Sau khi dịch đường sắt, doanh nghiệp làm lại một đoạn đường mới nhưng 5 năm qua chưa được nghiệm thu - Ảnh: LÊ PHAN
Phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3 vừa báo cáo Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) các nội dung về liên quan đến việc sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tại Trạm vật tư đường sắt Dĩ An (Bình Dương).
Theo đó, báo cáo "tiết lộ" một đoạn đường chính từ ga Dĩ An vào Nhà máy xe lửa Dĩ An, nơi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho doanh nghiệp dịch đường sắt lấy mặt tiền Lý Thường Kiệt làm dự án nhà ở đã thi công xong từ 2015 nhưng đến nay chưa được nghiệm thu.
Các hạng mục trong dự án dịch đường sắt đến nay vẫn còn dở dang.
Trong khi đó, các nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận 5 năm qua đường sắt vẫn tổ chức dồn dịch, chạy tàu tại đường nối ga Dĩ An đến Nhà máy xe lửa Dĩ An.
Quá trình thi công, nền đường tại các vị trí giao cắt đường sắt theo thiết kế là bêtông nhựa nhưng được đơn vị thi công lắp đặt hai lớp cốt thép, đổ bêtông ximăng. Việc thi công này không có đơn vị giám sát nhà nước.
Hiện trạng trạm vật tư đường sắt nhìn từ trên cao - Video: QUANG ĐỊNH
Hiện trạng trạm vật tư có 4 đường sắt ở mặt tiền đường Lý Thường Kiệt trước khi tháo dỡ - Ảnh chụp từ Google Earth
Hiện hầu hết đất trạm vật tư đã "biến" thành dự án nhà ở thương mại - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Một chuyên gia đường sắt cho biết nếu đoạn đường này chưa ai nghiệm thu mà vẫn được tổ chức chạy tàu từ Nhà máy xe lửa Dĩ An ra ga Dĩ An để kết nối vào tuyến đường sắt Thống Nhất là vấn đề đáng báo động.
"Khi đưa vào sử dụng một đường sắt được làm mới phải được nghiệm thu, cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá, kiểm định chất lượng đường, từ đó mới quyết định có đủ điều kiện chạy tàu hay không", vị chuyên gia nói.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Trạm vật tư đường sắt Dĩ An rộng hơn 11,7ha có 4 đường sắt được xây từ thời Pháp, trong đó có một đường độc đạo nối Nhà máy xe lửa Dĩ An với ga Dĩ An. Các đường sắt trên là tài sản quốc gia được nhà nước rót tiền duy tu hằng năm.
Tuy tên gọi là "trạm vật tư" nhưng thực chất đây là "ga" hàng hóa có đủ điều kiện xếp dỡ, lập tàu "chia lửa" với ga Sóng Thần cách đó khoảng 3km.
Nhưng trong khi đang "kêu" thiếu đường, thiếu bãi xếp dỡ hàng hóa, Nhà nước phải rót thêm tiền đầu tư mở rộng đường ga, tháng 5-2015 Đường sắt Việt Nam lại cho doanh nghiệp không dính dáng gì đến vốn đường sắt dịch chuyển 4 đường để lấy mặt tiền Lý Thường Kiệt.
Từ đó, phần đất mặt tiền 6,4ha được đơn vị bất động sản phân lô bán nền, nhà cửa mọc lên với tên gọi nhà ở thương mại đường sắt.
Phần 6,4ha đặt đường ray cũ (vùng khoanh đỏ) đã có nhà mọc lên, phần đất trống dự kiến lắp 3 đường sắt đã tháo cũng thành dự án nhà ở - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Doanh nghiệp sau khi tháo dỡ 4 đường chỉ lắp lại một đường chính 535m, 3 đường còn lại xin thanh lý luôn. Hiện gần như toàn bộ đất trạm vật tư rộng hơn 11ha đã được duyệt làm dự án nhà ở bao gồm 6,3 ha dự án nhà ban đầu và thêm 4,8ha vị trí dự kiến lắp lại đường sắt.
Cho đến nay, sau 26 ngày kể từ ngày Tuổi Trẻ Online đăng bài "Dỡ đường ray, lấy đất phân lô bán nền", Bộ Giao thông vận tải vẫn đang kiểm tra toàn diện việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho doanh nghiệp tư nhân tháo dỡ, dịch chuyển đường sắt quốc gia lấy đất phân lô có đúng thẩm quyền.
Đồng thời, kiểm tra nguyên nhân vì sao từ hơn 11ha đất phục vụ cho việc sản xuất đường sắt trạm vật tư nay đã "biến" thành dự án nhà ở mà không còn đất để lắp lại các đường sắt đã tháo dỡ từ năm 2015 tới nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận