Bà Trần Tố Nga đang kể lại quá trình hình thành quyển tự truyện Đường trần - Ảnh: L.Điền |
Còn cuộc đời của bà với 76 năm dằng dặc những yêu thương - mất mát, hạnh phúc - đau khổ, lý tưởng - vỡ mộng - kiên nhẫn bước tiếp... cùng với lịch sử đất nước, dân tộc thì chỉ có những người thân thiết mới biết, mà cũng chỉ là biết “phần nổi của tảng băng”.
Hôm nay, một phần của “phần chìm” ấy được phát lộ ra bằng cuốn tự truyện Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt.
Năm 2016, bà Trần Tố Nga cho ra mắt cuốn sách Ma Terre Empoisonnée (Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi) viết bằng tiếng Pháp, nói với thế giới về chiến tranh Việt Nam và chất độc da cam qua trải nghiệm của mình.
Cuốn sách đã lấy được nước mắt người đọc, khiến nhiều người Pháp, người Mỹ thêm hiểu, thêm yêu Việt Nam, thêm nhiệt tâm ủng hộ vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam mà bà là đại diện.
Thế mà Đường trần năm 2017 viết bằng tiếng Việt lại vẫn là một thử thách với ngòi bút nhà báo của bà:
Mới đầu, tôi định sẽ dịch lại cuốn sách đã viết, nhưng bắt tay vào thì không thể. Đây là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Cảm xúc của tôi sôi trào lên, ký ức quay về ào ạt. Một cuốn sách mới đã ra đời, viết ngày viết đêm chạy đua với thời điểm tôi chờ lên bàn đại phẫu cắt khối u ung thư, biên tập lại trong thời gian xạ trị. 76 tuổi, đây là những lời tôi muốn kể lại cho thế hệ sau: cuộc đời, lý tưởng của tôi, lựa chọn của tôi, nhận thức, trăn trở, day dứt của tôi. Của tôi và của cả thế hệ tôi, thế hệ cha mẹ, ông bà, tổ tiên tôi...”. |
Đường trần của bà vì thế rất riêng và rất chung. Là câu chuyện cuộc đời của cô bé Trần Tố Nga với mẹ (liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, được TP.HCM đặt tên cho một con đường ở Q.Bình Tân), bà ngoại (bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo), các con Việt Hải, Việt Hồng, Việt Liên, với bạn bè, đồng đội, nhưng lại cũng là lựa chọn của cả dân tộc, của những gia đình miền Nam trong Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng hòa bình.
Cũng là chuyện tập kết, học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc; chuyện vượt Trường Sơn trở lại chiến đấu ở miền Nam; chuyện hoạt động nội thành rồi bị bắt, bị tra tấn, sinh con trong tù; chuyện vất vả thiếu thốn, xoay trở cười ra nước mắt thời bao cấp...
Nhưng đây lại là chuyện của Trần Tố Nga, một cô gái xinh đẹp, thông minh, sắc sảo với tình yêu nước, yêu sự thật, công bằng, tự do được trao truyền từ trong gia đình, gia tộc.
“Đường trần” của cô vì thế mà gập ghềnh, sỏi đá, không rực rỡ lý tưởng, chẳng phơi phới niềm tin. Trải dài là nước mắt của cô gái quá nhiều suy tư nên đã nhận ra rất sớm những ảo tưởng, sai lầm, ấu trĩ; quá nhạy cảm nên mau thất vọng khi nhìn được những mặt trái của con người; quá thẳng thắn nên phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, oan khiên, ấm ức; bên cạnh đó lại còn những oan nghiệt của lịch sử gieo xuống số phận của từng người, từng thế hệ trong gia đình...
Thế nhưng, cũng suốt “đường trần”, không đọc được một lời than trách, tuyệt vọng, bất mãn. Bao giờ cô gái ấy cũng chọn được cho mình một thái độ, một lối đi để hóa giải, một niềm hạnh phúc dù đau đớn, nhọc nhằn và cô đơn.
76 tuổi, bà Trần Tố Nga viết: “Hạnh phúc và may mắn cho những ai đến cuối đời có thể tự nhủ: nếu được đi trở lại, tôi sẽ lại đi đường này...”. Và bà nói: “Tôi ư? Tôi cũng sẽ đi lại con đường này, dù nó thấm đầy máu và nước mắt của chính tôi. Tôi không nuối tiếc”. Động lực của lời khẳng định ấy chính là “ngọn lửa không bao giờ tắt”. Ngọn lửa từ những câu chuyện thật, máu thật, nước mắt thật, nóng rẫy trên mỗi dòng chữ, trang sách. Ngọn lửa cho bà sức mạnh để vượt qua tuổi tác, qua hàng chục thứ bệnh trọng, tiếp tục mạnh mẽ để kiện 19 công ty hóa chất Mỹ trên tòa án quốc tế đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam. Ngọn lửa mà hôm nay bà muốn truyền lại cho thế hệ trẻ vì “Đường trần của các bạn sẽ gian nan hơn cả chúng tôi. Không được phép hồn nhiên như chúng tôi ngày xưa, các bạn sẽ phải dùng tất cả tri thức và sự sáng suốt, tất cả tình yêu và trách nhiệm với đất nước mới có thể nhận ra những kẻ thù, quanh mình và trong mình”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận