27/04/2005 00:21 GMT+7

Những tiếng súng cuối cùng

BÙI THANH
BÙI THANH

TT - Tháng 4-1975. Những người dân Sài Gòn dường như dừng lại lâu hơn trước tờ lịch mới: thứ tư ngày 30 (nhằm ngày 19-3 năm Ất Mão). Nhiều người trong số họ biết rằng lịch sử sẽ đọng lại ở ngày này, trước khi sang trang mới.

uT2NLGDm.jpgPhóng to

Tờ lịch ngày 30-4-1975 do bà Nguyễn Thị Tính cất giữ (ảnh chụp lại tại Bảo tàng TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm

TT - Tháng 4-1975. Những người dân Sài Gòn dường như dừng lại lâu hơn trước tờ lịch mới: thứ tư ngày 30 (nhằm ngày 19-3 năm Ất Mão). Nhiều người trong số họ biết rằng lịch sử sẽ đọng lại ở ngày này, trước khi sang trang mới.

...Tiếng động cơ trực thăng ì ầm suốt đêm qua đã im tiếng. Đại sứ Martin và những tay súng thủy quân lục chiến người Mỹ cuối cùng đã rời khỏi đất nước này vào lúc tinh mơ. Không phải ra đi, mà là tháo chạy tán loạn.

Cả Sài Gòn lúc ấy dường như đang chờ đợi. Một cái gì đó khác lạ, mới mẻ và lớn lao đang đến...

Xe tăng đang đến.

Những chiếc xe tăng T54 và T59 thuộc lữ đoàn 203 cắm cờ xanh đỏ sao vàng ầm ầm từ hướng Biên Hòa lao về mục tiêu cuối cùng: dinh Độc Lập.

Lúc đó là khoảng 9g30.

Bất ngờ, đoàn xe tăng bị chặn lại tại cầu Sài Gòn bởi hỏa lực của tám chiếc M48 và M113. Cùng lúc, những chiếc tàu chiến của hải quân Sài Gòn đang neo đậu ở Tân Cảng cũng bắt đầu nã đạn như mưa vào đoàn tăng giải phóng. Hai chiếc T54 đi đầu bị bắn cháy, hai chiếc khác bị hỏng và lao xuống vệ đường. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 xe tăng Ngô Quang Nhỡ và nhiều chiến sĩ khác hi sinh tại chỗ.

Vào lúc này, trên radio, tổng thống Dương Văn Minh đã đơn phương tuyên bố ngừng bắn và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh “yêu cầu binh sĩ chấp hành lệnh của tổng thống”. Nhưng bất chấp lệnh đó, tiếng súng kháng cự vẫn nổ và cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ngay cửa ngõ Sài Gòn.

Không để ổ kháng cự ở cầu Sài Gòn cầm chân quân giải phóng quá lâu, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã ra lệnh cho lực lượng pháo binh, cao xạ và bộ binh sư đoàn 304 tham chiến. Tiếng súng chỉ ngưng khi hai chiếc M48 của quân VNCH nổ tung ngay trên cầu. Hai chiếc tàu chiến bị bắn cháy, những chiếc khác chạy thẳng ra phía biển sau khi trút những loạt đạn cuối cùng.

Những chiếc tăng T54 và T59 vọt qua cầu (xe T54 do Liên Xô sản xuất, còn T59 do Trung Quốc sản xuất theo công nghệ Liên Xô). Trên những chiếc tăng lúc này còn có những chiến sĩ thuộc trung đoàn đặc công biệt động 116 và trung đoàn bộ binh 66. Đặc biệt, có một phóng viên ảnh của Hãng tin Mỹ UPI - đó là Hoàng Văn Cường.

...Hoàng Văn Cường kể: "Tôi được văn phòng UPI Sài Gòn yêu cầu ra ngoại ô để có được những hình ảnh nóng nhất trước giờ G. Đến ngã ba Vũng Tàu thì bất ngờ gặp xe tăng của “mấy ổng” ầm ầm lao tới. Tôi hoảng quá, vội lột bỏ áo giáp chống đạn, để lộ ra chiếc áo trắng và lỉnh kỉnh đủ thứ máy ảnh cho “mấy ổng” thấy, rồi giơ hai tay lên vẫy chào. Một chiếc tăng dừng lại.

Tôi nghe “mấy ổng” xì xào: “Phóng viên! Phóng viên!...”, rồi bất ngờ cho tôi lên xe luôn. “Mấy ổng” hỏi tôi đủ thứ, nhưng tôi chỉ trả lời bằng... tiếng Nhật”. “Tại sao anh lại giả bộ là một phóng viên Nhật?”. “Bởi vì lúc ấy tôi đang làm cho một hãng tin Mỹ. Thật tình tôi không biết Việt cộng sẽ đối xử với tôi ra sao. Tôi sợ “mấy ổng”... bắn!”.

Những chiếc xe tăng đầu tiên đã tiến đến ngã tư Hàng Xanh. Sài Gòn đã ở trước mặt! Nhưng đường nào vào dinh Độc Lập đây? Những người lính tăng tự hỏi. Trước giờ xuất quân, họ được hướng dẫn: quẹo trái, đi tiếp bảy ngã tư rồi quẹo trái tiếp... Nhưng hướng dẫn là một chuyện, còn thực tế đường phố xa lạ và chằng chịt trước mặt lại là chuyện khác. Cả lực lượng đột kích thọc sâu này chỉ có một bản đồ Sài Gòn - Gia Định. Và đó lại là tấm bản đồ du lịch mà một người bà con ở Đà Nẵng tặng cho trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng (ông Tùng quê ở Đà Nẵng).

“Đến ngã tư Hàng Xanh, quẹo trái!”. Những chiếc tăng đầu tiên quẹo trái theo lệnh, rồi ầm ầm lao thẳng về phía Thị Nghè. Đi đầu là chiếc tăng T59 số hiệu 387, đi thứ hai cũng là một chiếc T59 số hiệu 390. Xe T54 số hiệu 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận đi thứ ba... Theo sau những chiếc tăng dẫn đầu là chiếc Jeep (xe chiến lợi phẩm lấy từ Đà Nẵng) chở đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 66 (hiện nay là trung tướng tư lệnh Quân khu I).

L4yC3f59.jpgPhóng to
Sau cuộc chạm súng cuối cùng diễn ra tại khu vực cầu Thị Nghè, người dân đã tràn ra đường đón chào quân giải phóng. Trên cầu vẫn còn công sự và xe tăng M41 của quân VNCH - Ảnh tư liệu TTXVN

Phố xá vắng tanh, không một bóng người. Tất cả những ngôi nhà đều đóng cửa. Vì sao vậy? Những người lính tăng căng thẳng. Rồi câu trả lời xuất hiện ngay lập tức: một ổ kháng cự mọc ngay trên cầu Thị Nghè, với cả xe tăng M41 và M113. Cuộc chạm súng cuối cùng đã diễn ra ngay trong nội thành Sài Gòn. Ổ kháng cự trên cầu bị “dập tắt” không lâu sau đó.

Nhưng bên này, chiếc tăng dẫn đầu 387 đã trúng đạn. Một chiến sĩ công binh ngồi trên xe hi sinh. Riêng trưởng xe 387 là trung đội trưởng Lê Tiến Hùng bị thương một cách hi hữu. Anh ngồi trong xe tăng, chỉ ló đầu ra ngoài quan sát thôi, nhưng không hiểu sao lại bị thương rất nặng ngay “chỗ ấy”. Đồng đội khiêng anh xuống xe, gõ cửa nhà một gia đình người Hoa để nhờ giúp đỡ cứu chữa (anh Hùng sau đó được cứu sống, về quê lấy vợ rất vui vẻ và đã có hai con).

Sau khi chiếc 387 bị bắn hỏng phải nằm lại, chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn cho xe 390 vượt qua cầu Thị Nghè và trở thành chiếc tăng dẫn đầu lực lượng đột kích thọc sâu. Theo sau là chiếc 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận. Nhưng tại sao chiếc xe đi sau lại húc vào cổng dinh Độc Lập trước?

“Chúng tôi đi lạc vì không biết đường - Vũ Đăng Toàn kể - Xe 390 của chúng tôi cứ thẳng tiến theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và không biết chính xác phải quẹo trái ở ngã tư nào để đến dinh”. Khi xe 390 vượt qua luôn ngã tư Công Lý - Hồng Thập Tự, đến cổng Trường Lê Quý Đôn thì nhận được tín hiệu của Bùi Quang Thận từ phía sau: phải quay lại!

Thật ra thì đại đội trưởng Bùi Quang Thận cũng chẳng biết đường, dù dinh Độc Lập ở ngay bên cạnh rồi. Anh cho xe 843 dừng lại. Đang bối rối giữa phố phường vắng lặng thì bỗng xuất hiện một cô gái đi xe máy. Bùi Quang Thận ra lệnh cho cô gái dừng lại. Dù thất kinh hồn vía trước lính tăng Việt cộng, cô gái cuối cùng cũng hướng dẫn xe 843 quẹo qua đường Pasteur, rồi theo đường Thống Nhất thẳng đến dinh.

“Dinh Độc Lập đây rồi!”. Những người lính tăng trên chiếc 843 bỗng hồi hộp và căng thẳng hơn bao giờ hết. Và do căng thẳng, trưởng xe Bùi Quang Thận đã đi đến một quyết định bất ngờ: bắn đại bác vào dinh Độc Lập!

“Khi xe tăng 843 còn cách dinh hơn 50m, tôi ra lệnh cho pháo thủ nạp đạn pháo và bắn thẳng. Đạn không nổ! Tôi ra lệnh nạp đạn bắn lần thứ hai. Lần này không bắn điện nữa mà chuyển sang bắn cơ. Đạn vẫn không nổ! Thật kỳ lạ. Khi pháo thủ cho biết trong xe chỉ còn một viên đạn pháo cuối cùng, tôi quyết định không bắn nữa, mà cho xe lao lên húc thẳng vào cổng dinh”.

- Tại sao lúc đó anh lại cho đại bác bắn thẳng vào dinh?

- Tôi bắn để uy hiếp đối phương. Lúc đó nhìn qua nhìn lại chỉ mới có xe của tôi đối diện với dinh thôi. Tôi nghĩ đây là ổ kháng cự cuối cùng và họ sẽ kháng cự dữ dội. Anh thấy ngay ở cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè chúng tôi đã bị bắn như thế nào rồi…

- Anh có biết lúc đó trong dinh có ông Dương Văn Minh và các thành viên nội các Sài Gòn?

- Không. Lúc đó chúng tôi không hề biết. Chúng tôi không nghĩ họ đang ở đó, vì quân giải phóng đang tấn công thì nội các ở đó làm gì? Nếu chẳng may đạn pháo nổ trong dinh làm bị thương thành viên nội các nào đó thì chúng tôi cũng không có lỗi gì. Bởi vì chúng tôi là những người lính...

Loạt bài này được thực hiện dựa theo nội dung những cuộc phỏng vấn vào tháng 4-2005 giữa phóng viên Tuổi Trẻ với nhiều nhân chứng và nhân vật có liên quan: trung tướng Phạm Xuân Thệ, thiếu tướng Thiều Chí Đinh, đại tá Bùi Văn Tùng, đại tá Bùi Quang Thận, PGĐ phân xưởng sơn Kovik Vũ Đăng Toàn, đại tá Phùng Bá Đam, ông Phạm Công Dũng (Bộ Ngoại giao), ông Nguyễn Hữu Hạnh, KTS Nguyễn Hữu Thái, tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, nhà báo Kỳ Nhân...

Xe 843 xả hết tốc lực húc vào cổng phụ bên trái. Nhưng xe lại húc thẳng vào trụ cổng khá vững chắc nên cổng không đổ. Bùi Quang Thận cho xe lùi lại tiếp tục húc, nhưng lại va vào trụ cổng...

Ngay lúc đó, xe 390 xuất hiện từ phía đường Công Lý, quẹo phải lao thẳng vào cổng chính và ủi văng hai cánh cửa sắt. Xe 390 tiếp tục tiến thẳng vào dinh. Súng đại liên trên xe bắn liên tục. Cùng lúc đó, Bùi Quang Thận giật phăng cần ăngten có gắn cờ giải phóng, nhảy khỏi xe 843, chạy bộ vào dinh.

Trước khi đi, Bùi Quang Thận nói: “Nếu không thấy mình trở ra thì các cậu hãy bắn nốt viên đạn pháo còn lại. Và hãy báo cáo chỉ huy là đại đội trưởng đã vào dinh”. Anh cầm lá cờ xanh đỏ sao vàng nhuốm màu lửa đạn và bụi đường lao vào dinh mà không hề biết chuyện gì đang chờ đợi mình.

Lúc này, trên đường Thống Nhất, một cảnh tượng chưa từng có: xe tăng, xe bọc thép, xe Molotova chở bộ binh ầm ầm nối đuôi nhau hướng về dinh Độc Lập. Súng nổ vang trời. Tiếng súng chỉ thiên mừng chiến thắng của quân giải phóng xen lẫn với những tiếng súng kháng cự cuối cùng của những tay súng biệt kích dù 81 từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao (nay là Sở Ngoại vụ TP.HCM).

Chiến sĩ tiểu đoàn 7 bộ binh Tô Văn Thành đang ngồi trên thành xe tăng bị bắn rớt xuống đường. Đó là người lính cuối cùng hi sinh, ngay trước dinh Độc Lập.

-----------

* Kỳ tới: Giờ kết thúc!

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên