08/04/2020 12:39 GMT+7

Dựng lán ven đường, bắt sóng 4G học online

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Trong khi sinh viên ở đô thị yên tâm ngồi nhà học online thì chàng thanh niên dân tộc Mông Lầu Mí Xá phải ra đường dò sóng 4G. Phát hiện địa điểm có sóng cách nhà 200m, Xá dựng ngay một cái lán sát vệ đường để học online.

Dựng lán ven đường, bắt sóng 4G học online - Ảnh 1.

Lầu Mí Xá học trong lán - Ảnh: NVCC

Cái lán của Lầu Mí Xá nằm cheo leo bên vệ đường, giữa sương mù vây bủa ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ngay sau khi được một cán bộ Học viện Hành chính quốc gia, nơi Xá đang theo học, chia sẻ trên mạng xã hội, câu chuyện học online và cái lán của chàng thanh niên người Mông thu hút sự quan tâm và truyền cảm hứng cho nhiều người.

"Công nghệ" bắt sóng

"Rơi xuống bên dưới sẽ đau đấy ạ, nhưng chị yên tâm, cọc được đóng chắc lắm, không rơi được đâu. Bên dưới cách lán 3m là đất trồng ngô" - Xá hồn nhiên giải thích.

Xá cho biết sau nhiều ngày nằm nhà sốt ruột chờ tin, cuối cùng cậu cũng nhận được thông báo Học viện Hành chính quốc gia triển khai dạy học trực tuyến. Ngay sau đó, chàng thanh niên người Mông sinh năm 1999 cùng bạn thân đi... bắt sóng 4G. Cả xã Sủng Trái chỉ có đúng một cột sóng ở UBND xã, ngoài ra còn một cột sóng ở xã Mậu Long bên cạnh, nhưng đi tới đó cũng phải tầm 20km. 

Ở nhà em không bắt được 4G đâu, bạn thân em chở đi tìm thì mới biết cách nhà mình chừng 200m là có sóng, nên em quyết định làm một cái lán ở đó để lấy chỗ học

Lầu Mí Xá


Buổi học trực tuyến đầu tiên của lớp Xá bắt đầu lúc 6h30 sáng 6-4. Thời điểm này ở xã Sủng Trái trời vẫn còn tối lắm. Xá quyết định lấy dây điện ở nhà và mượn thêm họ hàng tổng cộng được hơn 200m dây, dòng điện ra lán để có ánh sáng. Trong lán của Xá có một chiếc bàn gỗ, vài mảnh chăn ấm, một chiếc khèn, một can nước để đánh răng rửa mặt.

Xá diễn giải "quy trình công nghệ bắt sóng 4G" như sau: treo một chiếc điện thoại trên vách để bắt sóng 4G, tiếp đó là dùng một chiếc điện thoại khác bắt tín hiệu từ cái máy kia để học online. 

"Em phải mượn em họ điện thoại vì điện thoại của em bắt sóng kém quá. Em phải treo điện thoại của em họ ở vị trí tốt nhất để bắt sóng 4G, rồi đặt chế độ chia sẻ kết nối dữ liệu từ điện thoại này sang điện thoại của mình. Hôm 6-4, bọn em học môn quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, rất may sóng tốt nên buổi học của em suôn sẻ. Cô Bình (phó phòng đào tạo của học viện - PV) nói nếu hôm nào trời mưa em có thể nghỉ học, cô sẽ gửi video bài giảng cho" - Xá kể.

Dựng lán ven đường, bắt sóng 4G học online - Ảnh 3.

Lán học online của Lầu Mí Xá - Ảnh: NVCC

"Tự nuôi mình là hạnh phúc"

Từ chỗ lơ ngơ đường sá Hà Nội, bị khách hủy chuyến, bị chửi, Lầu Mí Xá đã trở thành tài xế xe công nghệ quen thuộc đường đi lối lại ở Hà Nội. Những cuốc Grab bất kể nắng mưa đã giúp Xá có tiền trang trải sinh hoạt phí ở Hà Nội. "Được tự nuôi mình là hạnh phúc" - Xá vui vẻ chia sẻ.

Là sinh viên năm thứ ba, lớp KH18 quản lý công, Lầu Mí Xá thuộc lứa sinh viên cuối cùng của Học viện Hành chính quốc gia, vì học viện này đã chuyển sang đào tạo cán bộ. Sống trong một xã có toàn hộ nghèo, bản thân gia đình Lầu Mí Xá cũng thuộc diện hộ nghèo, nhưng chưa bao giờ Xá nguôi ước mơ được học đại học. Năm lớp 12 cha mẹ giục Xá lấy vợ, nhưng cậu đã kiên quyết từ chối để theo đuổi ước mơ học hành.

Lầu Mí Xá kể năm thi vào lớp 6, Xá thái cỏ bị đứt ngón tay, viết bài thi rất nguệch ngoạc nên không đỗ. Nhưng sau đó có người bỏ học nên Xá đỗ vào Trường phổ thông dân tộc nội trú Đồng Văn. Xá từng được cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa. Đến năm cấp III, Lầu Mí Xá thi đỗ Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang.

Xá ấp ủ ước mơ sau này trở thành lãnh đạo cấp xã hoặc cùng lắm là cấp huyện. Cô giáo nói đã mất công mơ thì hãy nghĩ đến mục tiêu trở thành cán bộ cấp tỉnh. Nhưng đến giờ Xá vẫn nói: "Em nghĩ mình làm cán bộ xã hoặc huyện là vừa rồi, làm cán bộ tỉnh thì cao quá... Nhưng nếu không xin được việc, em sẽ về làm chăn nuôi".

Lầu Mí Xá dự định tốt nghiệp đại học sẽ ở lại Hà Nội một hai năm để làm việc lấy kinh nghiệm, sau đó sẽ trở về quê nhà. "Anh trai cả của em qua đời năm em học lớp 8, chị gái em đi lấy chồng rồi, nên nguyện vọng của em là ở gần cha mẹ" - Lầu Mí Xá nói.

Có laptop để học online

Ông Dương Ngọc Đức, chánh văn phòng Huyện ủy Đồng Văn, cho biết sau khi nắm thông tin về trường hợp Lầu Mí Xá, cá nhân các đồng chí trong thường trực, trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy quyết định góp tiền ủng hộ mua tặng sinh viên Lầu Mí Xá một chiếc laptop. Còn theo bí thư Đảng ủy xã Sủng Trái, ông Giàng Mí Say, xã có bố trí cơ sở vật chất và vận động sinh viên ra xã học trực tuyến. Nhưng do đường sá xa xôi nên Lầu Mí Xá đã chọn cách dựng lán để học gần nhà cho tiện.

Sinh viên vượt khó

Sằn Văn Lâm, lớp trưởng lớp KH18 quản lý công, cho biết Lầu Mí Xá là sinh viên vượt khó, lên lớp chăm chỉ học hành và xếp học lực khá học kỳ vừa qua. "Trên lớp Xá là người vui tính, bạn cũng tích cực tham gia các hoạt động của lớp" - Sằn Văn Lâm nói.

Tìm giải pháp hỗ trợ miễn phí công nghệ thông tin cho dạy học online Tìm giải pháp hỗ trợ miễn phí công nghệ thông tin cho dạy học online

TTO - Hỗ trợ dạy học online là một trong các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vừa diễn ra.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên