26/02/2020 10:08 GMT+7

'Dũng khí' thiếu niên

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò…", sự nghịch ngợm, hài hước của học sinh tạo ra sức hút riêng của Thiếu niên nói 2020. Nhưng bên cạnh đó, chương trình vẫn có những cảm xúc rất sâu lắng đến từ câu chuyện mà các em chia sẻ.

Dũng khí thiếu niên - Ảnh 1.

Em Quyền Minh bật khóc khi chia sẻ câu chuyện của mình trong tập 2 chương trình Thiếu niên nói 2020 - Ảnh: BTC

"Chương trình hay và cảm động", "Tôi đã khóc...", "Tập hôm nay có câu chuyện rất hài hước, có câu chuyện làm mình phải tự suy nghĩ về bản thân và gia đình, thực sự rất xúc động"... Đó là những ý kiến khán giả chia sẻ trên YouTube khi xem ba tập của Thiếu niên nói 2020 (phát sóng 21h chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3).

Những câu chuyện gây bất ngờ

Trên màn ảnh nhỏ, nhiều phụ huynh cười xòa, bày tỏ sự bất ngờ khi đón nhận những ý kiến của các em. Cậu bé "ghét ăn giá" Trọng Nhân dõng dạc hỏi cha: "Con chỉ muốn hỏi ba một điều thôi, tại sao ba ép con ăn giá hoài vậy? Cứ mỗi lần đi ăn tiệc nhà ngoại nấu giá thì ba cứ ép con ăn, ba nói là con phải tuân theo truyền thống gia đình, nhưng con thật sự cực kỳ ghét món giá, mỗi lần nhìn thấy hay ngửi con cũng muốn xỉu rồi...".

Hơi bối rối, cha Trọng Nhân giải thích với con trai: "Ba xin lỗi, vì con tham gia ca đoàn nên hát từ năm 7 tuổi, mỗi lần con ăn vào thì giọng thanh và đỡ ồ như vịt đực, giá cũng là chất xơ rất tốt. Con đã 60kg, con ăn nhiều chất đạm, mai mốt lăn còn nhanh hơn đi, vì vậy không chỉ giá mà các món ăn có chất xơ ba đều ép con ăn hết, con thông cảm cho ba nha". Lời bộc bạch của Trọng Nhân và câu trả lời hài hước của cha em khiến các học sinh bật cười.

Trong tập 2, mẹ Gia Bửu (lớp 7) khá ngạc nhiên khi nghe con đề nghị mẹ cho mình làm kênh YouTube để thỏa đam mê. Thế nhưng mẹ em cương quyết không đồng ý vì muốn em chỉ tập trung việc học. Cuộc tranh cãi có lẽ còn dài nếu khách mời Gil Lê không góp ý: "Em còn quá nhỏ, đừng để đam mê làm ảnh hưởng đến việc học...".

Cũng trong tập 2, cả sân Trường Hồng Bàng (quận 5, TP.HCM) lặng đi trước lời chia sẻ của bạn Quyền Minh (lớp 7). Năm lớp 6, trong một lần cãi vã, Minh lớn tiếng và đập bàn trước mặt cha khiến cha rất buồn. Hôm sau cha ra đi mãi mãi khiến cô bé chưa kịp gửi đến lời xin lỗi. 

Em bật khóc nức nở: "Sau tất cả, điều mình hối hận nhất và ganh tị nhất với các bạn là các bạn còn bố, còn mình thì mất bố... Mình muốn nói rằng những ai còn cha, còn mẹ một cách toàn vẹn nhất thì mong rằng mọi người biết giữ gìn những giây phút tốt đẹp nhất...".

Bức tranh chân thật về giới trẻ

Thiếu niên nói 2020 là chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ TBS của Nhật Bản. Đạo cụ luôn xuất hiện trong chương trình là "bục dũng khí". 

Trong 3 tập đầu, gần 30 bạn nhỏ đã đứng trên "bục dũng khí" ấy, bộc bạch cảm xúc từng được giấu kín trước bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Đó là chuyện cha mẹ đối xử không công bằng trong gia đình: thương chị hai hơn, từ khi có em trai thì bị ra rìa, áp lực vị trí thủ khoa, lớp trưởng. Những suy nghĩ về tình bạn cũng được các em chia sẻ...

Bức tranh đa màu về tình yêu thương, những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy cô và học trò, giữa bạn bè... được vẽ nên một cách chân thật, gần gũi từ câu chuyện do chính người trong cuộc kể. Đó chính là nét khác biệt của Thiếu niên nói 2020.

Đã tham gia một số chương trình về giới trẻ như Con nhà người ta, Lăng kính của con, Cơm ấm nhà mình, tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An cho rằng: "Việc các em đứng trước mọi người chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của mình là "dũng khí" không hề nhỏ. Nhất là khi những ý kiến ấy đề cập đến những vấn đề chung của tuổi thiếu niên. Thiếu niên xem chương trình và đồng cảm, các phụ huynh xem cũng có dịp nghĩ lại về mối quan hệ với con mình".

Thiếu chuyên gia tâm lý

15 tập quay ở các trường tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận, quá trình quay hình cho mùa đầu tiên vẫn chưa kết thúc. Sau ba tập phát sóng, chương trình bắt đầu cho thấy một số đề tài bị trùng lắp và cả tình tiết câu chuyện khá sơ sài.

Để "tiếp lửa" thêm cho Thiếu niên nói 2020, TS Hòa An góp ý: "Các tình huống đưa ra cần nóng, sốt, thời sự và có đề xuất giải pháp hữu hiệu, không chỉ dừng lại ở việc khơi ra tình huống. Tôi thấy chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ, nhưng lại thiếu vắng những người có chuyên môn về tâm lý, giáo dục. Những chia sẻ của các chuyên gia sẽ làm chương trình đầy đặn và hay hơn".

Thanh thiếu niên càng ngồi nhiều càng có nguy cơ cao mắc trầm cảm Thanh thiếu niên càng ngồi nhiều càng có nguy cơ cao mắc trầm cảm

Những trẻ vị thành niên lười vận động và ngồi nhiều ở độ tuổi 12, 14 và 16 luôn có điểm số nguy cơ trầm cảm khi 18 tuổi cao hơn 28,2% so với những trẻ khác.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên