30/03/2016 14:45 GMT+7

Đừng để trắng tay đỏ mắt vì không rành đa cấp

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTO - Trong số những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch của người dân nghèo bị lừa đảo bằng hình thức tham gia vòng xoáy kinh doanh đa cấp hay tín dụng đen, có một nguyên nhân chung là các nạn nhân đều thiếu những hiểu biết cần thiết.

Công an, quản lý thị trường tỉnh Gia Lai niêm phong, thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại một cơ sở kinh doanh ở TP Pleiku - Ảnh: Thái Bá Dũng
Công an, quản lý thị trường tỉnh Gia Lai niêm phong, thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại một cơ sở kinh doanh ở TP Pleiku - Ảnh: Thái Bá Dũng

Vụ Tập đoàn Liên Kết Việt lừa đảo khoảng 60.000 người ở 27 tỉnh, thành phố gần 2.000 tỉ đồng dưới chiêu bài kinh doanh đa cấp, đẩy bao gia đình lương thiện vào đường cùng khốn khó vẫn chưa hết nóng thì dư luận lại sục sôi xung quanh câu chuyện tín dụng đen tại Cà Mau và An Giang.

Vẫn là do nhẹ dạ cả tin, cần tiền vốn để giải quyết nhu cầu cấp bách về gia cảnh, đầu tư kinh doanh hi vọng thoát nghèo hay tham vọng làm giàu nhanh... mà hàng ngàn hộ nông dân ở miền Bắc và miền Tây Nam bộ đã và đang lao đao bởi đã trót tham gia đường dây lừa đảo Liên Kết Việt hoặc vay tiền nặng lãi của những “con bạch tuộc”.

Bên cạnh việc chú trọng trang bị kiến thức cho dân, ngành công an, kiểm sát và tòa án cần vào cuộc kịp thời, mạnh mẽ và nghiêm minh xử lý, răn đe, phòng chống tội phạm lừa đảo nói chung, tội phạm kinh doanh đa cấp biến tướng và tín dụng đen nói riêng

Dễ bị lôi kéo, lừa gạt

Đâu phải chỉ có hơn 60.000 người ở 27 địa phương trở thành nạn nhân của Liên Kết Việt hay vài trăm hộ dân tại Cà Mau, An Giang điêu đứng vì tín dụng đen, chuyện đau lòng tương tự như thế đã và đang diễn ra ở nơi này nơi khác, chỉ là khác nhau về quy mô lớn nhỏ, đã bị phát giác hay vẫn âm thầm hoành hành mà thôi.

Những câu chuyện, những địa bàn khác nhau nhưng có cùng mẫu số chung là người dân, đa số thuộc diện nghèo, cận nghèo, nhất là vùng sâu vùng xa, bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo để rồi trở thành nạn nhân đông đảo, phải gánh trên vai những khoản nợ “không biết lấy gì mà trả”, đã hoặc đang đối diện với nguy cơ phá sản, trắng tay, mất nhà, mất đất, thậm chí còn mang thương tật hay đe dọa mạng sống vì bị chủ nợ hành hung, xiết nợ...

Trong số những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch của người dân nghèo bị lừa đảo bằng hình thức tham gia vòng xoáy kinh doanh đa cấp hay tín dụng đen, có một nguyên nhân chung là các nạn nhân đều thiếu những hiểu biết cần thiết.

Họ hổng kiến thức về pháp luật đã đành, lại thiếu cả những kiến thức sơ đẳng về kinh tế, xã hội... nên càng dễ bị lôi kéo, lừa gạt, mặc dù những bài học kiểu ấy không phải là mới và các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên phản ánh, cảnh báo.

Với vòng xoáy kinh doanh đa cấp, nếu như người có hiểu biết thường cảnh giác “chỉ có buôn bán ma túy mới có lãi khủng như vậy” thì hàng vạn người khác lại tự nguyện lao vào.

Cũng thế, những nạn nhân của tín dụng đen có không ít người “dính bẫy” đơn giản chỉ bởi thấy vay quá dễ dàng (chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu, giấy chủ quyền nhà đất hay xe, không cần phương án đầu tư kinh doanh, trả nợ) đã đi vay, không cần suy nghĩ sẽ làm gì để sinh lời, lấy gì để trả nợ gốc và lãi.

Có không ít nạn nhân bi kịch đến mức đi rửa chén thuê hoặc bán xôi thu nhập chỉ 100.000 đồng/ngày mà cũng đi vay tín dụng đen để phải trả nợ 150.000 đồng/ngày!

Thậm chí, có nạn nhân còn thật thà cho biết: “Thấy mọi người ùn ùn đi vay thì cũng nhào vô, không biết vay để làm gì”!

Giúp dân không ảo tưởng

Những lỗ hổng về kiến thức nói trên, ngoài chuyện do chính những người dân không tự học hỏi, không đọc báo, xem - nghe đài... còn có trách nhiệm rất lớn của chính quyền, các cơ quan chức năng nhà nước và đoàn thể, đặc biệt là ở cấp địa phương gần cư dân.

Thực tế những gì diễn ra vừa qua cho thấy hầu như chính quyền các cấp đều không nắm được vấn đề, khi truyền thông vào cuộc điều tra, thông tin cụ thể thì cơ quan chức năng mới “giật mình” nhưng lại thiếu biện pháp kiên quyết xử lý, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, cho cơ chế thị trường, do lực lượng mỏng, thiếu kinh phí hoạt động...

Kết cục là người dân phải lãnh đủ mọi hậu quả của các hành vi lừa đảo. Nếu như người dân được thường xuyên tuyên truyền cảnh báo, khuyến cáo, nếu như sự việc xảy ra ở mỗi địa phương đều được chính quyền sở tại kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa... thì sẽ hạn chế hậu quả, thậm chí không xảy ra.

Có thể nói nguyên nhân người dân thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức kinh tế - xã hội như nói trên cũng chính là vấn đề chỉ ra các giải pháp phòng chống lừa đảo, biến tướng kinh doanh đa cấp và tín dụng đen mà các cấp các ngành cần thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Đó là việc phải dùng nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh, nhất là sinh hoạt của các hội đoàn ở khu dân cư, tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức tối thiểu cho người dân để không bị rơi vào ảo tưởng làm giàu nhanh, đổi đời trong chốc lát, làm mồi cho bọn lừa đảo.

Ngoài ra cũng phải kể đến việc tăng cường đổi mới hoạt động của hệ thống ngân hàng hướng vào phục vụ, đáp ứng nhu cầu của dân, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Mặt khác, cần xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình các quỹ xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, tương trợ xây nhà, phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã... như đã thành công ở nhiều nơi.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên