01/08/2018 16:38 GMT+7

Đừng lơ là nhiễm khuẩn bệnh viện

L.ANH - H.LỘC
L.ANH - H.LỘC

TTO - Liên quan việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được Bộ Y tế tổ chức ngày 31-7 tại Hà Nội, trưởng đại diện Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại VN chia sẻ suốt đời ông không quên hai bệnh nhân ở Mỹ gặp tai biến vì nhiễm khuẩn bệnh viện.

Đừng lơ là nhiễm khuẩn bệnh viện - Ảnh 1.

Trong nhà vệ sinh của BV Tai mũi họng TP có bảng hướng dẫn quy trình rửa tay với xà bông. Tuy nhiên lại không có xà bông để người bệnh rửa tay - Ảnh: H.L.

Nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn từ nước, nhà vệ sinh, thiết bị y tế ở bệnh viện. 

Để đảm bảo an toàn vệ sinh cho người bệnh, nhiều bệnh viện có ý thức trang bị hệ thống bình đựng nước, xà bông rửa tay, lau dọn khuôn viên giường bệnh, nhà vệ sinh... để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, nhưng bệnh viện nào cũng quá tải, người bệnh nơm nớp lo nhiễm khuẩn.

Rửa tay qua loa vì không có xà bông

Khảo sát tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sáng 31-7, bệnh nhân điều trị ngoại trú nằm la liệt trên ghế đá, dọc các dãy hành lang. 

Bất kể đâu có chỗ trống và có một chút bóng râm đều là nơi nghỉ ngơi hiếm hoi của người bệnh. Trong khuôn viên bệnh viện này có hệ thống đựng nước nóng lạnh qua "xử lý" do hội từ thiện tài trợ. 

Hệ thống này có tới 2 vòi nước nóng và 4 vòi nước lạnh, đặt sát hành lang nhiều người qua lại. Kế bên có dán bảng lưu ý người bệnh "giữ gìn vệ sinh chung, không đổ bã trà, cà phê xuống máng nước"... Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống nước uống công cộng này lại khá nhếch nhác bởi bã trà, bụi bặm bám quanh máy.

Từ Long Khánh (Đồng Nai) lên bệnh viện chăm vợ điều trị ngoại trú bởi căn bệnh ung thư trực tràng cả mấy năm nay, ông Nguyễn Tấn Hòa (54 tuổi) cho biết hệ thống nước uống công cộng được lắp khoảng một năm nay. 

Mọi khi ông phải bỏ ra 20.000 đồng để mua nước uống hằng ngày, nay có nước miễn phí gia đình ông giảm bớt một phần gánh nặng chi phí. 

"Có nước miễn phí người bệnh đỡ rất nhiều, nhưng việc đông người với đủ thứ bệnh tật nên phải được lau chùi vệ sinh kỹ. Chưa kể bụi bặm bu đầy, nhiều người vô ý vứt bã trà trông rất bẩn, nói thiệt dùng vậy chứ tôi vẫn lo nơm nớp" ông Hòa nhấp ngụm nước tâm sự.

Tại nhà vệ sinh của bệnh viện này, chúng tôi thấy khá sạch sẽ, được trang bị cả dụng cụ đựng xà bông rửa tay. Tuy nhiên, dụng cụ này chỉ để "làm cảnh" bởi bên trong không có xà bông. Bởi vậy người bệnh hoặc người nhà đi vệ sinh xong chỉ rửa tay qua loa.

Việc quá tải trong việc thăm khám điều trị kéo theo quá tải cả lúc đi... vệ sinh. Một người bệnh điều trị lâu năm ở bệnh viện cho biết nếu muốn tắm rửa sạch sẽ thường phải "canh giờ" nhà vệ sinh, còn vào "cao điểm" chiều tối thì hên xui. 

Một số vụ nhiễm khuẩn bệnh viện hàng loạt

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện ở VN dao động từ khoảng 4-8%. Thực tế đã xảy ra một số vụ nhiễm khuẩn bệnh viện hàng loạt, bao gồm vụ dịch sởi năm 2014, dịch đã lây lan mạnh ở phạm vi rộng làm nhiều bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư mắc bệnh. Tháng 11-2017, vụ nhiễm khuẩn bệnh viện tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh làm 4 trẻ tử vong, hàng chục trẻ bị nhiễm khuẩn mức độ khác nhau. Tháng 6 và 7-2018, nhiều trẻ em ở Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cũng bị lây bệnh sởi sau khi điều trị tại cơ sở y tế.

"Nhiều hôm đông quá đợi không xuể tôi đành để qua ngày hôm sau mới tắm. Bệnh đeo bám khổ một phần, bệnh viện quá tải, không được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày khiến người trở nên bức bối khó chịu" - người này chia sẻ.

Tại Bệnh viện Tai mũi họng TP dù ở nhà vệ sinh có gắn bảng hướng dẫn "quy trình" 6 bước rửa tay bằng xà bông nhưng tìm mỏi mắt người bệnh không thấy xà bông để rửa. 

Một vài người bệnh vừa đi vệ sinh ra loay hoay tìm khắp nơi không thấy xà bông nên đành rửa qua loa để nhanh chân vào khám bệnh.

Tương tự tại Bệnh viện Q.Phú Nhuận, dù nhà vệ sinh khá sạch sẽ nhưng việc trang bị xà bông rửa tay cũng khá hạn chế. Tại một nhà vệ sinh, chúng tôi thấy có trưng các dụng cụ như bàn chải lớn, xà bông giặt đồ... nhưng khá bất tiện, ít người bệnh sử dụng.

Điều trị dài ngày, tăng tỉ lệ tử vong

Phát biểu tại hội nghị triển khai thông tư 216 năm 2018 của Bộ Y tế ngày 31-7, trưởng đại diện CDC tại VN chia sẻ: "Hai ca nhiễm khuẩn tại Mỹ tôi nhớ hoài là một người nam 45 tuổi, vào viện vì đau lưng, một loại tổn thương rất thường gặp và rất dễ điều trị, nhưng do nhiễm khuẩn bệnh viện mà vết thương trị đau lưng đã vỡ ra, bệnh nhân sốt kéo dài, sau này phải mổ lại, loại vi khuẩn bệnh viện mà bệnh nhân gặp kháng với rất nhiều loại kháng sinh. Bệnh nhân còn lại là một em bé đã được điều trị lui bệnh, nhưng chỉ sau khoảng nửa ngày được tiêm bằng thiết bị chưa được tiệt trùng đúng quy trình, em bé tử vong".

Tại VN, vụ tai biến vì nhiễm khuẩn bệnh viện khủng khiếp nhất cho đến nay là bốn trẻ sơ sinh tử vong hồi tháng 11-2017 tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh. Chỉ trong một buổi sáng có đến bốn bé qua đời, hàng chục bé khác được chuyển sang các bệnh viện Nhi T.Ư, Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, đơn nguyên sơ sinh của Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh phải tạm đóng cửa để tiệt trùng từ lồng ấp, không khí, thiết bị y tế... Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện khác buộc phải điều trị dài ngày hơn, chi phí tốn kém hơn, nhiễm khuẩn bệnh viện cũng làm tăng tỉ lệ tử vong.

Ông Kidong Park, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN, cho hay có một số nguyên tắc để đảm bảo phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện là bệnh viện chỉ được nhận số bệnh nhân tương đương với quy mô bệnh viện, đảm bảo nhân lực y tế, đảm bảo tiệt trùng thiết bị y tế đúng quy trình và có đủ dung dịch rửa tay ở nơi người bệnh và nhân viên y tế dễ tiếp cận nhất. 

Tuy nhiên như khảo sát của chúng tôi ngày 31-7, ngay cả xà bông rửa tay cũng còn chưa có đủ, vệ sinh bệnh viện vẫn đang ở mức rất tệ. Bên cạnh đó, bệnh viện nào cũng quá tải, việc phòng chống nhiễm khuẩn càng trở nên khó khăn.

Theo các chuyên gia y tế tại hội nghị, VN đang đi đúng hướng trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, bằng việc có quy định kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện mới sau 9 năm (quy định kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cũ ban hành năm 2009). Nhưng từ chính sách đến chống được nhiễm khuẩn ở bệnh viện, chặng đường còn rất dài.

Trả lời báo chí ngày 31-7, ông Lê Văn Phúc, phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, cho hay các kết quả kiểm toán năm 2016-2017 cho thấy nhiều bệnh viện chưa thực hiện đúng định mức kinh tế kỹ thuật (sử dụng một găng tay thăm khám cho nhiều bệnh nhân, “tiết kiệm” trong việc giặt drap giường…) trong khi đây cũng là căn nguyên gây nhiễm khuẩn bệnh viện.

rua tay khong xa phong (2) 3(read-only)

Trong nhà vệ sinh của Bệnh viện Ung Bướu TP có trang bị dụng cụ đựng xà bông rửa tay nhưng không có xà bông. Do đó, sau khi vệ sinh người bệnh hoặc người nhà chỉ có thể rửa qua loa - Ảnh: H.L.

Trà sữa khiến 40 học sinh nhập viện nhiễm khuẩn tụ cầu vàng Trà sữa khiến 40 học sinh nhập viện nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

TTO - Kết quả kiểm nghiệm cho thấy trà sữa và thạch rau cau tại cơ sở trà sữa Uyên Chip Chip bị nhiễm nhiều loại khuẩn, trong đó nguy hiểm nhất là khuẩn tụ cầu vàng.

L.ANH - H.LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên