17/11/2021 09:18 GMT+7

Đừng dung dưỡng cho thói quen đi đứng tùy tiện trên đường

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - Bạn quen kiểu hai xe va quẹt nhau thì lỗi thường được quy cho xe lớn, người đi bộ phải được nhường đường? Rồi sẽ có lúc bạn ngồi trên "xe lớn" và toát mồ hôi, ớn lạnh với các kiểu đi bộ và đi xe đạp bất chấp luật lệ!

Đừng dung dưỡng cho thói quen đi đứng tùy tiện trên đường - Ảnh 1.

Thay vì đi trên cầu bộ hành, người ta lại băng ngang sang đường trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vào chiều 16-11 - Ảnh: HOÀNG AN

Bạn có từng nổi giận khi gặp một người đi bộ băng ngang đường ngay dưới chân cầu bộ hành hay bất chợt băng qua đường dành cho xe lớn, trèo qua dải phân cách? Bạn có thấy chướng khi thấy ai đó đi xe đạp ở làn dành cho ôtô? 

Chuyện này ngày nào cũng thấy, ở quê đất rộng xe thưa có thể không sao nhưng ở đô thị đây là những mầm tai họa trên đường.

Hồi mới vào TP.HCM, khi đi xe đạp, tôi thường chạy xe nép sát lề để tránh xe lớn. Người lớn vẫn dặn: nếu kẹt xe quá thì nhấc xe lên vỉa hè. Đường phố ngày càng đông, không ai bảo ai mà xe hai bánh càn lên vỉa hè, không phải để "lánh nạn" mà chen lấn nhau đi cho nhanh hơn. Ai cũng quên rằng mình đang vi phạm Luật giao thông. 

Ở các thành phố lớn, không ít người đạp xe ngoại nhập, có giá trị ngang ngửa chiếc xe máy, lao vun vút trên đại lộ và không ngại lấn làn. Cũng có không ít người lao động cần mẫn cặm cụi gò lưng trên chiếc xe đạp rệu rã, phần lớn chở theo đồ ve chai cồng kềnh dễ va quẹt. Cũng có cả xe đẩy, hàng rong chiếm chỗ trên cầu, lấn đường, chiếm hẻm.

Không ít vụ tai nạn mà người đi xe đạp hay đi bộ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Cái thói quen muốn quẹo là quẹo, đi tắt cho nhanh, leo lề cho lẹ, mặc kệ người khác đã đẩy chính mình muốn đi sao thì đi ấy dường như đã ăn vào vô thức của người Việt mặc cho họ dùng hình thức nào để tham gia giao thông. Người thích đi tắt cho nhanh, thích tiện cho mình bất chấp luật lệ đã tự đẩy mình vào tình thế hiểm nguy và kéo cả người khác vào.

Bao nhiêu cây cầu vượt ở những đại lộ, xa lộ, trước cổng các bệnh viện... thường vắng hoe, thậm chí bị bỏ hoang là vì sao? Thay vì bước lên cầu thang cầu bộ hành để qua đường an toàn (nơi có cầu), bao người tiếc vài mươi bước chân và chọn kiểu băng ngang giữa dòng xe đông đúc? 

Bao nhiêu người đi bộ chẳng thèm đi thêm mươi bước để sang đường đúng vạch mà vội vã qua đường, chả chịu đợi vài chục giây chờ đèn tín hiệu? Khi đó, người đi bộ gây phiền phức và nguy hiểm cho đám đông.

Có lẽ chẳng có mấy trường hợp người đi bộ hay điều khiển xe đạp bị xử phạt nên người ta vẫn đi theo ý thích và thói quen. Bất chấp luật lệ làm liều còn có những người đi xe đạp khi cứ thế lao qua đường hầm hay lấn làn của các phương tiện khác. 

Người đi bộ, đi xe đạp không có thói quen đi đúng bảng chỉ dẫn, tín hiệu giao thông, đi đường cứ thế lao về hướng trước mặt chứ chẳng thèm nhìn xem có cảnh báo nào nằm ở góc ngã ba, ngã tư không. Một vụ việc người đi bộ hoặc đi xe đạp bị phạt có thể sẽ gây bức xúc khi số đông vẫn nghĩ lỗi do xe lớn... Nhưng theo tôi cần phạt nhiều hơn. Ai cũng phải chấp hành Luật giao thông khi ra đường vì sự an toàn và mạng sống của bản thân và người khác.

Cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là ở ta, nhất là các thành phố lớn, ít khu vực có làn đường dành cho xe đạp, vỉa hè cho người đi bộ vẫn thường bị xâm chiếm gần hết. Ở những nước bạn, người đi bộ không được đi vào làn cho xe đạp chạy, ai vi phạm đều bị xử phạt từ nguội tới nóng. 

Hầu hết cư dân ở đó họ không có dĩ hòa vi quý, ai mà cản đường hoặc làm sai là họ phản ứng bằng tiếng còi nhắc nhau để những người chưa thông thuộc luật lệ hoặc kẻ cố tình phá luật phải giật mình chấn chỉnh.

Cần một quy hoạch tổng quan từ cơ sở hạ tầng cho tới nâng cao, đó là điều ai cũng nói cũng đòi hỏi. Nhưng tự xây dựng ý thức cho mình, cho người thân bằng cách nêu gương làm đúng thì chưa thấy quyết tâm làm. 

Như kiểu nói không có đường cho người đi bộ nhưng khi có cầu bộ hành mấy ai bước chân lên đi! Bao nhiêu vạch sơn trắng ngã tư thành vô nghĩa khi người đi bộ không thích băng qua đường đúng vạch. Chuyện này, bao người lớn quê mặt khi bị trẻ con nhắc nhở?

Dù biết sẽ còn phải điều chỉnh nhiều thứ nhưng hãy thôi nghĩ xe lớn hơn bao giờ cũng có lỗi trong những vụ va chạm, đừng có đòi ưu tiên vì tôi đi xe đạp hay đi bộ. Ưu tiên sẽ có trong một trật tự giao thông mới mà ở đó ai cũng đi đúng luật. 

Đừng dung dưỡng cho thói quen đi đứng tùy tiện trên đường. Đi bộ hay đi xe, ai sai cũng cần bị phạt, cần tuân thủ Luật giao thông bình đẳng như nhau để có được sự an toàn chung cho cả một cộng đồng, một xã hội.

Ra đường nhường nhịn, giao thông thông thoáng Ra đường nhường nhịn, giao thông thông thoáng

TTO - Với góc độ người tham gia giao thông, mỗi ngày trực tiếp đi trên đường, người dân hiểu rõ nhất những vấn nạn, khó khăn, bất cập. Chúng tôi trích dẫn ý kiến một số người dân về cách ứng xử để tham gia giao thông văn minh, an toàn.

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên