29/05/2017 13:20 GMT+7

Đừng 'đẽo cày giữa đường' với xe buýt nhanh?

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TTO - Những kết quả không như kỳ vọng với tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên của Hà Nội đang đặt ra các thách thức rất lớn cho những người có trách nhiệm của chính quyền thủ đô.

Chính vì chưa hiệu quả và chưa hợp lý nên mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn xe buýt nhanh (BRT). Hình ảnh BRT một mình một làn trong khi ôtô, xe buýt thường xếp hàng nối đuôi trên đường Tố Hữu lúc 11h30 ngày 6-5 - Ảnh: LÂM HOÀI

Tiếp tục, dừng hay điều chỉnh tuyến BRT này đang là những câu hỏi hóc búa với chính quyền Hà Nội, nhất là khi kỳ vọng của công chúng thì cao nhưng sự chia sẻ thường thiếu vắng.

Là người nghiên cứu về khu vực công và giao thông đô thị, tôi cho rằng lựa chọn hợp lý hơn cả đối với Hà Nội lúc này là rà soát những bất cập để tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng bằng được hệ thống giao thông công cộng dựa trên những tuyến vận tải công suất lớn (tàu điện ngầm, BRT...).

Cho dù tuyến BRT hiện tại được thiết kế hoàn hảo trong môi trường không có sự đổ lỗi thì thực tế ở nhiều thành phố khác cho thấy trong giai đoạn đầu thường không có nhiều người sử dụng. Lý do là hệ thống chưa bao phủ đủ rộng, chưa tạo ra sự tiện lợi trong việc sử dụng.

Để có thể tạo dựng được hệ thống giao thông công cộng trở thành xương sống của giao thông đô thị thì chiều dài các tuyến giao thông công cộng công suất lớn của Hà Nội tối thiểu cũng phải vài trăm cây số như kế hoạch hiện tại. Nếu chưa đạt đến quy mô này thì sự thưa thớt của người đi vẫn còn tiếp tục. Do vậy, mục tiêu là phải đạt cho bằng được quy mô cần thiết.

Để có thể đạt được mục tiêu thì cần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của người ra quyết định. Nếu không, rất dễ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường” và tắc đường, kẹt xe vẫn là chuyện cơm bữa.

Nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nơi bị chi phối bởi dân chủ dân túy, tư duy nhiệm kỳ chỉ muốn làm hài lòng công chúng trước mắt để kiếm phiếu bầu, đã có thực tế là mãi không triển khai được những dự án hay chương trình quan trọng đòi hỏi thời gian và đạt đến những quy mô nhất định mới có thể phát huy hiệu quả.

Với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, một người đưa cương lĩnh tranh cử hứa hẹn xây dựng hệ thống giao thông công cộng đầy tham vọng. Trong nhiệm kỳ đó cũng xây được một vài đoạn. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ thì những đoạn này gặp tình trạng như tuyến BRT hiện tại của Hà Nội. Công chúng chán nản và cho rằng người này kém năng lực và thất hứa nên không bầu nữa.

Một ứng viên khác chỉ trích kế hoạch hiện tại và tuyên bố sẽ thay đổi hoặc ngưng kế hoạch hiện tại, trong khi chính sách đúng phải là tiếp tục kế hoạch nêu trên. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại với các chính sách “đẽo cày giữa đường” nhằm làm hài lòng kỳ vọng trước mắt của công chúng để rồi các trục trặc mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.

Để không phải “đẽo cày giữa đường” thì đòi hỏi chính quyền phải có năng lực thực sự với cơ chế khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm và vượt qua áp lực những kỳ vọng trước mắt của công chúng.

Mục tiêu cuối cùng của các chính sách công, những hành động của Nhà nước là thỏa mãn các nhu cầu và mang lại hạnh phúc ấm no cho người dân, trong đó thỏa mãn các kỳ vọng của công chúng là một phần quan trọng. Tuy nhiên, việc thiết kế và triển khai chính sách cũng cần phải vượt qua áp lực bởi những kỳ vọng ngay trước mắt của công chúng.

“Lựa chọn hợp lý hơn cả đối với Hà Nội lúc này là rà soát những bất cập để tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng bằng được hệ thống giao thông công cộng dựa trên những tuyến vận tải công suất lớn (tàu điện ngầm, BRT...)

 
HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên