07/04/2013 04:47 GMT+7

Nghề nào như nghề bảo mẫu

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Hiếm hoi lắm mới được thấy các cô bảo mẫu diện áo dài, bước lên sân khấu ca hát thay vì lui cui ở góc lớp lau chùi từng ca nước, dán tên lên từng đôi dép, xếp từng chiếc bàn chải đánh răng hay dọn từng chiếc gối, mền vào đúng vị trí cho học sinh đi ngủ.

Nhiều cô rất run khi lần đầu tiên cầm micro và kể câu chuyện của mình trước đám đông. Những tình huống thật sư phạm, thật gần gũi khi chính cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ, biết tính tình, thói quen từng em, dù các cô không trực tiếp đứng lớp cũng chẳng được xướng tên trong Ngày nhà giáo Việt Nam.

Đó là không khí ghi được tại Ngày hội “Bảo mẫu - người chăm sóc những chồi non” do Phòng Giáo dục - đào tạo quận 1, TP.HCM tổ chức, vừa diễn ra sáng 5-4 tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Đại diện cho hơn 400 bảo mẫu đang làm việc tại các trường tiểu học quận 1, các cô đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, những niềm vui, nỗi buồn của nghề.

Ở đó có những ước mơ làm giáo viên dang dở, đành đậu lại ở cái nghề cũng gần với giáo viên và hơn hết là được gần các em học sinh: nghề bảo mẫu. Chỉ có người trong nghề mới thấm cái cực nhọc khi một cô phải lo cho ba, bốn chục đứa học trò. Công việc hầu như không thể ngơi tay bởi trường học phải đúng giờ. Tranh thủ ăn khi học sinh đã ngủ, lau dọn khi các em thức dậy. Sáng đến sớm, chiều về trễ. Và còn là người hòa giải những mâu thuẫn, xử lý muôn vàn tình huống trong bữa ăn giấc ngủ của trẻ... Vậy mà trong các bài tham luận, chẳng thấy một lời than vãn, kêu ca, chỉ thấy những câu chuyện thật ngọt ngào, làm nhẹ đi những phút mệt mỏi, đầu tắt mặt tối với công việc của một “bà mẹ đông con”.

Cô bảo mẫu Ngô Thị Hoa (Trường tiểu học Trần Hưng Đạo) kể: “Bạn Quốc Anh và bạn Tâm đánh nhau chảy máu mũi. Cô hỏi vì sao, Quốc Anh bảo con thương cô nhiều hơn bạn Tâm mà sao cô lại đút cho bạn ăn mà không đút cho con. Vừa thương em ấy vừa giận, tôi liền giải thích cho em hiểu. Bạn ăn chậm, cô đút cho bạn để bạn ăn nhanh hơn, theo kịp lớp và kịp giờ đi ngủ. Khi đó Quốc Anh mới chịu và nói “cô ơi con thương cô nhất”.

Còn cô Dung, bảo mẫu Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, thật sự sốc khi cha của một học trò vào trường và cho con một bạt tai chí mạng ngay trước mặt các cô bảo mẫu vì cháu đánh nhau với bạn. “Vừa run, nhưng tôi vẫn cố gắng bình tĩnh đưa em vào phòng y tế, phụ huynh em không đi theo cũng chẳng tỏ ra lo lắng gì, càng nghĩ càng thương và muốn bù đắp cho học trò” - cô rơm rớm kể. Những câu chuyện nho nhỏ diễn ra hằng ngày khi mà những học sinh bán trú có gần 10 giờ đồng hồ ở trường, như những ngọt ngào lắng đọng lại với các cô sau những giờ làm việc vất vả.

Chợt chạnh lòng khi nghĩ đến hàng ngàn cô bảo mẫu khác vẫn đang túi bụi với công việc, với đồng lương chật vật, không biết bao giờ các cô có được một ngày hội thật sự để được nghỉ ngơi và ca hát, được kể cho nhau nghe những câu chuyện nghề rất đặc thù chỉ có ở những ngôi trường bán trú.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên