Ông Lê Hồng Tịnh khẳng định việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng lúc và cần thiết – Ảnh: LÊ KIÊN |
Trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang phòng họp Quốc hội sáng 10-11, ông Tịnh khẳng định: “tính khả thi của dự án này đã không còn”.
“Chúng tôi (Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường) đồng ý với Chính phủ. Dù vậy, tất nhiên là Quốc hội còn phải họp, thảo luận cụ thể rồi mới quyết định được vấn đề này” - ông Tịnh nói.
Vị phó chủ nhiệm cơ quan thẩm tra khẳng định: Đây không phải là quyết định đột ngột, gấp gáp mà sau một thời gian triển khai đầu tư, thì thấy vấn đề thể hiện ra là tổng mức đầu tư quá cao, gần gấp đôi dự kiến ban đầu mà Quốc hội đặt ra.
Chủ yếu là tính khả thi của dự án không còn nữa, giá điện dự tính tăng gấp đôi tính toán ban đầu.
“Và còn một số vấn đề khác nữa, dù trước đây mình cũng đã lường trước nhưng vẫn thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là sau vụ Formosa thì thấy chất thải hạt nhân bây giờ, ngay cả trên thế giới, dù đã có nhiều phương án, công nghệ lưu giữ nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất an toàn”, ông Tịnh nói.
Ông Tịnh giải thích thêm: Ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân thì kinh tế đang tăng trưởng cao, bình quân 7-8%, dự kiến phương án cao tăng trưởng có thể lên tới 9-10%. Tính toán tỷ lệ phát triển điện so với GDP thì 1 GDP tăng trưởng điện sẽ tăng 2.
Ví dụ tăng trưởng đạt 8% thì điện tăng trưởng 16%… trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân.
Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn, chỉ 6-7%/ năm. Hơn nữa, công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng.
Tổn hao ngành điện trước đây rất lớn khoảng 8-10% nhưng hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021 điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.
“Công nghệ phát triển cũng giúp chúng ta có nhiều nguồn năng lượng thay thế khác, an toàn và rẻ hơn điện hạt nhân. Theo dự báo thì giá dầu không thể tăng cao nên nguồn khí hóa lỏng sẽ dồi dào, đồng thời nguồn năng lượng băng phiến trên thế giới rất nhiều tiềm năng. VN có nhiều vùng để phát triển điện gió như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu…” - ông Tịnh nói.
Ông tái khẳng định việc dừng dự án hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa.
“Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng. Tất nhiên việc trình Quốc hội dừng dự án này là quyết định dũng cảm của Chính phủ. Cũng phải rút ra những bài học trong việc chuẩn bị các dự án và phê duyệt các dự án”, ông Tĩnh nói.
Sơ đồ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gồm nhà máy I và II) - Đồ họa: V.CƯỜNG |
Dù có lãng phí cũng phải dừng * Có thông tin cho rằng con số chi cho dự án này đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng, rồi đã giải phóng mặt bằng dự án, đầu tư đưa người đi học nước ngoài…, xin hỏi là những vấn đề hậu dự án sẽ được khắc phục thế nào ? - Đúng là như vậy, nhưng về vấn đề đào tạo nhân lực thì lãng phí không nhiều, bởi việc đưa người đi học nước ngoài có thể phục vụ nhiều nhiệm vụ khác, chúng ta vẫn đang rất cần người có trình độ về năng lượng, công nghệ. Việc giải phóng mặt bằng và các việc chuẩn bị khác thì có lãng phí. Nhưng mặt bằng đấy chúng ta có thể xây dựng nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khác, hoặc phát triển khu công nghiệp. Tôi cho rằng không hoàn toàn lãng phí số tiền đã bỏ ra. Tất nhiên, như tôi đã nói là dù có lãng phí thì việc dừng là cần thiết, còn hơn triển khai tiếp tục, nhập máy móc thiết bị về, rồi đầu tư không hiệu quả thì hậu quả sẽ rất lớn. Trên thế giới có những quốc gia như Nam Phi, Đức họ cũng chuẩn bị đầu tư rồi, sẵn sàng khởi công nhà máy điện hạt nhân rồi, nhưng cũng phải dừng lại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận