Phóng to |
Ảnh: Francoise Demulder |
TT - Lúc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập và Bùi Quang Thận cầm cờ xông vào, không có một nhà báo VN nào có mặt ở đó để ghi lại khoảnh khắc lịch sử ấy. Và đối diện với những chiếc xe tăng vừa chạy vừa khạc đạn là một số ít phóng viên nước ngoài. Trong số đó có Franøoise Demulder.
Tấm ảnh “có một không hai” (được treo trang trọng trong các nhà bảo tàng lịch sử và in bìa nhiều quyển sách ở VN nhưng ít khi thấy đề tên tác giả) đã được chụp bởi người nữ phóng viên dũng cảm người Pháp này.
Dũng cảm ư? Có thể nói như vậy. Lúc đó họ đâu biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Có một phóng viên truyền hình đứng gần Franøoise Demulder đúng khoảnh khắc ấy, nhưng anh ta cũng không dám ghi hình. Anh đặt máy xuống đất và chỉ ngồi im quan
sát cảnh tượng xe tăng húc đổ cổng và tiến vào dinh (ảnh). Đó là một tình huống chiến tranh nguy hiểm: làm sao những người lính tăng từ xa có thể phân biệt được đâu là camera đâu là... súng chống tăng.
Nhưng những người lính tăng lúc đó hoàn toàn không có thái độ thù địch gì đối với các phóng viên nước ngoài. Ai làm việc nấy.
Khi chiếc tăng 390 đỗ xịch trước dinh, chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn xách AK nhảy xuống, chờ Bùi Quang Thận đang cầm cờ tiến vào. Cả hai chạy lên thềm dinh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và với một tinh thần “cảnh giác cao độ”. Bùi Quang Thận hơi lo khi thấy bên trong lố nhố nhiều người mặc quân phục.
Và có lẽ do “cảnh giác cao độ” quá nên anh lao thẳng vào cửa kính, ngã bật ra phía sau nhưng tay vẫn cầm chắc lá cờ. Chắc đây là lần đầu tiên chàng trai miền biển Thái Bình này mới “tiếp xúc” với loại kính trong suốt như thế. Lúc này, từ trong dinh, một người bận đồ dân sự chạy ra, thân thiện mời hai anh lính tăng giải phóng vào.
Bùi Quang Thận thoáng chút bối rối trước tình huống này: không biết phải “xử lý” thế nào với tổng thống và mấy ông nội các Sài Gòn, bởi nhiệm vụ của những người lính tăng như anh là chiếm dinh và cắm cờ. Cuối cùng, Bùi Quang Thận đề nghị Vũ Đăng Toàn ở lại “canh chừng” các thành viên nội các và chờ cấp chỉ huy đến, còn mình phải thực hiện cho được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập.
Người được lệnh hướng dẫn Bùi Quang Thận đi thang máy lên nóc dinh cắm cờ là đại tá Chiêm, chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ phủ tổng thống. Cùng đi theo hỗ trợ Bùi Quang Thận cắm cờ còn có hai người nữa: sinh viên Nguyễn Hữu Thái (cựu chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) và tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng và sinh viên Nguyễn Hữu Thái cùng nhà báo Cung Văn đến dinh Độc Lập sau khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn trên đài phát thanh. Họ đến để đón quân giải phóng và hi vọng góp phần nhỏ của mình cho một kết cục hòa bình và êm thắm nhất.
“Đêm 29-4 chúng tôi không ngủ được - tiến sĩ Tòng nhớ lại - Sài Gòn lan truyền tin đồn Việt cộng đã chuẩn bị hàng vạn quả đạn pháo và sẽ “rót” vào thành phố này sáng mai. Sài Gòn sẽ đổ nát và dân chúng sẽ khốn khổ, nếu không có một giải pháp thích hợp nào. Sáng sớm 30-4, anh em chúng tôi đã bàn nhau làm được nhiều việc. Và chúng tôi kéo nhau đến dinh Độc Lập. Tôi không phải là “thành phần thứ ba”.
Tôi ngả hẳn về phía cách mạng và mong muốn Sài Gòn được giải phóng nhanh chóng”.
Những tấm ảnh của Francoise Demulder chỉ được đăng một lần trên một tờ báo Pháp, rồi sau đó “nằm im” trong văn phòng của chị. Gần 20 năm sau, có một người VN phát hiện ra những tấm ảnh lịch sử ấy và đưa chúng về VN. Đó là anh Phạm Công Dũng (trung tâm báo chí nước ngoài, Bộ Ngoại giao). “Năm 1994, tôi được Bộ Ngoại giao cử sang thực tập ở Pháp. Một lần, tôi ghé văn phòng của Francoise Demulder chơi. Ở đó có treo những bức ảnh để đời của chị. Tôi sửng sốt khi nhìn thấy những bức ảnh về ngày 30-4 ở dinh Độc Lập. Đặc biệt, tôi phát hiện chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh không phải là chiếc 843 như sách báo VN từng viết. Francoise cũng ngạc nhiên về điều này. Và năm 1995, Francoise trở lại VN, cùng tôi bước vào cuộc hành trình tìm lại những người lính tăng xe 390”. Những tấm ảnh của Franøoise, sau khi được công bố ở VN, đã góp phần làm sáng tỏ một chi tiết lịch sử. Và những người lính tăng 390 đã được biết đến và được quan tâm nhiều hơn. Nhưng Francoise Demulder không thể sang VN dự kỷ niệm ngày 30-4 năm nay. Chị bệnh rất nặng, không đi lại được và đang nằm trong một bệnh viện quân đội ở Paris. |
...Đại tá Chiêm dẫn ba người đến trước thang máy (phải đi thang máy vì cầu thang chính không còn sử dụng được, do bị phi công Nguyễn Thành Trung ném bom làm sập ngày 8-4). Đến trước thang máy, Bùi Quang Thận thấy... lạ quá nên nhất quyết không vào. “Lúc đó tôi thấy thang máy giống như... cái hòm - Bùi Quang Thận nhớ lại - Vào đó nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được!”.
Sau khi nghe đại tá Chiêm giải thích, Bùi Quang Thận mới chịu vào nhưng lại cảnh giác yêu cầu ông đại tá vào trước... Cuối cùng thì Bùi Quang Thận, Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái cũng lên được nóc dinh.
“Chúng tôi còn trèo thêm một cầu thang gỗ mới ra được chân cột cờ - kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể - Để treo lá cờ giải phóng lên, phải hạ lá cờ vàng ba sọc xuống. Nhưng lá cờ ba sọc quá lớn, lại được cột chắc chắn nên phải mất khá lâu chúng tôi mới hạ xuống được”. Bùi Quang Thận kéo lá cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng lên, sau khi viết và ký tên vào lá cờ: “11g30 ngày 30-4. Thận”.
Và thật kỳ lạ, trong khoảnh khắc lịch sử ấy, trên nóc dinh Độc Lập có ba chàng trai của ba miền đất nước: Bùi Quang Thận (Thái Bình, miền Bắc), Nguyễn Hữu Thái (Đà Nẵng, miền Trung) và Huỳnh Văn Tòng (Tây Ninh, miền Nam). “Dường như tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt - KTS Nguyễn Hữu Thái nhớ lại - Sài Gòn đã được giải phóng, hòa bình được lập lại và đất nước từ nay thống nhất làm một, không gì có thể chia cắt được nữa” …
...Bùi Quang Thận lúc đầu định ném lá cờ ba sọc xuống sân, nhưng nghĩ tới nghĩ lui sao đó, xếp lá cờ lại và đem xuống cất vào chiếc xe tăng 843 của mình. Cũng nhờ vậy mà sau này Bùi Quang Thận mới đưa ra được “bằng chứng”, khi cấp trên cho người đi xác minh: ai mới là người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập? Lá cờ cất trong xe tăng của Bùi Quang Thận có một vết rách trùng khớp với phần còn sót lại trên cột cờ!
Thật ra, cùng lúc lá cờ ba sọc được hạ xuống trên nóc dinh thì các chiến sĩ bộ binh trung đoàn bộ binh 66 và biệt động đặc công trung đoàn 116 cũng đã phất những lá cờ giải phóng từ bancông tầng hai. Lá cờ xanh đỏ sao vàng lớn nhất được phất lên lúc đó là của một người dân ở miệt Thị Nghè. Ông cầm lá cờ lao ra từ Thảo cầm viên, rồi leo lên chiếc xe Jeep của đại úy Phạm Xuân Thệ vào dinh, ít phút sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng sắt.
Và trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 66 Phạm Xuân Thệ cũng là viên chỉ huy đầu tiên “làm việc” với tổng thống Dương Văn Minh và những người bên trong dinh. Giống như Bùi Quang Thận trong khoảnh khắc đầu tiên, đại úy Phạm Xuân Thệ cũng hơi ngỡ ngàng và chưa biết phải làm gì. “Tôi chỉ được giao nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập. Việc của tôi là kiểm soát tòa nhà và cho anh em lên cắm cờ. Làm việc gì và làm như thế nào với tổng thống và nội các này đây?”.
Tổng thống Dương Văn Minh thông báo đã tuyên bố ngừng bắn và đang chuẩn bị tiến hành bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhưng trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ không chấp nhận chuyện bàn giao mà tuyên bố: phải đầu hàng!
Và trung úy Phùng Bá Đam cùng các sĩ quan bộ binh đã bàn với Phạm Xuân Thệ là cho tuyên bố đầu hàng ngay tại dinh. Nhưng đường dây từ dinh Độc Lập ra đài phát thanh không hoạt động được nữa do nhân viên đài lúc ấy đã “biến” hết. Phải ra đài phát thanh!
Ngay lúc đó, trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng xuất hiện. Các sĩ quan biệt động đặc công đưa ông vào gặp tổng thống Dương Văn Minh. Trung tá Bùi Văn Tùng cũng bác bỏ lời đề nghị bàn giao chính quyền và tuyên bố giải pháp duy nhất là phải đầu hàng.
Thật ra thì những gì xảy ra trong 40 phút đó rất căng thẳng và đầy kịch tính. Nhưng Tuổi Trẻ xin không nêu lại vì xét thấy không cần thiết nữa.
Khoảng 12 giờ trưa 30-4, đại úy Phạm Xuân Thệ đưa tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Chiếc xe thứ hai chở trung tá Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Borries Gallasch và Hà Huy Đỉnh. Đặc biệt, chạy trước hai chiếc xe nói trên là một chiếc UTE của Hãng tin AP (Mỹ), nhưng lại cắm cờ giải phóng và chở hai sĩ quan bộ binh. Người cầm lái là nhà báo Kỳ Nhân.
Trước đó không lâu, trưởng văn phòng AP George Esper yêu cầu Kỳ Nhân bỏ lá cờ giải phóng xuống vì đây là xe của hãng tin Mỹ. Nhưng nhà báo này không tháo bỏ và xách xe đi chở… Việt cộng, “bởi vì tôi là người VN và tôi hiểu mình phải làm gì trong lúc này….”.
--------
* Kỳ tới: Được tự do về với gia đình
-----------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 1: Những tiếng súng cuối cùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận