05/11/2020 09:55 GMT+7

Đừng vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện

TIẾN LONG - NGỌC AN
TIẾN LONG - NGỌC AN

TTO - Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5-11, đại biểu Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội - cho rằng không nên đổ hết cho thủy điện.

Đừng vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Bấm nút tranh luận với một số đại biểu nói về thủy điện trước đó, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng về nguyên nhân sự tàn phá của lũ lụt vừa qua phải xem lại tính lịch sử.

Ông Vân lấy ví dụ khi xây dựng đập thủy điện Sông Đà (Hòa Bình) mục tiêu đầu tiên là để trị thủy, sau đó mới có mục tiêu phát điện.

Chính nhờ sử dụng đập thủy điện này để điều tiết lũ, Hà Nội tránh được nhiều trận lụt lịch sử. Cũng từ ngày có đập thủy điện Sông Đà, việc điều tiết lũ cũng rất tốt, đó là mặt tốt của thủy tiện.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong xây dựng, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm… Nói đến thủy điện phải nói đến thủy công, thủy lực, tổ chức dòng chảy nhưng rất tiếc là một số chủ nhà máy thủy điện đã lạm dụng việc này để trục lợi.

‘‘Vai trò thủy điện gắn với thủy lợi chúng ta phải thấy còn con người mới chính là chủ thể vi phạm pháp luật, do lợi ích nhóm gây ra. Chúng ta xử là xử việc lạm dụng đó chứ không nên đổ hết lỗi cho thủy điện’’, ông Vân nói.

Cũng bấm nút tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng nếu không nhìn trước được những mặt trái của thủy điện thì sẽ để lại di họa.

Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 4-11, tranh luận với bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh đến yếu tố lợi - hại của hệ thống các thủy điện nhỏ.

Nhìn nhận trong thời gian 40-50 năm nữa, khi các dự án đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế, ông lo ngại tất cả những công trình xây ở nơi rừng sâu núi thẳm này sẽ là “một quả bom nổ chậm” và đặt câu hỏi “nguồn tài lực nào, nguồn nhân lực nào quản lý?”.

Do đó, ông Quốc đề nghị từ bây giờ khi xây dựng cần phải tính đến “kết cục”. “Ngay từ bây giờ ngành công thương, tài nguyên môi trường cũng phải quan tâm đến, có chế tài để bảo đảm chúng ta có nguồn lực để giải quyết vấn đề hậu quả”, ông Quốc nhấn mạnh.

''Tất cả đúng hết, chỉ có trời sai?''

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay (5-11), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã tranh luận thông tin về dự án thủy điện có hai mặt tích cực và hạn chế.

Theo ông Tuấn Anh, hiện có quy trình pháp lý quan trọng và bài bản quản lý đầu tư, hiệu quả dự án, đặc biệt là báo cáo kinh tế kỹ thuật, tác động môi trường là nhân tố cơ bản giúp các cấp thẩm quyền quyết định đầu tư, dự án nào hiệu quả hay không.

Đặc biệt, dự án khi thực hiện phải thỏa mãn trong đảm bảo các yếu tố, giảm thiểu thiệt hại môi trường.

Xâm hại đất rừng, thủy điện khi phê duyệt phải bổ sung quy hoạch, nêu rõ tiêu chí nếu chiếm dụng 10ha thì không được, và phải xin ý kiến các bộ ngành liên quan đảm bảo sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất, mục tiêu và ưu tiên quy hoạch.

Quy trình đầu tư bao gồm cấp thẩm quyền phê duyệt, quản lý dự án đầu tư đều có quy định cụ thể và các cơ quan chức năng đều có trách nhiệm kiểm tra cụ thể.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là quyết định quan trọng giúp cấp thẩm quyền thông qua, đều phải đăng công khai trên các trang thông tin điện tử.

Trao đổi với ý kiến đại biểu Dương Trung Quốc, bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng nếu dự án thủy điện hết vòng đời dự án thì phải thực hiện yêu cầu như chất lượng hồ đập, hướng xử lý như tháo dỡ.

Bấm nút tranh luận lại với bộ trưởng sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: ‘‘Nếu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu hai ngày qua thì tôi thấy mọi việc mình đều đúng, chỉ có trời sai. Việc bộ trưởng nhân định mọi thứ đều do chính quyền địa phương và khâu tổ chức thực hiện e rằng không ổn’’.

Ông Hồng nhận định ở đâu có nhiều dự án thủy điện thì ở đó gắn với lũ quét, lũ ống và yêu cầu làm rõ nguyên nhân vấn đề này.

Bộ trưởng giải thích có hay không việc lợi dụng thủy điện để phá rừng? Bộ trưởng giải thích có hay không việc lợi dụng thủy điện để phá rừng?

TTO - Không cấp phép bất cứ dự án thủy điện nào chiếm đất rừng tự nhiên kể từ năm 2016 đến nay nhưng tác động của thủy điện tới đất rừng, nước, dòng chảy là có, theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.


TIẾN LONG - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên