16/05/2021 11:11 GMT+7

Đừng tiếp tay làm hại công chúng

DI LI
DI LI

TTO - Nhờ vào lượng tương tác khủng, lượt chia sẻ thông tin mà họ tạo ra và sự yêu thích của công chúng, các KOL (Key Opinion Leader - người dẫn dắt quan điểm) trở nên có tiếng nói, họ có thể định hướng dư luận.

Tất nhiên những người làm PR và marketing sành sỏi từ lâu đã phát hiện nguồn nhân lực hiệu quả này và ngược lại, các KOL cũng bỗng dưng phát hiện một nguồn thu tài chính nhờ vào thương hiệu của chính mình.

Nhưng trái với phương pháp quảng cáo truyền thống, quảng cáo thông qua KOL trở nên đầy rẫy bất cập cho người tiêu dùng.

Đó là vì chi phí cho quảng cáo truyền hình, báo chí, panô quá lớn (một năm có thể mất tới vài chục đến hàng trăm tỉ đồng cho chiến lược quảng cáo) nên chỉ những thương hiệu hàng đầu mới sẵn sàng chịu chi.

Và một khi bỏ số tiền lớn ra để đầu tư, thêm nữa danh tiếng thương hiệu còn quý hơn vàng, nên họ chỉ ký hợp đồng với những người nổi tiếng có tên tuổi trong lĩnh vực giải trí, chưa kể còn phải kiểm tra nhân thân, lý lịch xem có trong sạch hay không.

Vì thế trong hợp đồng quảng cáo luôn phải kèm theo một điều khoản về việc bên A có quyền dừng hợp đồng giữa chừng và bên B buộc phải bồi thường hợp đồng nếu như trong thời hạn hợp đồng, bên B gây ra scandal.

Ngược lại, vì là những người đang trên đỉnh cao sự nghiệp, bên B luôn hiểu rằng thương hiệu mà họ ký hợp đồng quảng cáo ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của họ. Vì vậy đôi bên đều là những đối tượng khó tính, luôn phải xem xét, điều tra kỹ càng trước khi ký hợp đồng, do thương hiệu của bên A sẽ làm sang cho bên B và ngược lại.

Còn hoạt động PR hoặc quảng cáo thông qua các KOL trên không gian mạng thì giản tiện hơn nhiều, thậm chí nhiều khi không cần hợp đồng, cứ chuyển khoản xong là có thể tiến hành.

Chính vì sự đơn giản hóa các chi tiết và thủ tục mà các KOL thường không mấy khi để tâm đến việc chất lượng có đúng như họ quảng cáo hay không. Họ chỉ đơn thuần là người nhắc lại những nội dung mà bên trả tiền yêu cầu.

Thành thử, người gánh chịu ở đây chính là khách hàng, là những người hâm mộ họ, những người luôn tin cậy họ, những người có tư duy giản đơn và ngây thơ rằng phàm thứ gì người nổi tiếng đã dùng thì chắc chắn là phải tốt (!?).

Rất nhiều sản phẩm là đồ dỏm, là hoạt động lừa đảo mà chính các KOL cũng không hay biết hoặc không buồn để ý.

Các nhãn hàng thuê KOL quảng bá sản phẩm dịch vụ trên mạng phần nhiều cũng không phải là các thương hiệu lớn, thậm chí là vô danh tiểu tốt, chủ yếu là mỹ phẩm, kem trộn, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng... Nhiều sản phẩm dùng xong là tiền mất tật mang.

Rất có thể sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ siết chặt loại hình quảng cáo này. Tuy nhiên, sự cẩn trọng để bảo vệ uy tín của mình, không tiếp tay cho cái ác làm hại công chúng và sẵn sàng nói không với các sản phẩm sẽ làm cho tên tuổi mình trở nên "kém sang" vẫn là sự lựa chọn và tư duy độc lập của các KOL.

Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng: lừa dối công chúng, người tiêu dùng Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng: lừa dối công chúng, người tiêu dùng

TTO - Hôm 11-5, nhiều người nổi tiếng đăng quảng cáo đồng tiền mã hóa FXT bị cho là liên quan đến tổ chức lừa đảo. Đây là ví dụ mới nhất sau nhiều năm người nổi tiếng quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, công dụng.

DI LI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên