Con đường mới mở ven sông Hương đã được mang tên người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn - Ảnh tư liệu |
UBND TP.HCM đã đặt tên đường Trịnh Công Sơn ở quận 9 (Tuổi Trẻ ngày 2-1). Có được kết quả này trước hết là nhờ di sản âm nhạc to lớn, là các giá trị nhân văn mà Trịnh để lại cho đời, là do cách cư xử đậm tình người khi ông còn sống, là uy tín cao của những người ký tên đề xuất, là tính nhanh nhạy và lòng yêu văn hóa của hội đồng tư vấn và các cấp có thẩm quyền của TP.HCM.
Đây chính là con đường mang đậm dấu ấn tình cảm của người hâm mộ, con đường nối những tấm lòng và nói như đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy: "Với tôi thì đây là một chuyện tử tế”.
Chúng tôi - những người hâm mộ Trịnh Công Sơn - không khỏi vui mừng nhớ lại hành trình kiến nghị đặt tên đường mang tên Trịnh Công Sơn.
Là người từng khởi xướng và đồng tổ chức chương trình “Dân ta biết sử ta” tại TP.HCM trong 2 năm 2006-2007, tôi rất quan tâm đến các giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó có di sản âm nhạc đồ sộ của Trịnh Công Sơn.
Do đó, gần đến dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn (1-4-2001 - 1-4-2011), tôi nghĩ cần góp sức làm điều gì đó thật ý nghĩa để tôn vinh xứng đáng người nhạc sĩ tài hoa này.
Cổ nhân bảo: “Cái quan định luận”. Việc hằng năm, cứ đến gần ngày giỗ của ông, rất nhiều quán cà phê ở nhiều nơi đều tổ chức các chương trình nhạc Trịnh để tưởng niệm vị nhạc sĩ này là hiện tượng “định luận” đặc biệt, biểu hiện sinh động về sức sống mãnh liệt của nhạc Trịnh trong lòng người sau khi ông mất, khẳng định Trịnh Công Sơn là danh nhân văn hóa của đất nước dù lúc sinh thời ông không hề được phong là nghệ sĩ nhân dân hay nghệ sĩ ưu tú.
Như vậy, 10 năm Trịnh qua đời là khoảng thời gian quá đủ để mọi người hiểu thêm và khẳng định giá trị để đời của ông.
Do đó, dự định của tôi là mời những người yêu mến Trịnh Công Sơn hiện có uy tín xã hội cao ở 3 miền Nam - Trung - Bắc cùng đề xuất cấp thẩm quyền xem xét lấy tên Trịnh Công Sơn đặt tên đường tại Huế và TP.HCM để ghi nhận những đóng góp đáng kể của ông cho nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, thể hiện sự công bằng với lịch sử.
Anh Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch Công ty GIBC - một người bạn vong niên của anh Sơn, đã siết chặt tay tôi với lời cam kết “đồng hành” khi tôi chia sẻ ý tưởng với anh ấy.
“Trịnh Công Sơn là của Việt Nam và trong chừng mực nào đó còn là của nhân loại. Tôi tin là Hà Nội cũng rất mong mỏi có một đường phố mang tên Trịnh Công Sơn và điều đó chắc chắn là ý nguyện của số đông người Hà Nội”. |
Để chuẩn bị và thăm dò dư luận, tôi viết bài “Khi nào có phố mang tên Trịnh Công Sơn?” đăng trên VietNamNet ngày 24-2-2011 với câu kết: “Huế là quê hương của Trịnh Công Sơn, và TP.HCM (Sài Gòn xưa) là nơi gắn bó trực tiếp với nhiều mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời sáng tác của ông... khi nào thì có tên đường mang tên Trịnh Công Sơn?”.
Đông đảo bạn đọc đã cho rằng cần sớm có tên đường phố Trịnh Công Sơn.
Sau đó, từ ý kiến của một số tên tuổi ở Hà Nội, chúng tôi (Phạm Phú Ngọc Trai - Nguyễn Thiện) thống nhất mở rộng phạm vi đề xuất đặt tên đường phố Trịnh Công Sơn. Đó là Huế - TP.HCM - Hà Nội.
Một trong những người mà chúng tôi tìm sự ủng hộ là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Trong email gửi cho tôi vào ngày 4-3-2011, ông cho biết Thừa Thiên - Huế đã chọn con đường ven sông Hương để chuẩn bị đặt tên đường Trịnh Công Sơn. Từ lá thư này, tôi hiểu chuyện ở Huế chỉ còn chờ trình Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế (và thực tế Thừa Thiên Huế đã quyết nghị thông qua ngày 17-3-2011).
Vì vậy chúng tôi chỉ còn trình đề xuất của mình lên TP.HCM và Hà Nội.
Những tên tuổi ở cả 3 miền như GS.TS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nhà báo Vũ Kim Hạnh, nhà báo Nguyễn Công Khế, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, TS Nguyễn Thị Hậu, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà sử học Dương Trung Quốc, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà báo Quốc Vĩnh, nhà báo Trần Ngọc Châu… đã xuất hiện trong lá thư đề xuất này với tư cách là những người “yêu mến tài năng và trân trọng những đóng góp quý giá của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho nền âm nhạc Việt Nam”.
Có lẽ đây là lần đầu tiên một con đường tại TP.HCM được đặt tên một danh nhân văn hóa xuất phát từ kiến nghị của một số người hâm mộ ở cả ba miền.
Và tôi chắc chắn một ngày không xa, trên cơ sở thống nhất của hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học, kiến trúc sư, quy hoạch đô thị Hà Nội từ tháng 5-2011, Hà Nội sẽ có đường Trịnh Công Sơn như Huế, TP.HCM như bài hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận