Có nhiều phân tích khác nhau về nguyên nhân cha mẹ bạo hành con họ. Ở đây, tôi chỉ xin phân tích một số nguyên nhân, khó khăn của cha mẹ và đây có thể là yếu tố dẫn tới việc họ bạo hành con cái.
Cha mẹ chịu nhiều áp lực?
Cha mẹ nào sinh con ra mà lại không yêu thương con? Tôi từng chứng kiến nhiều phụ huynh có con mắc rối loạn phổ tự kỷ bỏ hết công việc lặn lội đưa con đi hàng ngàn cây số để điều trị hàng năm trời. Chính vì thế, trong việc cha mẹ bạo hành con cái, tôi cho rằng cá nhân họ cũng rất đau lòng và hối hận.
Một báo cáo nghiên cứu của Unicef (2004) cho thấy nguyên nhân từ phía cha mẹ thường là do áp lực về công việc và tài chính, nhiều cha mẹ bạo hành con cái bởi họ lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy hay cờ bạc.
Một nguyên nhân khác là do yếu tố văn hóa VN, cha mẹ và người lớn thường chấp nhận những hình phạt/ bạo hành con cái vì họ cho rằng đó là phương pháp giáo dục.
Đồng thời, người bạo hành con cái thường là người cha, điều này do phong tục người Việt khi cho rằng người cha là người đứng đầu trong gia đình và có trách nhiệm dạy dỗ con cái.
Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy trẻ thường bị bạo hành ở các gia đình có cha mẹ ly hôn, có cha dượng hay mẹ ghẻ.
Đồng thời, nhiều cha mẹ lý giải việc họ bạo hành con cái là do quá kỳ vọng và mong đợi con cái không mắc lỗi, trở thành người tốt. Nhiều cha mẹ bạo hành con cái là do họ bị căng thẳng, mệt mỏi, giận dữ, những khó khăn về cảm xúc, thậm chí là các rối loạn về sức khỏe tâm thần.
Nhiều trường hợp cho thấy tình trạng bạo hành của cha mẹ với con cái như một sợi dây liên thế hệ. Nhiều ông cha bà mẹ bạo hành con cái họ vì chính họ trước đây cũng bị cha mẹ của họ bạo hành. Đây như sự đồng lần và nối tiếp trong các gia đình có thói quen bạo lực.
Thay đổi
Tôi cho rằng giải quyết vấn đề bạo hành trẻ em ở VN cốt lõi không nằm ở phía các cơ quan hay tổ chức xã hội nào, mà nằm ngay ở nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân, mỗi bậc phụ huynh.
Họ cần thay đổi phong tục hay thói quen cho rằng trừng phạt hay bạo hành trẻ em mới là cách dạy dỗ con trẻ, và hiểu rằng trong gia đình người cha không phải là người duy nhất đúng và có mọi quyền hành.
Cha mẹ cũng cần hiểu rằng việc cá nhân của mình như những khó khăn về cảm xúc, quan hệ, công việc, kinh tế... là của riêng cha mẹ, đừng bắt con cái gánh chịu những khó khăn đó.
Hãy để trẻ phát triển là chính trẻ, đừng mang các giá trị và mong đợi của mình áp đặt lên trẻ, điều này sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn. Nếu cha mẹ có khó khăn khó giải quyết, hãy nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia tham vấn tâm lý, điều này sẽ dẫn tới tốt đẹp cho cả gia đình.
Không có điều gì biện minh cho hành động bạo hành với người khác, nhất là với con mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận