15/07/2012 04:30 GMT+7

Đừng đùa với an toàn hàng không

DUONG HOANG NGUYEN
DUONG HOANG NGUYEN

TT - Đã có tranh luận trong 92 ý kiến phản hồi câu chuyện “Đùa có bom, cô gái trẻ lãnh án tù” (Tuổi Trẻ ngày 24-7) với một luồng cho rằng xử lý quá nặng với một lời nói đùa, trong khi nhiều ý kiến khác nói phải xử nghiêm cách đùa không đúng chỗ này.

Nói đùa có bom, lãnh 15 tháng tù treoLại nói đùa “có bom trên máy bay”

LVUjlgo8.jpgPhóng to

Không linh hoạt

Tôi nghĩ các tiếp viên, tiếp viên trưởng, cơ trưởng đều đã không xử lý linh hoạt. Cô gái đã khẳng định đi khẳng định lại là chỉ nói đùa, thế mà một việc đơn giản là kiểm tra ngay tại chỗ hành lý của cô gái lại không làm, lại làm lớn chuyện lên để gây ra nhiều thiệt hại như vậy.

Phạt nặng quá!

Nội dung câu nói của cô gái này không ám chỉ có mang bom trong hành lý. Đây chỉ là câu nói đùa mang tính ví von thôi. Cô ấy cũng đã nhiều lần khẳng định là nói cho vui thôi. Đội ngũ tiếp viên hành xử có vẻ cực đoan quá. Chỉ là câu nói đùa mà họ đã làm lớn chuyện bằng việc đi báo với cơ trưởng, dẫn đến chuyện cô gái bị kết tội.

Nên phạt nhẹ để răn đe

Chuyện nhỏ thôi nhưng vì cách ứng xử thiếu khả năng chuyên môn của phi hành đoàn đã làm thành chuyện khủng khiếp. Cô gái nói “nếu như...” có nghĩa là không có gì; muốn kiểm chứng đâu có khó khăn gì mà phải làm cho lớn chuyện! Cô hành khách này đùa giỡn vô ý thức như vậy cũng phải phạt để răn đe. Tuy nhiên, chỉ phạt một vài triệu đồng là đủ để cô nhớ đời rồi. Còn bắt bồi thường cả 100 triệu đồng vì làm lỡ chuyến bay là quá nặng.

Tổ bay làm đúng

Xin chia sẻ với Tuyền, là nhân viên với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng thì mức tiền bồi thường 100 triệu đồng là vấn đề lớn. Nhưng tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng xử vụ này thiếu khách quan. Đành rằng đó là lời nói đùa của một cô gái nông nổi nhưng với trách nhiệm của nhân viên trên chuyến bay thì không thể dửng dưng trước tính mạng của 171 hành khách và cả đội bay. Tuyền cũng đã được nhân viên chuyến bay nhắc nhở cất hành lý đúng quy định nhưng Tuyền đã không thực hiện đúng trách nhiệm của một hành khách đi trong chuyến bay, mà nói đùa như một vụ khủng bố. Tội phạm ngày càng tinh vi thì không thể lơ là trước một nguy cơ nào cả, đặc biệt là dịch vụ hàng không với tỉ lệ thiệt hại về tính mạng con người là 100% nếu xảy ra sự cố.

Cái giá của sự không nghiêm túc

Khả năng xảy ra tai nạn máy bay là cực kỳ thấp nhưng tại sao mọi người lo sợ khi đi máy bay? Do mỗi lần có tai nạn thì hậu quả vô cùng khủng khiếp, và ở cái thời điểm mà máy bay có thể bị bắt cóc hay bị khủng bố thì việc cẩn thận và loại bỏ mọi yếu tố nguy hiểm dù nhỏ nhất là không thừa. Trong vụ việc này, làm sao kiểm tra tại chỗ? Ai là người dám mở một cái túi tình nghi có chất nổ? Và nếu người nhân viên ấy bỏ qua chuyện đùa đó và xảy ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? Dừng chuyến bay có thể gây thiệt hại, có thể làm chậm trễ thời gian của nhiều người nhưng đó là cái giá của sự an toàn. Còn hậu quả mà cô gái phải nhận là cái giá của sự không nghiêm túc và không am hiểu Luật hàng không.

Thông điệp cảnh báo

Theo luật hàng không trên thế giới thì một câu nói đùa thôi người ta cũng dừng chuyến bay và kiểm tra lại, huống gì hỏi đi hỏi lại cô này vẫn nói vậy, phải kiểm tra toàn bộ là đúng. Đó là một hành động cẩn thận và có trách nhiệm của đoàn bay, đồng thời gửi một thông điệp đến bất cứ người nào có hành vi gây nguy hiểm cho máy bay về sau này hãy từ bỏ cách đùa đó.

Cần xử nghiêm

Có câu uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, cần phải học thói quen suy nghĩ trước khi nói để tránh gây hậu quả cho mình và người khác. Tiếp viên VNA làm vậy là đúng rồi, chứ lỡ trong túi đó có bom và khi mở túi ra bom phát nổ thì sao? Lúc đó lại nói là nhân viên vô trách nhiệm, nghiệp vụ kém chăng? Cứ xử lý nghiêm mấy vụ nói đùa này. An ninh hàng không chứ đâu phải chuyện đùa mà cứ dọa hoài. Nếu bạn ngồi trên máy bay mà có người nói đùa có bom thì bạn nghĩ sao?

Tôi tên “Bom” thì sao?

Ông Lại Xuân Thanh, phó cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết hành xử của tiếp viên và tổ bay trên chuyến bay này đã tuân thủ theo các quy định rất chặt chẽ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về an toàn, an ninh hàng không.

Theo đó, các thông tin được cung cấp không kể từ nguồn nào, hình thức nào (nói đùa, tin nhắn, điện thoại báo...) nhưng có ẩn chứa thông tin nguy hiểm, uy hiếp an toàn an ninh hàng không đều phải hành xử theo quy định của pháp luật (Luật hàng không, nghị định 60/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng). Vì vậy, quyết định xử lý của tổ bay không thể căn cứ vào việc hành khách thừa nhận là nói đùa, vì điều này cũng có khác gì tổ bay nghĩ là nói đùa. Trong mọi tình huống uy hiếp an ninh hàng không tổ bay, tiếp viên đều phải hành xử như vậy, họ không được phép làm khác.

Theo ông Lê Trường Giang - người phát ngôn Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), khi hành khách dùng từ “bom trong hành lý” hoặc tung tin sai về việc có bom, vật liệu nổ, chất nổ... có thể gây uy hiếp an toàn của máy bay, nhà ga, người trên mặt đất, thiết bị hàng không... mới bị các quy định của luật pháp chế tài.

Cũng đã có câu hỏi hành khách mang những tên như Nguyễn Văn Bom, Lê Thị Bom... nói tên mình khi làm thủ tục lên máy bay hay người nhà gọi tên của các hành khách này lúc làm thủ tục hay trên máy bay thì vẫn bình thường. Khách là trẻ em nói “con muốn ăn bom (táo)” hay cha mẹ gọi nickname “bom” của con cũng không bị các quy định này chế tài.

__________

An ninh hàng không thế giới đang ngày càng thắt chặt vì nguy cơ khủng bố. Bởi vậy, một lời nói đùa không đúng chỗ của hành khách đi máy bay có thể gây ra thiệt hại lớn.

rzA3prgo.jpgPhóng to
Grace Guajardo và bạn trai sau một phiên tòa xét xử Grace - Ảnh: Daily Mail

Trên thế giới, chuyện đùa có bom không phải là quá hiếm, và tất cả những câu chuyện như vậy đều được truyền thông đăng tải chi tiết để nâng cao ý thức của người dân.

Tất cả diễn biến sau lời nói đùa đó đều giống nhau: người nói đùa bị bắt, toàn bộ hành khách được sơ tán, an ninh và chó nghiệp vụ được huy động lên máy bay để lục soát tìm chất nổ, án tù và án phạt dành cho người nói đùa, và sự hối hận muộn màng của họ.

Theo trang web MSNBC, năm 2011 tại sân bay Rochester (New York, Mỹ), nhà chức trách đã bắt giữ Francesco Pagano từ Cantina (Sicily, Ý), khi anh chàng 32 tuổi này đang mua vé, tự dưng lại hứng chí nói trong túi hành lý của mình có bom. Dù anh ta đã giải thích đây chỉ là lời nói đùa, hành lý của Francesco bị đưa vào máy chiếu để soi, chó nghiệp vụ được đưa đến và tất nhiên Pagano phải ra tòa.

Với trường hợp của Jackson Brown 39 tuổi, một người vô gia cư ở Úc thì khác. Cũng trong năm 2011, ông tiết kiệm được ít tiền mua một vé máy bay lần đầu tiên trong đời để bay từ Adelaide tới Perth thăm quê trên chuyến bay của Hãng Virgin Blue. Khi tiếp viên đề nghị ông cất chiếc túi mình đang ôm vào khoang hành lý, ông nói: “Cứ để đấy, có vũ khí và bom trong đó”. Dù bào chữa rằng cuộc sống vất vả nên ông hơi phấn khích khi sắp về quê, luật sư của ông cũng phải thừa nhận là “Việc đùa có bom trên máy bay là điều không nên nói trong tình hình an ninh thế giới hiện nay”. Ông bị phạt 3.250 AUD và phải trả toàn bộ chi phí xét xử tòa án.

Ngoài những lời nói đùa, có nhiều người lại dọa máy bay có bom để phục vụ mục đích riêng của mình một cách ích kỷ. Tháng 2-2011, một người phụ nữ ở Chile tên Grace Guajardo đã gọi điện cho nhà chức trách thông báo có bom trên máy bay để bạn trai và là cha của ba đứa con của cô không lên chuyến bay Ibreria đến Madrid.

Theo MSNBC, họ đã sống với nhau tám năm và ly thân vài tháng. Vì không thể giữ bạn trai ở lại, cô đã làm điều sai trái trong cơn tuyệt vọng. Dù cô được sự thông cảm của bạn trai và lý giải “chỉ vì yêu đó mà”, 312 hành khách thật khó thông cảm cho cô được. Án chờ cô sau đó là 61 ngày tù giam. MSNBC đã khảo sát ý bạn đọc xem hành động dọa có bom đó là vì “yêu” hay vì “điên”, đa số người trả lời đều nói là “vì điên”.

Với mạng xã hội đang ngày càng lan rộng như hiện nay, người dùng cũng phải cẩn thận khi nói những gì liên quan tới an ninh hàng không. Chỉ vì câu nói đùa trên mạng xã hội Twitter là sẽ cho nổ tung bầu trời nếu chuyến bay không cất cánh đúng giờ, Paul Chambers (26 tuổi) bị bắt vào ngày 6-1-2010 theo Luật chống khủng bố Mỹ và bị cấm cả đời không được vào sân bay Doncaster. Trong khi bạn bè anh ta có vẻ khoái chí trước câu đùa này, thì anh Paul đã sững người khi thấy cảnh sát xuất hiện trước cửa và giơ ra tờ giấy in từ tài khoản Twitter của anh.

DUONG HOANG NGUYEN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên