Chi cục Thuế quận Hà Đông (Hà Nội) - nơi vừa yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế theo nghị định chưa có hiệu lực - Ảnh: L.THANH
Với Luật quản lý thuế số 39/2019, Chính phủ đã ban hành nghị định 126/2020 hướng dẫn. Phải công nhận có những nội dung mới được cập nhật giúp việc kê khai và nộp thuế thuận lợi hơn, cơ quan thuế cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, một số quy định tại nghị định này vẫn gây nhiều hoang mang và lo lắng, cần sửa đổi.
Chi cục Thuế Hà Đông ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế theo nghị định chưa có hiệu lực có thể lạ với nhiều người, nhưng với không ít doanh nghiệp thì không quá bất ngờ. Vì họ bị bất ngờ với ngành thuế nhiều rồi.
Ông Nguyễn Hoàng Hải
Không chỉ lùi thời hạn có hiệu lực
Chi cục Thuế Hà Đông (Hà Nội) ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế theo nghị định chưa có hiệu lực ("Bắt doanh nghiệp nộp thuế sai", Tuổi Trẻ 2-12) có thể lạ với nhiều người, nhưng với không ít doanh nghiệp thì không quá bất ngờ. Vì họ bị bất ngờ với ngành thuế nhiều rồi. Cùng quy định nhưng cách hiểu khác nhau, từng được kêu trên đủ các diễn đàn, nên việc nghị định chưa có hiệu lực đã bắt doanh nghiệp phải thực hiện cũng chưa phải quá mức.
Cái cần nhìn ra để tránh là những căn cứ, quy định pháp luật để người ta có thể hiểu sai, làm sai theo nhiều cách, mà người thiệt cuối cùng là doanh nghiệp và người dân. Không phải ai cũng kêu được, cũng như không phải cái gì cũng sai rành rành, nên doanh nghiệp cứ phải bấm bụng chịu.
Về yêu cầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của 3 quý đầu năm không thấp hơn 75% số thuế TNDN cả năm là hoàn toàn không hợp lý. Dù đã được đề nghị thời điểm áp dụng là năm sau nhưng quy định này không theo quy luật kinh doanh của hầu hết các ngành nghề, đó là doanh thu của quý 4 thường cao hơn.
Quy định mới hết sức "toán học" và máy móc, tính mỗi quý nộp 25% thì 3 quý phải là 75%. Với quy định này sẽ có rất nhiều doanh nghiệp dù tuân thủ đúng luật nhưng vẫn bị phạt do kê khai sai và phạt chậm nộp. Không chỉ lùi thời hạn, nếu quy định này không được sửa trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lách luật. Họ có thể "chỉnh" doanh thu của quý 4 sang doanh thu của quý 1 năm sau hoặc tiêu cực hơn là sẽ làm mọi cách để doanh thu quý 4 "bình bình" như các quý trước.
Nghị định 126 cũng thay đổi cách tính thuế khoán thuế GTGT từ 3% lên thành 10% trên doanh thu từng cuốc xe. Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng tài xế xe ôm công nghệ không phải nộp phần thuế tăng thêm này nữa do đã có đơn vị kinh doanh vận tải nộp. Nhưng rõ ràng doanh nghiệp chỉ còn hai lựa chọn: hoặc tăng chiết khấu của tài xế hoặc tăng giá. Khả năng giảm lợi nhuận là rất thấp. Thuế GTGT về bản chất là thuế gián thu, cuối cùng "trăm dâu đổ đầu tằm", thành ra người dân phải chịu phần thuế tăng lên này.
Ông Nguyễn Hoàng Hải
Khoan thư sức dân
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trả lời do ngân sách khó khăn nên phải điều chỉnh như vừa qua. Tuy nhiên, lúc khó khăn cần khoan thư sức dân, chứ không phải khoan thẳng vào sức dân với những quy định làm khó như dư luận nhiều ngày qua nêu.
Nếu thu triệt để, như quy định 3 quý phải nộp 75% thuế TNDN, sẽ làm triệt tiêu động lực phấn đấu của các doanh nghiệp, mà người nộp thuế không tăng doanh thu thì cơ quan thuế cũng khó thu được. Điều này đi ngược với nguyên tắc cơ bản là nuôi dưỡng nguồn thu.
Cùng ngày ban hành nghị định 126, Chính phủ cũng ban hành nghị định 125/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong việc kê khai, nộp thuế và hóa đơn. So với nghị định 129/2013 thì mức phạt tăng rất mạnh, từ 2-4 lần. Chế tài để tăng tuân thủ nhưng khắt khe tới mức quá sức chịu đựng của doanh nghiệp có thể sẽ gây tác dụng ngược.
Bên cạnh đó, nghị định 132 ngày 5-11-2020 về giao dịch liên kết, chi phí lãi vay được trừ trước khi tính thuế TNDN được nâng từ 25% lên không quá 30% tổng lợi nhuận thuần. Tuy nhiên, nếu quy định không rõ về một số trường hợp mà cơ quan thuế xem đó là có giao dịch liên kết còn doanh nghiệp hiểu theo cách ngược lại, thì thời gian tới nhiều doanh nghiệp sẽ từ lỗ thành có lãi hoặc từ lãi ít thành lãi nhiều. Họ sẽ bị loại oan phần chi phí lãi vay và sẽ bị xử phạt nặng theo quy định mới do kê khai sai, chậm nộp thuế TNDN.
Doanh nghiệp vẫn còn bàng hoàng bởi đại dịch, chưa kịp đứng dậy nên rất cần các chính sách hỗ trợ vượt khó khăn. Việc ban hành các chính sách cần có nghiên cứu điều kiện áp dụng, bối cảnh xã hội, cần chủ động lắng nghe nhóm bị điều chỉnh. Chính sách thuế phải cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ chứ không phải là đối phó, đó mới là chính sách được lòng dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận