Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương xảy ra sáng 28-9 - Ảnh: M.Trường |
Nhất là mới đây đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa một số xe trên đường cao tốc này.
Ngày 4-10, dừng chiếc xe 7 chỗ tại quán cơm gần trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Tiền Giang), anh Nguyễn Văn Đạo (32 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết bình quân mỗi tuần anh chạy khoảng 10 chuyến xe trên tuyến đường cao tốc này.
“Hiện đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã xuống cấp, đường được đưa vào sử dụng từ lâu nhưng việc duy tu không đảm bảo”, anh Đạo nói.
Theo anh Đạo, vào những ngày mưa, chạy xe trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương các tài xế rất sợ những vũng nước đọng trên đường, đó là chưa kể tại những khu vực có cống thoát nước băng ngang, mặt đường gồ ghề nên không thể chạy nhanh.
Anh Đạo cho rằng: “Trong lúc mặt đường chưa thật sự an toàn như hiện nay thì nên giảm tốc độ xuống còn 100 km/h là hợp lý”.
Anh Tám Hùng, một tài xế xe khách chạy tuyến cố định Bến Tre - TP.HCM, cho biết hằng ngày anh chạy ít nhất 3 chuyến xe trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào lúc trời tối.
“Trên đường cao tốc không có đèn, trong khi đó hàng rào bảo vệ hành lang hai bên đường không thể ngăn một số người vào trong đường cao tốc nên lái xe rất sợ. Cứ tới những chỗ có cầu vượt hoặc cống thoát nước là phải giảm tốc độ vì mặt đường tại những điểm này gồ ghề rất nguy hiểm”.
Tuy nhiên, anh Tám Hùng lại cho rằng không nên điều chỉnh giảm tốc độ xuống 100 km/h vì với tốc độ đó thì rất dễ “dính” lỗi chạy quá tốc độ.
“Cái cần làm là đơn vị quản lý đường cao tốc phải khắc phục những khiếm khuyết của con đường để được khai thác hiệu quả ở tốc độ tối đa, không nên giảm tốc độ tối đa xuống. Chủ đầu tư thấy đường chưa đạt thì phải sửa chữa chứ đừng làm theo kiểu hạn chế quyền lợi của chúng tôi”, anh Tám Hùng góp ý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phùng Văn On - phó Ban An toàn giao thông tỉnh Long An - xác nhận hiện mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có dấu hiệu xuống cấp, nhất là những vị trí qua cống thoát nước. Hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường này cũng không đảm bảo.
“Xe đời mới hiện nay có đèn chiếu khá xa và sáng nhưng với tốc độ 120 km/h thì đèn xe không ăn thua, nên rất cần hệ thống đèn đường”.
Để đảm bảo an toàn, ông On cho biết tỉnh đã đề nghị giảm tốc độ tối đa từ 120 km/h xuống còn 100 km/h trên tuyến đường này. Nếu giảm tốc độ tối đa từ 120 km/h xuống 100 km/h thì thời gian đi hết đường cao tốc chỉ tăng thêm khoảng 4 phút.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sau khi có ý kiến từ Long An, bộ giao cho Tổng cục Đường bộ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu. Cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây ra tai nạn để quyết định giảm tốc độ tối đa, bởi lẽ giảm tốc độ đường cao tốc đồng nghĩa với việc giảm hiệu quả đầu tư.
Thiết kế đảm bảo chạy 120 km/h Theo ông Đỗ Ngọc Dũng - phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, về nguyên tắc thiết kế thì đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đảm bảo 120 km/h. Thời gian đầu, khi đưa đường cao tốc này vào sử dụng, Bộ Giao thông vận tải chỉ cho phép xe lưu thông với vận tốc tối đa 100 km/h để người dân quen dần với đường cao tốc đầu tiên ở VN. Khi mọi việc ổn định, bộ điều chỉnh đường cho xe chạy 120 km/h theo đúng thiết kế. Ông Dũng còn nói vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa các xe trên đường cao tốc có dấu hiệu cho thấy các xe không giữ đúng khoảng cách an toàn như biển báo quy định. “Về ý kiến cho rằng thiếu đèn chiếu sáng, tôi cho rằng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bố trí đèn rất đầy đủ ở những vị trí cần thiết và có phần dư. Ở nhiều nước trên thế giới cũng chỉ bố trí đèn chiếu sáng ở những vị trí cần thiết, không có nước nào lắp đặt đèn chiếu sáng trên toàn tuyến đường cao tốc”, ông Dũng nhấn mạnh. |
[poll width="400px" height="192px"]177[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận