Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ảnh: Cổng TTQH |
Phát biểu về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 11-11, bà Hoa cho rằng mặc dù thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm bồi thường rất tích cực, nhưng một số vụ việc bồi thường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho người bị thiệt hại do có sự bất cập của pháp luật.
Vụ án hàng chục năm, lấy đâu đủ chứng từ?
“Một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc bồi thường là xác định các thiệt hại. Có trường hợp người bị oan đề nghị được bồi thường thiệt hại nhưng vụ án đã xảy ra từ rất lâu, người bị thiệt hại và gia đình rất khó giữ đầy đủ các giấy tờ chứng minh chi phí, thiệt hại có liên quan, thậm chí có trường hợp không thể có giấy tờ để chứng minh” - đại biểu Phương Hoa nêu vấn đề.
Bà nói: “ví dụ như việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, theo phản ánh của báo chí thì TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận số tiền bồi thường là gần 2,6 tỉ đồng là các khoản nằm trong quy định của pháp luật và các khoản yêu cầu bồi thường mà gia đình ông Nén có hóa đơn chứng từ; còn những khoản yêu cầu bồi thường không chứng minh được bằng giấy tờ thì không được chấp nhận”.
“Đây không phải là lỗi của cơ quan có trách nhiệm bồi thường mà chính là điểm bất cập của pháp luật hiện hành cần sửa đổi”.
Đại biểu Hoa “tán thành với quy định của dự thảo Luật là hồ sơ yêu cầu bồi thường không quy định bắt buộc phải có tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường. Trường hợp không có các tài liệu, chứng cứ nêu trên thì dự thảo Luật đã có quy định các mức định lượng cụ thể đối với từng loại thiệt hại”.
“Tuy nhiên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm, lấy ý kiến chính thức của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan khác để quy định các mức định lượng được chi tiết và phù hợp với thực tế hơn” - bà Hoa kiến nghị.
Bồi thường trong 50 ngày phải xong
Về thời gian giải quyết, vị ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc giải quyết bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự ở một số vụ việc rất chậm trễ. Ví dụ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, tổng thời gian từ khi bắt đầu thương lượng lần thứ nhất đến khi nhận đủ tiền bồi thường là 1 năm 1 tháng.
Vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, từ khi bắt đầu nộp đơn yêu cầu bồi thường đến nay là 7 tháng, vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết; đặc biệt vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, tổng thời gian giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường là 6 năm, 9 năm tiếp theo là thủ tục tại Tòa án và nhận tiền.
Đại biểu Hoa cho rằng “việc chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do vướng mắc trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, như vụ việc của ông Phan Văn Lá ở Long An. Có nguyên nhân là do quy định trình tự giải quyết bồi thường có nhiều thủ tục hành chính rườm rà, thời hạn quy định không phù hợp, việc cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chưa được thực hiện kịp thời”.
“Theo quy định của dự thảo Luật thì thời hạn giải quyết bồi thường đã giảm từ 125 ngày xuống còn hơn 50 ngày. Theo tôi, đây là sự cải tiến rất lớn trong việc rút ngắn thời gian giải quyết. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để người bị oan sớm nhận được tiền bồi thường. Nếu được thì tối đa 50 ngày, mọi thủ tục cơ bản phải xong” - bà Hoa nói.
Xin lỗi dân còn qua loa
Dẫn báo cáo tổng kết thi hành Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, rằng trong một số trường hợp “việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai còn qua loa, chiếu lệ, không thống nhất gây bức xúc cho người bị thiệt hại và xã hội”.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phân tích: “Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là người trực tiếp xin lỗi chưa đặt đúng mình vào vai trò thay mặt Nhà nước để đứng ra xin lỗi người bị thiệt hại. Luật hiện hành cũng chưa quy định trình tự, thủ tục cụ thể để cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc xin lỗi một cách thống nhất”.
“Dự thảo Luật giao Bộ Tư pháp quy định chi tiết trình tự, thủ tục trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và mẫu văn bản xin lỗi. Tôi đề nghị cần quy định ngay trong Luật này nội dung nêu trên để bảo đảm việc phục hồi danh dự được tiến hành đúng pháp luật, công khai, việc xin lỗi phải thực tâm, chân thành và cầu thị, góp phần xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải gánh chịu” - đại biểu Hoa đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận