29/04/2005 00:23 GMT+7

Được tự do về với gia đình

BÙI THANH
BÙI THANH

TT - Đoàn xe chở tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu chạy theo đường Thống Nhất, quẹo trái qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để đến Đài phát thanh. Dù khá mệt mỏi và căng thẳng trước những gì vừa diễn ra, tướng Minh vẫn ôn tồn chỉ đường cho lái xe Đào Ngọc Vân.

OTmsbpJV.jpgPhóng to
Sau khi được thông báo trả tự do, tướng Dương Văn Minh (phải) đã có cuộc gặp gỡ thân mật với tướng Trần Văn Trà - chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định - Ảnh: Lâm Tấn Tài

TT - Đoàn xe chở tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu chạy theo đường Thống Nhất, quẹo trái qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để đến Đài phát thanh. Dù khá mệt mỏi và căng thẳng trước những gì vừa diễn ra, tướng Minh vẫn ôn tồn chỉ đường cho lái xe Đào Ngọc Vân.

- Nhấn vào đây để nghe chương trình phát thanh đầu tiên

Khoảnh khắc kỳ lạ nhất ở Đài phát thanh

Trụ sở Đài phát thanh lúc đó khá vắng lặng, dù đã được quân giải phóng và anh em sinh viên tiếp quản. Nhân viên đã “biến” hết sau khi hay tin quân giải phóng đã chiếm được dinh Độc Lập.

Việc đầu tiên là phải tìm cho được những người có thể vận hành được đài phát. Anh em sinh viên tìm được anh Trần Văn Bảng, nhân viên kỹ thuật phát sóng trú ngụ ở gần đó. Còn nhà báo Kỳ Nhân lại tức tốc lái chiếc UTE của Hãng tin AP chở hai anh bộ đội về làng báo chí Thủ Đức để mời hai anh Trọng Liêm và Tự Lập đến đài.

Sau khi lời tuyên bố đầu hàng đã được chỉ huy quân giải phóng soạn thảo, ông Dương Văn Minh lúc đó phải đọc và ghi âm hai lần vào máy của nhà báo Borries Gallasch (còn máy cassette hiệu Hitachi của anh em quân giải phóng bị rối băng liên tục, không xài được). Lần đầu, ông Minh có lẽ hơi bị xúc động nên đọc không tự nhiên và bị vấp, đồng thời khi bật máy nghe lại băng thì giọng ông Minh... nhão nhoẹt vì máy yếu pin. Anh em sinh viên có mặt lúc đó phải chạy ra ngoài, tìm đâu đó được mấy cục pin mới.

Tiếng nói của ông Minh phát trên đài nghe nhẹ và chậm rãi. Còn lời chấp nhận đầu hàng của viên trung tá chính ủy người Đà Nẵng Bùi Văn Tùng lại vang lên khá dõng dạc và mạnh mẽ. Mà cũng lạ, vào lúc ấy rất nhiều giọng Đà Nẵng xuất hiện trên sóng phát thanh: trung tá Bùi Văn Tùng, nhà báo Kỳ Nhân, sinh viên Nguyễn Hữu Thái….

Nhà báo Kỳ Nhân “kêu gọi anh em ký giả hãy bình tĩnh, hãy tập trung ở số 15 Lê Lợi để cùng trao đổi và làm việc (lúc này tự nhiên có tiếng súng nổ vang dội vào Đài phát thanh, anh Kỳ Nhân dù chưa biết chuyện gì cũng “ứng khẩu” luôn)… Đó là tiếng súng bắn mừng của quân giải phóng. Chúng ta đã thấy hòa bình trên đất nước của chúng ta”.

Còn sinh viên Nguyễn Hữu Thái lại trở thành người dẫn chương trình bất đắc dĩ. Anh liên tục thông báo, liên tục trấn an đồng bào và kêu gọi anh em công chức, nhân viên các cơ quan hãy trở lại nhiệm sở để giúp cho sinh hoạt ở Sài Gòn trở lại bình thường.

Tất cả đều “nói vo” thẳng vào máy phát nên nhiều khi ý tứ nghe rất ngộ, thí dụ: “Đây là tiếng nói của các Ủy ban cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi yêu cầu tất cả đồng bào, anh chị em công nhân, nhất là anh chị em nhân viên các nhà đèn, các nhà nước (chắc ý nói công ty cấp nước) và tất cả SVHS tụ họp để mà có những cuộc điều động của Ủy ban nhân dân cách mạng…”.

Xen lẫn với những lời kêu gọi, tuyên bố là tiếng vỗ tay, tiếng người nói chuyện bàn tán qua lại. Thậm chí ngay sau khi chính ủy Bùi Văn Tùng tuyên bố rất hùng hồn thì bỗng phát ra một đoạn cải lương inh ỏi…

Đặc biệt, người dân Sài Gòn lần đầu tiên nghe đến tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh từ buổi phát thanh “tự phát” này. Nguyễn Hữu Thái lúc đó nói: “Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng…”.

Không ai phân công, không ai duyệt nội dung, không ai chỉ đạo định hướng gì, nhưng quả tình những lời kêu gọi, thông báo “tự biên tự diễn” đầy rạo rực và chân tình đó đã có tác dụng rất lớn đối với đồng bào trong giờ phút căng thẳng. Cần phải hiểu là trong thời khắc “đổi đời” lịch sử đó, sự âu lo tràn ngập nhiều gia đình, nhất là những gia đình có người thân tham gia bộ máy chính quyền hoặc quân đội VN cộng hòa. Sài Gòn trước đó đã lan truyền tin đồn về một cuộc “tắm máu” và những biện pháp bạo lực của Việt cộng.

“Các anh được tự do…”

Trung tá Bùi Văn Tùng, đại úy Phạm Xuân Thệ và các sĩ quan trung đoàn 66 cùng có mặt trong lúc lời tuyên bố đầu hàng được soạn thảo cho tổng thống Dương Văn Minh đọc.

Việc soạn thảo này, 30 năm trước không có gì “khúc mắc”, nhưng giờ đây lại trở nên phức tạp khi ai cũng khẳng định mình là tác giả soạn thảo lời đầu hàng đó.

Trên báo A, hội thảo B đồng chí này kể mình đã đích thân soạn thảo văn bản ấy như thế nào. Trên báo C, đài truyền hình D đồng chí kia lại khẳng định một sự thật ngược lại.

(Tuổi Trẻ xin phép không đi sâu vào chi tiết còn gây tranh cãi này, vì suy cho cùng nó thật nhỏ bé so với cái lớn lao của thời khắc lịch sử ấy.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm: bản thảo 30 năm trước có chữ viết của chính ủy Bùi Văn Tùng vừa được phóng viên Tuổi Trẻ tìm thấy tại Nhà bảo tàng Quân đoàn 2, cách Hà Nội 80km - BT)

14g. Đoàn xe đưa ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu từ Đài phát thanh trở về dinh Độc Lập. Họ được đưa vào một gian phòng lớn gần tiền sảnh, có bộ đội vũ trang đứng gác thường trực bên ngoài. Đó cũng là nơi các thành viên nội các, dân biểu, nghị sĩ... có mặt ở dinh Độc Lập sáng 30-4 phải sống 48 giờ mà không được liên lạc gì với bên ngoài.

15g45. Những tiếng nổ lớn bắt đầu từ phía công viên Tao Đàn, phía sau dinh Độc Lập, tiếp theo là những tiếng súng đủ loại. Vài giây sau, đạn cối rơi xuống nổ liên tiếp giữa sân dinh, đúng lúc tướng Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn 2 quân giải phóng đang đi bách bộ cùng một sĩ quan tác chiến tên Duyến. Duyến bị mảnh đạn cối găm vào mắt. Tư lệnh Nguyễn Hữu An không bị sao. Lực lượng bộ đội bảo vệ dinh báo động: “Quân địch phản công!”.

Ông Dương Văn Minh và gần 20 người khác được đưa từ gian phòng nói trên xuống một căn hầm bên dưới hội trường lớn. Gần 60 phút trôi qua. Mọi người bắt đầu bị ngợp. Dân biểu Nguyễn Văn Binh lần dò ra cửa, đề nghị anh bộ đội cho ra ngoài lấy nước. Ông lượm một cái nón sắt cũ, hứng nước ở vòi nước máy rồi mang vào căn hầm. Cái nón sắt được chuyền từ người này sang người khác. Mọi người cứ bưng nón sắt mà uống. Ông Minh cũng vậy.

Rồi tiếng súng tự nhiên im bặt. Hóa ra là “quân ta đánh quân mình”: một đơn vị quân giải phóng từ hướng nam về không có ám hiệu đúng, thế là…

Mọi người được đưa trở về căn phòng cũ và trải qua hai ngày đêm đáng nhớ ở đó. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng bị “giam lỏng” như thế. Ông không có hành động và thái độ nào để chứng tỏ “ta đây là người của cách mạng”. Sự quản thúc chỉ được chấm dứt vào chiều tối 2-5.

Ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Binh… được trả tự do. Quyết định trả tự do của Ủy ban quân quản được thông báo tại buổi lễ trang trọng và thân mật tại hội trường dinh Độc Lập tối 2-5-1975. Tại buổi lễ này, phó chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định Cao Đăng Chiếm đã phát biểu với một chất giọng miền Nam trầm ấm:

“...Nhân dân Việt Nam chúng ta đã trải qua cuộc đấu tranh anh dũng và khốc liệt, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh để giành thắng lợi vĩ đại và vô cùng to lớn từ xưa đến nay.

Thi hành chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chính phủ mong rằng trong tình hình mới chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng lại Tổ quốc của chúng ta, làm cho nhân dân chúng ta giàu mạnh, Tổ quốc của chúng ta hùng cường. Do đó, chúng tôi mong rằng mỗi người VN chúng ta đều tùy theo khả năng của mình, góp công sức vào việc xây dựng Tổ quốc của chúng ta.

Bữa nay, thi hành lệnh của cấp trên, các anh được tự do về với gia đình. Chúng tôi sẽ tổ chức đưa các anh về đến nơi đến chốn…”. (Trích băng ghi âm)

Tiến sĩ Nguyễn Nhã và các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đã cung cấp băng ghi âm nội dung phát sóng ngày 30-4 và 2-5-1975 để chúng tôi thực hiện bài báo này.

Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ và các bạn đồng nghiệp.

Đáp lại, ông Dương Văn Minh nói ngắn gọn thế này:

“ …Ngày hôm nay, đại diện cho các anh có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước.

Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”. (Trích băng ghi âm)

Mọi người được về với gia đình ngay sau buổi lễ đó. Chiếc xe Ford màu xanh dương đậm đưa ông Minh ra khỏi dinh Độc Lập lúc 22 giờ. Khi xe chuyển bánh, vị tổng thống 48 giờ nói:

- Thôi, giã từ quá khứ chết chóc. Vĩnh viễn hòa nhập vào đời sống hòa bình.

NW6M3gvw.jpgPhóng to
Đây là tờ lịch ngày 30-4-1975 với bút tích của đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (ảnh do chị Phương Minh ở KS Tân Sơn Nhất cung cấp)
Trong khi tìm kiếm tư liệu và thực hiện những cuộc phỏng vấn cho loạt bài này, chúng tôi khá đau đầu về chuyện giờ giấc.

Chẳng hạn chuyện Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập được xác định là vào lúc 11g30 ngày 30-4. Tuy nhiên, những nhân chứng ở dinh Độc Lập khẳng định không thể như thế vì lúc đó xe tăng chưa vào dinh (?).

Và hàng loạt thời điểm lịch sử trong lúc đó đều được các nhân chứng nêu ra hoàn toàn chênh nhau đến cả tiếng. Thậm chí cho đến nay, trong các tư liệu sách báo, hồi ký trong và ngoài nước viết về 30-4 cũng tiếp tục... lộn xộn về giờ giấc.

Tại sao vậy?

Câu trả lời là: khi đất nước bị chia cắt thì giờ giấc hai miền cũng không thống nhất.

Ông Trịnh Tiến Điều, trưởng Ban lịch nhà nước, cho biết cụ thể như sau:

Ngày 1-9-1945, Chính phủ lâm thời nước VN Dân chủ cộng hòa tuyên bố lấy múi giờ 7 làm giờ chính thức (sắc lệnh số 01/SL của Bộ Nội vụ). Từ đó, miền Bắc và miền Trung lấy múi giờ 7. Sau đó, theo quyết định số 121/QĐ-CP ngày 8-8-1967 thì giờ pháp định của VN Dân chủ cộng hòa là múi giờ 7 quốc tế, kể từ 0 giờ ngày 1-1-1968.

Trong khi đó, năm 1959, chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh số 362-TTP ngày 30-12-1959 qui định bắt đầu từ ngày 1-1-1960 giờ chính thức và pháp định của miền Nam VN nhanh hơn 60 phút đối với múi 7.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đến ngày 13-6-1975 Chính phủ cách mạng lâm thời mới ra quyết định chính thức trở lại múi giờ 7, giờ Sài Gòn được vặn chậm lại một giờ.

Đến ngày 14-10-2002, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN VN ra quyết định số 134/2002/QĐ-TTg “lấy múi giờ thứ 7 theo hệ thống múi giờ quốc tế làm giờ chính thức của VN”.

Như vậy, trước năm 1975 ở VN sử dụng hai múi giờ khác nhau ở hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc theo múi giờ thứ 7, miền Nam theo múi giờ thứ 8 (nhanh hơn 60 phút) cho đến ngày 13-6-1975 mới thống nhất trở lại theo múi 7 cho đến ngày nay.

B.T. - L.Đ.

-----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 2: Giờ kết thúc - Kỳ 1: Những tiếng súng cuối cùng

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bùi Quang Thận