24/04/2014 10:22 GMT+7

Thiếu kinh nghiệm hay thiếu trách nhiệm?

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ về chuyện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn thêm 339 triệu USD, ông Lê Văn Thịnh - nguyên trưởng phòng giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho rằng về nguyên tắc, nhà thầu EPC phải chịu rủi ro về chi phí vốn phát sinh.

Vì sao đội vốn hơn 339 triệu USD?Làm rõ trách nhiệm vụ đội vốn 339 triệu USDLỗi của chủ đầu tư và tổng thầu

TRfiXiTy.jpg
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị đội vốn thêm 339 triệu USD - Ảnh: Nguyễn Khánh
KareIYeq.jpg
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang trong quá trình thi công - Ảnh: Ng.Khánh

Ông Thịnh nói: “Với dự án này có thể nói năng lực của nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) có vấn đề. Bởi vì về nguyên tắc, khi thẩm định và phê duyệt FS phải thẩm định và phê duyệt hai vấn đề quan trọng là dự án có cần thiết đầu tư hay không và có hiệu quả không? Có thể nói chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực lập FS, tổ chức thẩm định FS sơ sài và vô trách nhiệm. Chủ đầu tư năng lực kém nên xác định tổng mức đầu tư (TMĐT) kém dẫn đến lựa chọn nhà thầu EPC dựa vào TMĐT không phản ánh đúng thực tế”.

* Theo Bộ GTVT, giá hợp đồng EPC của dự án chỉ là tạm tính?

- Giá hợp đồng EPC tạm tính là do người lập FS không có kinh nghiệm và hệ thống thẩm định của Bộ GTVT không đảm bảo nên không lường được. Với hợp đồng như vậy thì gọi là hợp đồng nguyên tắc chứ không phải là hợp đồng tổng thầu EPC. Hợp đồng tổng thầu có nguyên tắc bất di bất dịch là phải xác định được khối lượng, xác định được chất lượng, tiến độ và TMĐT. Người ta chỉ làm hợp đồng EPC khi đã rõ mọi thứ, không ai có giá tạm tính.

Với hợp đồng EPC thì nhà thầu phải chấp nhận rủi ro với giá ban đầu. Nếu nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thì ngay ban đầu họ sẽ đưa ra giá để thực hiện được toàn bộ dự án.

buNxamH4.jpg
Ông Lê Văn Thịnh - Ảnh: T.Phùng
* Có ý kiến cho rằng TMĐT là số liệu tạm tính, tính chưa chuẩn thì điều chỉnh theo đúng thực tế dự án, miễn là không thất thoát?

- Với VN, TMĐT là con số pháp lệnh, bởi chúng ta quản lý bằng nền kinh tế có kế hoạch. Các nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng từ trước tới nay cũng chỉ cho TMĐT thay đổi trong các trường hợp: thiên tai địch họa, do quy hoạch thay đổi, trong quá trình thực hiện dự án buộc phải thay đổi để dự án có hiệu quả hơn. Những điều Bộ GTVT đưa ra để lý giải việc tăng TMĐT ở dự án này đều không rơi vào một trong các điều kiện nêu trên.

* Bộ GTVT cho rằng dự án bị đội vốn có nguyên nhân từ việc thiếu kinh nghiệm, do đây là dự án lần đầu thực hiện tại VN, thưa ông?

- Nếu không có kinh nghiệm, chủ đầu tư cũng phải biết thuê đơn vị có kinh nghiệm của nước ngoài thực hiện. Hơn nữa, quy định là phải lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm và năng lực để lập thiết kế cơ sở. Trong nhiều dự án, chủ đầu tư phải lựa chọn hai nhà thầu, một ông lập FS, một ông lập thiết kế cơ sở. Nếu có một trong hai nhà thầu có đủ năng lực lập dự án và cả năng lực lập thiết kế thì chọn nhà thầu đó.

* Theo Bộ GTVT, TMĐT dự án được tính theo đơn giá quý 1-2008 nên đã bị đội lên do những biến động giá trong thời gian qua?

- Nhà nước không cho điều chỉnh tổng mức vì biến động giá cả. Cho nên người lập dự án phải hình dung ra những biến động làm dự án trượt giá. Với nghề quản lý dự án, để tránh rủi ro thì phải xác định được trước các biến động, tác động trong quá trình thực hiện dự án. Nếu các chuyên gia của Bộ GTVT mà giỏi thì họ xác định được các chi phí đó bằng dự báo. Nếu người lập dự án từ đầu dự báo được khả năng trượt giá thì không cần phải điều chỉnh. Trừ khi cố tình lập giá thấp để dự án dễ được thông qua.

* Cần những giải pháp gì để giảm điều chỉnh TMĐT phổ biến trong các dự án hiện nay, thưa ông?

- Nguyên tắc cơ bản là tính đúng, tính đủ trong lập dự án. Chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu đủ năng lực để lập dự án đầu tư xây dựng và lập thiết kế cơ sở, có kỹ sư tư vấn định giá để xác định được TMĐT. Việc xác định TMĐT được thực hiện theo nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư chi phí xây dựng, trong đó quan trọng nhất là xác định được chi phí dự phòng cho dự án để tránh được điều chỉnh TMĐT. Chi phí này được quy định rõ tính theo tỉ lệ phần trăm để dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.

* Có nghi ngại dự án sẽ thất thoát vốn khi tăng TMĐT. Theo ông, liệu có trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay để điều chỉnh?

- Về danh chính ngôn thuận thì chưa có gì thất thoát. Nếu bắt tay thì còn hệ thống quản lý, giám sát của Nhà nước. Chủ đầu tư bắt tay nhưng không có quyền quyết định TMĐT. Người thẩm định dự án là các cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư. Nếu kiểm soát tốt thì chủ đầu tư không làm được.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên