20/11/2014 09:25 GMT+7

​Đường dài vạn dặm

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TT -  Hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu làm ôsin. Nghe thật xót lòng!”.

Một bạn trẻ Việt Nam (trái) làm thêm mưu sinh ở Hàn Quốc - Ảnh: Thi Ngôn (ảnh tư liệu)

Có một ý của ông Vũ Ngọc Hoàng - phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - phát biểu trong hội nghị toàn quốc “Hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã làm không ít người nặng lòng với dân tộc phải ưu tư: “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. 

Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu làm ôsin. Nghe thật xót lòng!”.

Khoảng cách phát triển về rất nhiều phương diện của hai nước (giờ đây thật sự thân thiết, gắn bó) ngày càng lớn. Mà như một nghịch lý, nếu so sánh một số mặt cơ bản thì thấy Việt Nam thuận lợi hơn nước bạn nhiều.

Diện tích Hàn Quốc chưa bằng 1/3 nước ta (99.143km2). Dân số gần bằng nửa nước ta (44.634.205 người). Tài nguyên thiên nhiên (rừng, biển, khoáng sản...) không phong phú như nước ta.

Nền kinh tế Hàn Quốc cũng tiêu điều sau 35 năm bị phát xít Nhật thống trị (1910-1945) và càng kiệt quệ hơn trong non bốn năm chiến tranh đẫm máu (1950-1953). Tất cả gần như bắt đầu từ số 0 với nền nông nghiệp yếu đuối và nền công nghiệp lạc hậu.

Vậy mà giờ đây nước bạn trở thành một thế lực kinh tế mạnh thứ bảy thế giới, thu nhập đầu người gần 25.000 USD/năm, nhiều tập đoàn công nghiệp thuộc loại hàng đầu thế giới, nền giáo dục không thua gì phương Tây và tổ chức xã hội được thế giới ngưỡng mộ.

Còn Việt Nam? Non 40 năm nay đất nước đã thống nhất, nhưng vì nhiều nguyên nhân - khách quan có, chủ quan có - nước ta vẫn chưa đạt đích “sánh vai với cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Bác Hồ.

Để đến được cái đích ấy, nhất thiết phải mở cho được cánh cửa hết sức quan trọng như những người con ưu tú của dân tộc ta hồi đầu thế kỷ 20 - Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền... - đã khẳng định: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Lực lượng nòng cốt cho quá trình chuyển động quyết liệt ấy không ai khác chính là thế hệ trẻ - những người hôm nay còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng sẽ là chủ nhân đất nước trong tương lai gần. Đó phải là một thế hệ trẻ có lòng yêu nước, có hoài bão cống hiến hết mình và không vị kỷ.

Tất nhiên đồng hành với họ luôn luôn có những người thầy, người cô chân tình và chí tình, có thế hệ cha anh, có Đảng và Nhà nước đang kiên trì tiếp thêm sức mạnh cho họ.

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, đó là một thực tế lịch sử hiển nhiên, không cần bàn cãi. Truyền thống ấy vẫn tiềm ẩn trong cuộc sống hôm nay. Lật giở các trang báo hằng ngày ta vẫn gặp không ít gương vượt khó đầy xúc động.

Tinh thần phấn đấu vượt khó của các em đã nhận được sự động viên hỗ trợ hết lòng của người thân, của thầy cô cũng như của cộng đồng.

Tất cả, từ học sinh sinh viên đến cộng đồng xã hội, chắc chắn đều chung một động cơ thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta có thể sánh ngang các cường quốc năm châu” như đã nói ở trên.

Chắc chắn con đường vạn dặm này chúng ta sẽ vượt qua, những khó khăn không đáng có trên chặng đường dài ấy sẽ giảm thiểu nếu Nhà nước đẩy mạnh việc cải cách thể chế, thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng chống tham nhũng cũng như toàn thể cán bộ các cấp kiên quyết chống lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Chúng ta có thể vững tin vào kết quả tốt đẹp cuối cùng và những người thật sự tâm huyết với đất nước như ông Vũ Ngọc Hoàng không phải thốt lên lời cảm thán: “Nghe thật xót lòng!”.

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên