Để kết nối và phù hợp với đường vành đai 3, TP.HCM đã điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch qua ba huyện và TP Thủ Đức.
Tỉnh Long An và Đồng Nai cũng điều chỉnh nhiều quy hoạch về đô thị, giao thông, sử dụng đất để đón đầu dự án này nhằm tận dụng tối đa lợi thế thông thương mà tuyến đường này mang lại.
Kết nối đường vành đai 3: Phân vai cho phù hợp
Theo ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đường vành đai 3 TP.HCM kết nối các đô thị vệ tinh và các đô thị của các tỉnh phía đông tây nam bắc của TP, kết nối TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An.
Đây là tuyến giao thông mà tất cả các xe muốn đi và đến TP.HCM đều có thể đi qua. Đây là tuyến đường tránh để các xe lớn không đi vào TP nhưng lưu thông đến Vũng Tàu, Mộc Bài, Bình Phước hay về Đồng bằng sông Cửu Long đều nhanh và thuận lợi.
Về xã hội thì tuyến đường này điều tiết được mật độ phân bố dân cư, giãn dân cư từ đô thị trung tâm TP.HCM ra bên ngoài, tạo sự kết nối với những đô thị vệ tinh có sẵn như Bến Lức, Đức Hòa, Nhơn Trạch và có thể thêm một số đô thị khác trong vùng đô thị TP.HCM.
Ông Chính lưu ý: Quy hoạch của các tỉnh phải tổ chức giao thông tuyến đường vành đai 3 TP.HCM và các đường kết nối sao cho hợp lý. Chỗ nào đường đi trên cao, chỗ nào xuống thấp, chỗ nào là nút giao thông để vào TP, nơi nào là đường song hành để kết nối các đô thị hai bên.
Dựa vào lợi thế của tuyến đường này, TP.HCM và các tỉnh trong vùng quy hoạch tổ chức các đô thị hiện hữu và đô thị trong tương lai, bố trí chuyển dân cư từ trung tâm ra bên ngoài. Việc điều chỉnh dân cư phải tính trong quy mô quy hoạch vùng chứ không chỉ riêng TP.HCM.
Vành đai 3 còn có tác động lớn đến việc điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung, cả TP và các tỉnh đang xây dựng quy hoạch tổng hợp nên các địa phương phải nhìn nhận lại vấn đề phát triển các khu công nghiệp.
Trong đó TP.HCM là trung tâm về khoa học công nghệ, tài chính và trung tâm sáng tạo, công nghệ cao nên công nghiệp thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng quá nhiều năng lượng… không còn phù hợp.
Di dời những loại hình công nghiệp này về đâu thì cần phân công giữa các tỉnh trong vùng để tương trợ nhau và hỗ trợ cho TP.HCM phát triển đúng tiềm năng. Hay nói cách khác là cần phân vai lại công nghiệp một cách hợp lý cho từng địa phương.
Tuyến vành đai 3 tạo điều kiện để TP.HCM và các tỉnh bố trí lại mạng lưới phân phối nguyên liệu, hàng hóa và dân cư, tổ chức lại thành một thể thống nhất, phân vai để việc sử dụng đất có hiệu quả và tổ chức không gian, cảnh quan phù hợp.
Các tỉnh phối hợp cùng làm đường vành đai 3
Để đón đầu đường vành đai 3 TP.HCM, tỉnh Đồng Nai mở rộng Khu công nghiệp Ông Kèo, quy hoạch đường từ vành đai 3 kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành xuống Khu công nghiệp Ông Kèo, quy hoạch bổ sung các tuyến đường 25B, 25C kết nối thẳng vào sân bay Long Thành. Tỉnh Long An điều chỉnh quy hoạch để tận dụng tối đa hiệu quả tuyến đường vành đai 3 nhằm phát triển đô thị, khu công nghiệp.
Các khu đất sau khi điều chỉnh quy hoạch sẽ đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Địa phương cũng đang chủ động lên kế hoạch làm các tuyến đường kết nối với vành đai 3 để phát triển kinh tế. TP.HCM cũng điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch qua ba huyện và TP Thủ Đức cho phù hợp để khai thác lợi thế tuyến vành đai 3.
Bên cạnh đó, TP còn tập trung các cơ chế để khai thác quỹ đất hiệu quả, điều chỉnh phát triển về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, bảo đảm quốc phòng an ninh… TP cũng lưu ý phát triển mạng lưới giao thông tổng thể với các tuyến đường như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Trung Lương, Long Thành - Dầu Giây để đồng bộ hạ tầng giao thông nhằm khai thác, kết nối tốt nhất tuyến đường quan trọng này.
Các chuyên gia khẳng định đường vành đai 3 TP.HCM làm thay đổi cả tám tỉnh trong vùng, ảnh hưởng đến 30 đô thị mới và cũ, tác động lên mạng lưới giao thông và cả thị trường bất động sản, nhà ở.
Bên cạnh tạo ra không gian phát triển mới, dự án đường vành đai 3 TP.HCM còn là dịp để thử nghiệm cơ chế mới trong phối hợp và điều hành dự án. Lần đầu tiên dự án giao thông đi qua bốn tỉnh thành nhưng không do Bộ Giao thông vận tải điều phối mà các địa phương tự liên kết và điều phối với nhau.
Đây là cơ hội để thí điểm và mở ra thiết kế mô hình liên kết vùng kiểu mới. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở TP.HCM cũng thí điểm quy trình mới rút gọn thời gian làm thủ tục đến 9 tháng so với quy trình bình thường. Theo UBND TP.HCM, đây là dự án mẫu mực về bồi thường giải phóng mặt bằng.
TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright) đề nghị các tỉnh có đường vành đai 3 đi qua cần đề xuất để được áp dụng cơ chế đầu tư xây dựng đường vành đai 3 cho những dự án kết nối với tuyến này.
Như vậy, các địa phương mới nhanh chóng đồng bộ hạ tầng và khai thác tuyến đường hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, phải gắn làm đường với phát triển đô thị, ưu tiên lợi ích giao thông, sau đó mới đến lợi ích về bất động sản.
Ông Bùi Xuân Cường (phó chủ tịch UBND TP.HCM):
Nâng cao năng lực quản lý dự án
Dự án vành đai 3 TP.HCM mang lại động lực mới để phát triển cho các địa phương, trước mắt là mở rộng không gian phát triển đô thị. Thực hiện dự án này, TP.HCM được nhiều bài học kinh nghiệm từ cơ chế phối hợp: bốn tỉnh thành phối hợp với nhau để làm, sự phối hợp giữa trung ương và địa phương.
Đây là những bài học quý để TP.HCM thực hiện những dự án khác trong tương lai. Dự án đường vành đai 3 là ưu tiên quan trọng của TP.HCM, là công trình kiểu mẫu trong quản lý điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý dự án, kiểu mẫu trong công tác giải phóng mặt bằng tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Hùng (chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC):
Vành đai 3 là "con đường tơ lụa" thứ hai của Bình Dương
Để thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến quy hoạch, đặc biệt quy hoạch về hạ tầng, giao thông luôn đồng bộ và đi trước quy hoạch đô thị.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng được nhiều tuyến đường lớn, kết nối các huyện, TP trong nội tỉnh và kết nối vùng có vốn đầu tư rất lớn.
Để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến đường này, tỉnh đã song song triển khai quy hoạch để vừa phát triển công nghiệp, đô thị vừa chủ động làm đường.
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 62km (từ nút giao thông Tân Vạn - xa lộ Hà Nội đến Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bến Cát) đã thông xe toàn tuyến.
Tuyến đường này được ví như "con đường tơ lụa" thứ hai cùng với quốc lộ 13 nối Bình Dương với các tỉnh, thành khác trong vùng, thực hiện chức năng liên kết vùng.
Một phần tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn trùng với tuyến vành đai 3 TP.HCM nên tỉnh Bình Dương chỉ phải đầu tư phần còn lại, giảm áp lực rất nhiều cho tỉnh trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận