18/07/2025 05:36 GMT+7

Đừng làm cao tốc mỗi bên chỉ 2 làn đường

Các tuyến cao tốc được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc xây dựng một số tuyến cao tốc chỉ với hai làn đường mỗi chiều đang gây ra nhiều tranh cãi không chỉ về vấn đề an toàn mà còn về yếu tố hiệu quả.

cao tốc - Ảnh 1.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa có làn dừng khẩn cấp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cao tốc hai làn đường mỗi chiều, không có làn đường dành cho xe dừng khẩn cấp ở nước ta thời gian qua có nhiều hệ quả phức tạp, trong khi trên thực tế không thể đáp ứng được mật độ giao thông ngày càng gia tăng.

Những hạn chế và thiếu an toàn

Hiện nay lưu lượng xe trên các tuyến đường chính như quốc lộ 1A hay các tuyến cao tốc hiện hữu như Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Trung Lương hay TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên vượt quá công suất thiết kế. 

Các tuyến cao tốc chỉ hai làn mỗi chiều sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải, như đã và đang diễn ra ở tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận hay Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Cam Lâm. Hiện cả nước có gần 10 tuyến cao tốc loại này.

Bên cạnh đó, cao tốc hai làn đường không có làn dừng khẩn cấp khiến việc xử lý sự cố giao thông trở nên khó khăn. Do giới hạn về lưu lượng xe, các tuyến đường này không thể phục vụ các khu công nghiệp, cảng biển hay các trung tâm logistics lớn vốn yêu cầu khả năng vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả. Khi lưu lượng xe tăng, các tuyến cao tốc này sẽ cần được mở rộng, dẫn đến chi phí bổ sung và gây lãng phí nguồn lực.

Việc xây dựng cao tốc hai làn thường không thu hút được các nhà đầu tư tư nhân, do lợi nhuận từ phí giao thông khó bù đắp chi phí xây dựng và vận hành. Điều này đặt gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước, trong khi hiệu quả sử dụng lại giới hạn.

Cao tốc hai làn đường thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi xe tải, xe khách và xe con cùng lưu thông trên đường, nguy cơ xảy ra tai nạn tăng cao do sự chênh lệch về tốc độ và kích thước phương tiện. Việc thiếu làn dừng khẩn cấp cũng làm tăng nguy cơ va chạm hoặc cản trở dòng xe đi sau khi xe gặp sự cố kỹ thuật hoặc cần dừng đột xuất.

Vụ tai nạn gây đây nhất trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã thể hiện rõ hạn chế của việc thiếu làn dừng khẩn cấp. Ngày 8-7, một xe khách đang lưu thông trên cao tốc thì bị nổ bánh sau. Tài xế cho xe dừng trên làn đường xe chạy vì đoạn đường xe gặp sự cố không có dải dừng khẩn cấp. Khi tài xế cùng phụ xe xuống để kiểm tra thì xe khách chạy cùng chiều phía sau tông vào đuôi xe khách đang dừng

Cú tông mạnh khiến ba người tử vong và nhiều người bị thương... Chỉ trong chín tháng năm 2024 trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã xảy ra 13 vụ tai nạn, 17 người thương vong. Trong đó nhiều vụ có nguyên nhân xe hỏng dừng trên làn chạy, xe chạy sau tông vào đuôi.

Ba đề xuất cho cao tốc mới

Nhìn vào các quốc gia phát triển, cao tốc thường được thiết kế với ít nhất sáu làn đường, trong đó có làn dừng khẩn cấp, kèm theo các tiện ích như hệ thống giám sát giao thông thông minh, các nút giao lập thể, các trạm dừng chân... Những cao tốc tương lai cần được tính toán phương án đầu tư hiệu quả tốt nhất, lâu dài.

Thứ nhất, cần ưu tiên quy hoạch các tuyến cao tốc với ít nhất sáu làn đường ngay từ đầu. Điều này không chỉ đảm bảo khả năng đáp ứng lưu lượng giao thông mà còn giảm thiểu chi phí mở rộng trong tương lai.

Thứ hai, đầu tư vào công nghệ và quản lý giao thông. Ngoài việc mở rộng số làn đường, cao tốc cần được trang bị hệ thống quản lý giao thông thông minh, bao gồm camera giám sát, cảm biến lưu lượng và biển báo điện tử. Những công nghệ này giúp giảm thiểu tai nạn và tối ưu hóa lưu lượng xe, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu hoặc giờ cao điểm.

Thứ ba, huy động vốn đa dạng. Để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, Việt Nam có thể đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong xây dựng cao tốc. Tuy nhiên để thu hút nhà đầu tư, các tuyến đường cần được thiết kế với quy mô phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay cao tốc hai làn mỗi chiều tốc độ lưu thông không nhanh, lưu lượng thấp nhưng phí đường bộ lại cao, thực sự chưa bảo đảm lợi ích cho các chủ thể.

Tóm lại, cao tốc hai làn đường mỗi chiều, dù có chi phí đầu tư ban đầu thấp, không phải là giải pháp bền vững cho hạ tầng giao thông Việt Nam. Cần hướng đến các tuyến cao tốc quy mô lớn, được quy hoạch bài bản và đầu tư đồng bộ. Chỉ có như vậy hệ thống cao tốc mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an toàn.

Ở Trung Quốc, nơi có 160.000km đường cao tốc, thường có ít nhất bốn làn xe (hai làn mỗi chiều). Ở các khu vực đô thị lớn hoặc tuyến đường trọng điểm như Bắc Kinh - Thượng Hải, cao tốc được thiết kế với 6-8 làn xe (3-4 làn mỗi chiều); một số đoạn có đến 10-12 làn ở những khu vực đông đúc. Tất cả cao tốc đều được trang bị làn dừng khẩn cấp và hệ thống giám sát hiện đại.

Đừng làm cao tốc mỗi bên chỉ 2 làn đường - Ảnh 3.Đề xuất mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lên 6 làn xe

UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ 4 làn xe lên 6 làn xe hoàn chỉnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên