31/10/2015 09:23 GMT+7

Đừng quá khắt khe với bảo mẫu

HÀN THỊ NGỌC LIÊN
HÀN THỊ NGỌC LIÊN

TT - Nghề bảo mẫu của chúng tôi là chăm sóc trẻ như chính đứa con của mình sinh ra. Cũng có nhiều trẻ ngang bướng, không chịu nghe lời, khiến nhiều cô giáo chỉ vì một phút không kiềm chế được cũng có thể làm tổn thương trẻ.

Khi ấy, sự dịu dàng là quan trọng. Có nhiều trẻ ở nhà được chiều chuộng, muốn gì được nấy, nên nhiều lúc rất khó bảo. Có những hôm trẻ cứ bám riết lấy mẹ, không chịu vào lớp. Cô lại đến ôm ấp và vỗ về các con, cho các con cảm giác an toàn khi bên cô. Có những khi các con sợ tiếng sấm, sợ mưa và rất nhiều nỗi sợ khác thì sự vỗ về, an ủi của cô giáo là vô cùng quan trọng.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của người bảo mẫu là tạo cho các con cảm giác an tâm, các con yêu cô giáo, yêu bạn và muốn được đến trường mỗi ngày. Có những ngày đầu tiên đến lớp, trẻ còn lạ lẫm nên khóc nhiều.

Nhớ những lần trẻ “đùn” ra quần, cô không ngần ngại lau dọn, giữ vệ sinh cho các con. Khi ấy, cô làm không phải vì trách nhiệm mà vì tình thương yêu xuất phát tự đáy lòng. Cô không ngần ngại lau mũi, không ngại vệ sinh thân thể hay thu dọn “hậu quả” mà các con gây ra. Có khi con còn phun cả đồ ăn vào mặt cô, có những lúc các con khóc tập thể, nhưng cô vẫn yêu lắm sự ương bướng, nghịch ngợm, khó bảo của các con.

Mỗi năm, chúng tôi được “làm mẹ” của bao nhiêu đứa con, thế nên cảm giác được vỗ về, an ủi mỗi khi trẻ khóc cũng hạnh phúc lắm chứ. Cô cũng không ngần ngại khi một phụ huynh nào đó đem đứa con bị ốm đến để nhờ cô trông nom vì bận công việc, không xin nghỉ ở nhà để chăm sóc con được. Khi ấy, chúng tôi có thể từ chối nhưng không đành lòng. Có những hôm vài trẻ cùng ốm một lúc, hai cô giáo đánh vật với việc đút cháo, cho các con uống thuốc theo chỉ dẫn của phụ huynh...

Các cô luôn sợ các con ăn cháo bị sặc, sợ các con toát mồ hôi mà không kịp lau sẽ dễ bị cảm lạnh hay bị ho, sợ các con bị khát nước... Cũng có không ít hôm cha mẹ đến đón con muộn, để trấn an trẻ, để trẻ không rơi vào cảm giác bị bỏ rơi khi cha mẹ bạn khác đã đến đón bạn về hết rồi... cô lại ôm con vào lòng, rồi tổ chức các trò chơi để con không cảm thấy bị cô đơn.

Chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ của những đứa trẻ lên 2, lên 3 luôn cần sự nhẫn nại, bao dung của người bảo mẫu. Sự cáu gắt, bực bội chỉ làm cho trẻ bị tổn thương và hình ảnh của cô mất đẹp mà thôi. Có trẻ khó chịu không chịu ngủ, chỉ một lời động viên nhỏ của cô cũng khiến trẻ thấy vui và đi vào giấc ngủ.

Có nhiều bảo mẫu muốn chuyển nghề vì lý do này hay lý do khác, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến cho vị phụ huynh khó tính nào đó quay ra trách móc, yêu cầu cho cô thôi việc. Cũng có nhiều bậc phụ huynh luôn xem con mình là “con vàng con bạc” nên rất khó để cô đưa trẻ vào nề nếp. Thế mới thấy rằng nghề gì cũng cần phải tâm huyết, và phải yêu trẻ, có tình cảm với trẻ mới làm tốt được công việc này.

Người vào nhiều vai

Ai đó ví cô giáo mầm non như “làm dâu trăm họ” có lẽ không sai. Có những lúc trẻ tị nạnh, có khi đánh nhau, một vài vết cào xước giữa các trẻ cũng khiến cô giáo mầm non như chúng tôi căng thẳng, lo lắng suốt buổi. Tuy thế chúng tôi được bù đắp bằng nụ cười, sự đáng yêu của các con, khiến cho cô thấy dù có lúc mệt mỏi nhưng vẫn rất yêu nghề.

Có lẽ chúng tôi không chỉ yêu nghề là đủ mà còn phải tâm huyết với nghề, yêu trẻ và có bản lĩnh thật sự. Vừa vào vai cô giáo vừa vào vai người mẹ, vừa là người giúp việc, nói thế nào cũng đúng. Chỉ mong búa rìu dư luận đừng quá khắt khe đối với cô giáo mầm non chúng tôi.

HÀN THỊ NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên