Phóng to |
Ảnh: N.C.T. |
* Có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc “báo động” về tình trạng thất thoát, lãng phí trong việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) tại các địa phương. Là người đại diện cho cơ quan giám sát, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Ông Tào Hữu Phùng: Thực tế hiện nay tình trạng sử dụng NSNN sai mục đích, chi sai chế độ, chi vượt dự toán xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, gây thất thoát, lãng phí lớn đối với NSNN, tức là tiền đóng thuế của người dân. Thậm chí có địa phương sử dụng sai ngân sách dự phòng dành cho công tác phòng chống lụt bão, nhưng gây bức xúc nhất là có địa phương sử dụng đến 17 tỉ đồng ngân sách dự phòng để mua… xe con!
* Lĩnh vực nào gây thất thoát, lãng phí nhiều nhất đối với NSNN, thưa ông?
- Có thể nói lĩnh vực đầu tư, trong đó có cả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cũng như các dự án sản xuất kinh doanh hay phục vụ các mục đích dân sinh khác của xã hội… có tình trạng thất thoát, lãng phí nhiều nhất. Tôi lấy ví dụ một tỉnh nghèo tại miền Trung đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến hoa quả, kinh phí lên tới 20 tỉ đồng, nhưng xây xong lại không thể hoạt động được do thiếu… nguyên liệu sản xuất! Nhà máy này sau đó phải cho thuê làm nơi… bán xe máy, gây lãng phí và bức xúc cho nhiều người. Rồi xây bệnh viện cũng vài chục tỉ đồng nhưng xây xong bỏ đó vì không có thiết bị, không đào đâu ra số lượng bác sĩ làm việc cho bệnh viện… Cũng có nhiều địa phương đường làm xong chưa đi đã xuống cấp, không sử dụng được, phải sửa chữa…
Khâu quản lý nhà công vụ cũng gây thất thoát và lãng phí lớn cho NSNN. Nhiều địa phương bán nhà công vụ không đúng đối tượng, vừa gây thất thoát vừa tạo dư luận không tốt. Người dân bức xúc nhất là việc sử dụng xe công sai mục đích diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương. Tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng, dùng để đi chùa trong dịp lễ hội đã được dư luận phản ảnh nhiều. Người ta còn sử dụng xe cứu thương để đi nhậu, đi chơi thì quả là không thể chấp nhận.
* Trong lĩnh vực đầu tư, một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua là tình trạng “thông thầu”, dàn xếp kết quả thầu, gây thất thoát, lãng phí rất lớn cho ngân sách.
- Quả thật, chuyện “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu vẫn tồn tại khá phổ biến, dù Luật đấu thầu đã có rồi. Tình trạng thông thầu, dàn xếp kết quả thầu giữa các nhà thầu với nhau, hay giữa đơn vị đầu tư và nhà thầu, còn đấu thầu chỉ là giả vờ… đều gây thất thoát lớn cho NSNN. Ở đây có những dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay giữa các đối tượng. Tôi cho rằng vấn đề này cần sớm phải khắc phục.
* Nhiều ý kiến cho rằng công tác giám sát việc sử dụng NSNN tại các địa phương quá chồng chéo, ai cũng có trách nhiệm nhưng không ai chịu trách nhiệm là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng thất thoát lớn NSNN. Ông có đồng ý với những ý kiến này?
- Đã có qui định rõ ràng cả rồi. UBND các địa phương là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về việc sử dụng vốn đầu tư; còn về giám sát, HĐND các địa phương là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất.
* Nhiều đơn vị còn cho rằng họ đều muốn được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hơn các cơ quan thanh - kiểm tra khác, do những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc xử lý các cá nhân vi phạm thời gian qua vẫn còn rất “mờ nhạt”?
- Không có chuyện thích hay không thích ai kiểm tra. Tùy vào nội dung được thanh - kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước hay các cơ quan thanh - kiểm tra sẽ được phân công nhiệm vụ. Kiểm toán cũng có quyền xử lý hay kiến nghị xử lý đối với những hành vi vi phạm. Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều vụ vi phạm trong việc sử dụng ngân sách tại các địa phương, cũng kiến nghị xử lý nhiều. Còn nếu nói về chuyện tiêu cực của kiểm toán, theo tôi, hiện tượng này đã được hạn chế rất nhiều. Luật kiểm toán đã có, chuẩn mực kiểm toán cũng đã có, chất lượng kiểm toán được đánh giá dựa trên những “thước đo” này. Tuy nhiên, cũng cần phải giám sát chất lượng kiểm toán. Chẳng hạn, Quốc hội có thể lập ra những đoàn giám sát chất lượng kiểm toán trong những trường hợp cần thiết.
* Theo ông, có biện pháp nào hạn chế tình trạng lạm dụng NSNN tại các địa phương?
- Tôi cho rằng phần lớn các vụ việc vi phạm đều có dấu hiệu tiêu cực, nếu anh không tiêu cực thì anh đâu có cố tình làm bậy. Tôi lấy ví dụ có địa phương thu tiền sử dụng đất nhưng không nộp ngân sách mà đưa vào quĩ riêng. Ngoài ra còn nhiều nguồn thu khác nữa cũng được đưa vào quĩ riêng của địa phương thay vì nộp ngân sách. Luật pháp có ghi rõ ràng các trường hợp cố tình vi phạm và những biện pháp xử lý rồi. Cứ căn cứ đúng luật mà xử. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng là người đứng đầu phải thật gương mẫu, công khai, minh bạch và công bằng trong phân bố ngân sách.
Năm 2006, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và đề nghị xử lý về mặt tài chính với số tiền hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi, quản lý qua ngân sách, xử lý tài chính gần 7.000 tỉ đồng... Một số vi phạm trong việc phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương năm 2007: việc phân bổ và giao vốn đầu tư của ngân sách địa phương đến từng đơn vị diễn ra chậm, đến đầu tháng 3-2007 vẫn còn khoảng 16.000 tỉ đồng chưa phân bổ vốn đến từng dự án. Một số địa phương tự ý chuyển một phần kế hoạch vốn đầu tư để chi thường xuyên, giao vốn đầu tư thấp. Có 26 địa phương bố trí vốn cho lĩnh vực giáo dục thấp hơn dự toán được duyệt; 14 tỉnh, thành phố bố trí vốn cho lĩnh vực khoa học - công nghệ thấp hơn dự toán được duyệt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận