23/04/2014 09:21 GMT+7

Lỗi của chủ đầu tư và tổng thầu

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TT - Đó là khẳng định của Bộ Xây dựng trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về góp ý kiến cho việc điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Vì sao đội vốn hơn 339 triệu USD?Làm rõ trách nhiệm vụ đội vốn 339 triệu USDKhởi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

UHssj9yA.jpgPhóng to
Chậm tiến độ, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn thêm 339 triệu USD - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng “việc lập tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án là do lỗi chủ quan của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, lập dự án và tổng thầu EPC”.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh ký gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị: sau khi được Thủ tướng cho phép điều chỉnh dự án, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu làm rõ các công việc và chi phí đã, đang thực hiện; các công việc và chi phí cần thay đổi, bổ sung, trên cơ sở đó xác định giá trị hợp đồng cần điều chỉnh làm căn cứ điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án...

Chiều 22-4, trong thông cáo về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ngoài những nguyên nhân cụ thể như đã nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ trước đó, Bộ GTVT cho rằng việc điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư của dự án do đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở VN có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp, được bắt đầu nghiên cứu báo cáo khả thi từ đầu năm 2004 nên các đơn vị chủ đầu tư và tư vấn lập dự án (TEDI) chưa có nhiều kinh nghiệm.

Do vậy, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở còn có những nội dung cần phải thay đổi trong quá trình thiết kế kỹ thuật và thi công sau này để phù hợp thực tế.

Đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là 552,86 triệu USD được tính theo mặt bằng giá quý 1-2008, trước thời điểm dự án được phê duyệt (tháng 10-2008).

Từ thời điểm đó đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.

Chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư được duyệt năm 2008 là 17%, tương ứng 69,1 triệu USD. Tuy nhiên, tính toán của chủ đầu tư và TEDI cho thấy giá cả và chế độ chính sách thay đổi nên kinh phí trượt giá cho khối lượng xây lắp phải bổ sung dự tính khoảng 134,1 triệu USD...

Về tiến độ dự án, theo Bộ GTVT, đến nay dự án đã triển khai thi công hoàn thành 286 trụ cầu/421 trụ (đạt 75%); 7 nhà ga/tổng số 12 nhà ga; hoàn thành thi công xử lý đất yếu 5,6ha/23ha trong depot, xây dựng bãi đúc và đúc được 232 phiến dầm, lao lắp được 30 phiến dầm.

Tổng giá trị khối lượng thực hiện là 2.701 tỉ đồng, tương đương 31,08% giá trị dự án. Đã giải ngân 3.400 tỉ đồng, tương đương 39% giá trị dự án.

Đến nay chủ đầu tư và nhà thầu EPC cũng đã hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật dự toán, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng).

Đồng thời tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6-2014, rà soát tiến độ và lập lại tiến độ tổng thể chỉ đạo hoàn thành dự án vào năm 2015 và vận hành khai thác vào năm 2016.

Tuy nhiên, thông cáo của Bộ GTVT không nêu ra những tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc chất lượng thiết kế cơ sở của dự án hạn chế phải dẫn đến điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án như chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trước đó.

Sẽ bịt dần những sơ hở...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Tăng, cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết hợp đồng EPC (nhà thầu đảm nhận từ tư vấn đến mua sắm, xây lắp) dù là hình thức trọn gói, chìa khóa trao tay nhưng hiện nay cũng không bắt buộc phải khống chế ngay từ đầu tổng vốn đầu tư là bao nhiêu. Tùy trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu có thể quy định với nhau trong hợp đồng sẽ có “giá cứng” cho toàn bộ công trình (tức không được điều chỉnh tổng mức đầu tư) hay sẽ cho phép điều chỉnh. Nếu đã quy định “giá cứng” mà sau này chủ đầu tư vẫn cho phép tăng tổng mức đầu tư, theo ông Tăng, là sai quy định.

Trả lời câu hỏi tại sao không áp quy định “giá cứng” để hạn chế việc nhiều chủ đầu tư đề nghị tăng vốn với số tiền rất lớn, ông Tăng cho rằng hợp đồng nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Nếu quy định “giá cứng”, thường nhà thầu sẽ phải tính rủi ro và dự phòng rất cao, đẩy tổng giá lên cao. Còn nếu hợp đồng “mở” thì giá sẽ thấp hơn nhưng sẽ phải kiểm soát rất chặt.

Dù là hình thức hợp đồng nào, theo ông Tăng, để tránh lãng phí phải nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư. Giải đáp về việc nhiều nhà thầu khi đấu thầu thì đưa giá rất rẻ để trúng, sau đó tìm mọi cách, như kéo chậm tiến độ để xin tăng tổng mức đầu tư, ông Tăng cho rằng hiện nay các quy định của Luật đấu thầu, Luật xây dựng... còn sơ hở. Ông Tăng khẳng định Luật đấu thầu mới (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây) sẽ quy định chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, luật mới sẽ không cho phép tăng đầu tư vượt quá tổng mức đầu tư.

Trả lời câu hỏi liệu có khả năng chủ đầu tư câu kết với tư vấn nâng khống lên, ông Lê Văn Tăng cho biết sắp tới sẽ có quy định yêu cầu phải có cơ quan thẩm định xem tổng mức đầu tư có hợp lý, có cần thiết như thế không. Nếu cần sẽ thuê tư vấn nước ngoài để làm điều này. Tuy nhiên theo ông Tăng, ngoài Luật đấu thầu, các luật khác như Luật xây dựng, Luật đầu tư công tới đây được ban hành với các quy định chặt chẽ hơn sẽ hạn chế được tình trạng tăng mức đầu tư nhiều như vừa qua và hạn chế tiêu cực.

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên