20/11/2019 09:17 GMT+7

Được tặng tài sản, có phải thay cha thi hành án?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Một bản án phải thi hành nhưng có ý kiến trái ngược nhau giữa các cấp tòa: Cha hay con (được cha tặng tài sản) phải thi hành án?

Được tặng tài sản, có phải thay cha thi hành án? - Ảnh 1.

Bà Ánh đề nghị các con trai ông Dũng phải thay cha thi hành án - Ảnh: T.L.

Cách đây 25 năm, ông Lê Đình Dũng (ngụ tại Q.12, TP.HCM) đã được UBND huyện Hóc Môn cấp cho 1.000m2 đất. Sau khi được cấp đất, vợ chồng ông cất nhà ngói, vách ván, nền gạch để ở.

Thấy vợ chồng anh trai là Lê Đình Hùng và chị dâu Huỳnh Thị Ánh không có nhà cửa, ông Dũng đã bán cho anh trai mảnh đất gần 300m2 kèm căn nhà gỗ trên đất với giá 2 lượng vàng 24K. 

Việc mua bán lúc đầu không có giấy tờ gì, sau đó ông Dũng viết giấy chuyển nhượng cho anh trai và chị dâu. Mua đất xong, vợ chồng ông Hùng đã dỡ bỏ căn nhà vách ván để xây thành căn nhà tường gạch, mái tôn rộng 90m2.

Năm 2003, sau khi anh trai mất, ông Dũng bất ngờ kiện chị dâu ra tòa đề nghị tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa mình và anh trai vô hiệu, đồng thời đề nghị UBND Q.12 thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đứng tên vợ chồng người anh.

Dựa trên lời trình bày của ông Dũng, cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng không có căn cứ gì chứng minh việc hai anh em có giao dịch mua bán đất. 

Cả hai cấp tòa đều tuyên người chị dâu sử dụng đất trái thực tế, trái với quy định pháp luật nên phải trả lại đất cho em chồng. Ông Dũng có trách nhiệm phải trả lại cho chị dâu là bà Ánh tiền xây dựng, sửa chữa căn nhà hơn 100 triệu đồng.

Bản án có hiệu lực thi hành. Bà Ánh và con gái bị cưỡng chế, phải đi thuê nhà. Ông Dũng lấy lại được nhà đất liền bán đi một nửa, còn một nửa nhập vào khối tài sản chung rồi tặng cho ba người con.

Năm 2013, bản án bị tuyên hủy để xét xử lại. Năm 2014, khi TAND Q.12 thụ lý lại vụ án, do đã đòi được tài sản nên ông Dũng rút đơn khởi kiện. Bà Ánh buộc phải đứng đơn khởi kiện trở lại đối với em chồng để đòi nhà. 

Lần này cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng mua nhà giữa ông Dũng và bà Ánh là hợp pháp. Thế nhưng hậu quả sai sót do các phiên tòa trước để lại là ông Dũng đã lấy lại nhà của người anh, đã sang nhượng và tặng cho ba người con. 

Vì vậy, tòa tuyên buộc ba người con của ông Dũng có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn số tiền giá trị nhà là hơn 2,3 tỉ đồng. Ông Dũng và ba người con của ông đều kháng cáo.

Xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử đã sửa án sơ thẩm, tuyên buộc chính ông Dũng phải trả tiền cho bà Ánh chứ không thể bắt các con thay ông phải trả. Lý do tòa đưa ra: khi ông Dũng tặng cho tài sản thì bản án phúc thẩm đã có hiệu lực. 

Việc tặng cho được công chứng hợp pháp, tài sản tặng cho đã được sang tên đổi chủ cho các con trước khi có quyết định giám đốc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định nghĩa vụ giao trả giá trị quyền sử dụng đất cho bà Ánh phải do ông Dũng thực hiện.

Cho rằng bản án phúc thẩm buộc ông Dũng phải thi hành án là sai sót, bà Ánh đã khiếu nại đến thi hành án và đề nghị giám đốc thẩm bản án. 

"Các con ông Dũng đã được tặng cho tài sản, vì vậy cần thay cha thực hiện nghĩa vụ như bản án sơ thẩm tuyên là hợp lý. Bản án phúc thẩm buộc ông Dũng phải trả tiền là chưa hợp lý, vì ông Dũng không còn tài sản gì có giá trị" - bà Ánh viết trong đơn kiện.

Hiện nay, do ông Dũng không có tài sản nên chỉ đồng ý trả cho bà Ánh mỗi tháng 2 triệu đồng. Bà Ánh không đồng ý mà vẫn cương quyết đề nghị các con của ông Dũng phải thay ông thi hành án.

Nhận định về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì nếu có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, thì chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

"Trong vụ việc này, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ghi nhận việc tặng cho tài sản giữa ông Dũng và con không phải hành vi tẩu tán tài sản thì không có cơ sở để thi hành án, buộc người con phải sử dụng tài sản đã nhận tặng cho để thi hành nghĩa vụ thay cho người cha. 

Bà Ánh chỉ còn cách đề nghị xem xét giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án phúc thẩm đã có hiệu lực" - luật sư Quách Thành Lực cho biết.

Nắm người "trọc đầu"

Sau khi hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, tuyên buộc chính ông Dũng phải trả tiền cho bà Ánh chứ không thể bắt các con thay ông phải trả, bà Ánh bức xúc nói: "Ông Dũng hiện chẳng còn tài sản gì mà tòa bắt ông ấy thi hành án thì khác gì buộc tôi nắm tóc của người trọc đầu".

Tài sản tặng, cho trước hôn nhân là của riêng vợ, chồng Tài sản tặng, cho trước hôn nhân là của riêng vợ, chồng

TTO - Nhiều vợ chồng lấy nhau cứ vô tư nghĩ toàn bộ tài sản, kể cả tài sản tặng cho trước đó của vợ, của chồng là tài sản chung nhưng khi “cơm không lành canh không ngọt”, ly hôn thì mới biết tài sản đó không phải của mình.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên