Thiếu kinh nghiệm hay thiếu trách nhiệm?Lỗi của chủ đầu tư và tổng thầuLàm rõ trách nhiệm vụ đội vốn 339 triệu USD
Phóng to |
Dự án nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) bị đội vốn thêm 4.318 tỉ đồng - Ảnh: T.B.Dũng |
Nhà thầu thường có xu hướng đưa giá thấp để trúng thầu nhưng sau đó đòi tăng vốn, với số vốn tăng thêm ít thì vài trăm tỉ đồng, nhiều cũng lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Nhà nhà xin tăng vốn...
Nhà thầu phải bồi thường 2 triệu USD do dự án chậm tiến độ Một lãnh đạo ban quản lý dự án ngành năng lượng cho biết đã có trường hợp nhà thầu Trung Quốc phải đền tiền vì chậm tiến độ, đó là dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng), do Tập đoàn Hóa chất làm chủ đầu tư và nhà thầu là Tập đoàn Xây dựng hóa chất quốc gia Trung Quốc. Theo kết luận của cơ quan thanh tra, dự án này bị chậm tiến độ 766 ngày đối với gói thầu EPC và chất lượng sản phẩm không đạt thiết kế, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu bồi thường 6 triệu USD. Tuy nhiên, nhà thầu chỉ chấp nhận chậm tiến độ 29,5 ngày và bồi thường khoảng 2 triệu USD. |
Dự án thuộc diện nổi tiếng và vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện đã được tăng vốn gần đây là hai dự án bôxit do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) làm chủ đầu tư, đều do tổng thầu Trung Quốc là Chalieco thực hiện. Dù đã phải tính toán và điều chỉnh số liệu nhiều lần trước khi được phê duyệt, nhưng trong quá trình triển khai các dự án, tổng mức đầu tư của dự án cũng phải điều chỉnh tăng lên. Cụ thể tháng 9-2009, tổng mức đầu tư dự án alumin Tân Rai được phê duyệt là khoảng 11.000 tỉ đồng thì đến tháng 10-2013, TKV đã phải ký phê duyệt tổng mức đầu tư dự án lên 15.400 tỉ đồng, tăng khoảng 4.000 tỉ đồng (trên 30%).
Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2-2014, nguyên nhân khiến dự án alumin Tân Rai phải tăng đầu tư là do điều chỉnh tỉ giá, bổ sung hạng mục đường nối vào nhà máy alumin, bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy, bổ sung bãi thải tro xỉ, bổ sung nhà kho tạm... Ngoài ra, còn có hàng loạt lý do đã trở nên “phổ biến” như tăng chi phí giải phóng mặt bằng, tăng chi phí quản lý dự án, tăng chi phí xây dựng...
Tương tự, tháng 2-2014, TKV cũng đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án alumin Nhân Cơ lên trên 16.800 tỉ đồng, tăng 4.318 tỉ đồng so với giá trị đã phê duyệt tháng 2-2010. Ngoài các lý do phải tăng vốn giống như dự án Tân Rai, TKV thừa nhận dự án này chậm tiến độ là do năng lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư, nhà thầu lần đầu tiên thi công tại VN, rồi cả chủ đầu tư và nhà thầu chưa lường trước hết những khó khăn phát sinh như dư luận xã hội, đảm bảo môi trường, hạ tầng cơ sở...
Trước đó, một dự án cũng tăng vốn đầu tư rồi không trả được nợ, Bộ Tài chính phải trích quỹ trả nợ thay, đó là Nhà máy ximăng Đồng Bành (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) do liên danh nhà thầu thực hiện, đứng đầu là Sinoma (Trung Quốc). Dự án có công suất 2.500 tấn clinker/ngày (tương đương 910.000 tấn ximăng/năm), được khởi công từ tháng 10-2006 với tổng mức đầu tư 1.298 tỉ đồng, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2008. Tuy nhiên đến tháng 9-2010, sản phẩm ximăng thương hiệu Đồng Bành đầu tiên mới ra lò và tổng mức đầu tư của dự án cũng tăng khoảng 16%, lên khoảng 1.500 tỉ đồng.
Có thể phạt chậm tiến độ nếu hợp đồng chặt chẽ
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại nhiều dự án do các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu, sau khi chậm tiến độ 1-2 năm, nhà thầu đều đề nghị tăng vốn và thường sẽ được chấp thuận bổ sung. Theo giải thích của một lãnh đạo ban quản lý dự án ngành năng lượng, với các nhà máy đang đầu tư, nếu nhà thầu bỏ dở và tiếp tục chậm tiến độ, thiệt hại sẽ còn lớn hơn. Nhà thầu Trung Quốc biết như vậy nên họ luôn tăng sức ép và “luôn nắm đằng chuôi”. Tuy nhiên, vị này khẳng định nếu chủ đầu tư thật sự nghiêm túc, làm hợp đồng chắc chắn thì hoàn toàn có thể loại trừ được khả năng bị đội vốn. Ngay cả khi tiến độ bị kéo dài cũng có thể phạt được nhà thầu, giảm thiệt hại cho đất nước.
Ông Dương Văn Cận, tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu VN, cho rằng nếu vốn đầu tư tại các dự án cứ bị đội lên “thì con cháu chúng ta sẽ phải chịu”, và nhà thầu được hưởng là chính. Theo ông Cận, việc chủ đầu tư dự án bôxit Tân Rai phải phê duyệt tăng tổng mức đầu tư để bổ sung các hạng mục như đường nối vào nhà máy, bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy, bổ sung bãi thải tro xỉ... chứng tỏ khâu thiết kế có vấn đề. “Đáng lẽ khâu thiết kế phải lường trước, những hạng mục đó phải đưa vào ngay từ đầu. Đến khi nhà máy làm gần xong rồi nói phát sinh, chứng tỏ thiết kếsai sót” - ông Cận nói.
Theo ông Cận, việc tăng tổng vốn đầu tư phải theo quy trình rất chặt chẽ, được quy định khá cụ thể tại nghị định 48/2010 về hợp đồng xây dựng và Luật đấu thầu, nhưng “vấn đề lại phụ thuộc con người”. Và cũng không loại trừ khả năng có nhiều dự án nhà thầu cố tình bỏ giá thấp, sau đó tìm cách tăng tổng mức đầu tư. Để hạn chế tình trạng đòi tăng vốn, ông Cận đề nghị tránh cách làm khép kín trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. “Cần huy động các tổ chức xã hội có chuyên môn như các hiệp hội tham gia thẩm định, từ thiết kế, đấu thầu, hợp đồng đến tổng mức đầu tư... để đảm bảo khách quan” - ông Cận nói.
Một lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng VN cũng thừa nhận tại các dự án ngành năng lượng, nếu nhà thầu Trung Quốc thực hiện thì đều tăng vốn, dù mức tăng không “kinh khủng” như ngành giao thông. Từng phụ trách đầu tư xây dựng nhiều nhà máy, vị này cho biết trước đây khâu khảo sát, lập dự toán làm kỹ thì ít khi có dự án bị đội vốn. “Như đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, dự toán 3.500 tỉ đồng, thực tế làm chỉ hết 2.800 tỉ đồng”. “Với các dự án tăng vốn lớn phải kiểm điểm, cần thiết thì xử lý những người có trách nhiệm chứ không thể để tình trạng dự toán một đằng, sau đó lại phải đi vay thêm để bổ sung vốn” - vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận