhiều độc giả nhắn tin đến cho Tuổi Trẻ rằng họ thay đổi kế hoạch ăn tết, chơi tết sau khi đọc những bài viết thấm đậm tình quê này. "Sao còn chưa về?", câu hỏi khiến nước mắt bật ra, thúc người ta nhao đi tìm một tấm vé: máy bay, tàu hỏa, xe đường dài... Gì cũng được, miễn là về quê.
"Sao chưa về? / Để nghe mẹ hát khúc ca dao / Để cùng cha chẻ lạt gói bánh như năm nào / Để nghe tiếng gà gọi bình minh thức giấc / Nhìn trong sương mẹ gánh tết về nhà...".
Những chuyến tàu, chuyến xe ấy cũng ắp đầy câu chuyện. Và không chỉ là những câu chuyện của chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận