23/09/2010 07:31 GMT+7

Đừng để thêm những con người đơn độc

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Luật sư Trương Thị Hòa có cách nói gọn: “Pháp luật chỉ là cái vòng tròn nhỏ trong một cái vòng tròn lớn hơn, đó là đạo đức”. Trong vụ án của Phan Minh Mẫn, câu nói này như một dẫn chứng gần nhất cho định nghĩa về luật pháp.

8YM5wfJW.jpgPhóng to

Phan Minh Mẫn được giảm án xuống tù chung thân - Ảnh: C.Mai

Đã có hàng trăm email chúc mừng phạm nhân Phan Minh Mẫn, bị cáo trong một vụ án gây ra những phản ứng đầy cảm xúc từ bạn đọc. Không ít người đã thở phào khi biết tòa giảm án cho Phan Minh Mẫn. Nhiều người trong suốt thời gian qua đã bỏ công theo dõi và chia sẻ quan điểm với Tuổi Trẻ về câu chuyện “có lý có tình” của một phạm nhân trẻ tuổi. Tội giết người, đặc biệt là giết chính cha ruột của mình, là hành vi không thể thứ tha nhưng với suy xét đầy lý tình, cội nguồn của tội ác trong trường hợp này lại nằm trong chính phút nông nổi nhất của một con người.

Câu chuyện của Phan Minh Mẫn rơi vào thời điểm mà những vấn nạn của bạo lực xã hội, bạo lực gia đình đang thu hút sự quan tâm cao độ của mọi người. Sự bức xúc, tâm trạng bực dọc, những áp lực từ trong gia đình hay ngoài xã hội khiến một số giá trị bị lung lay cũng là lúc câu chuyện của bạn trẻ này được mang ra bàn luận. Sự phán xử của công lý đủ nghiêm và minh để người ta thấy cuộc sống còn có sự vị tha đầy nhân hậu. Và người ta cũng nhận ra rằng luật pháp không phải chỉ là sự phán xét vô tình mà còn chịu sự chi phối bởi “vòng tròn đạo đức”.

Phiên tòa đã kết thúc. Câu chuyện về phút đen tối nhất trong cuộc đời của một chàng sinh viên trẻ cũng đã sáng hơn khi đạo đức xã hội soi rọi cho Mẫn một con đường cứu chuộc chính tâm hồn mình.

Một bạn đọc nói rằng trong giáo dục, người ta chưa trang bị cho bạn trẻ công cụ để biết điều tiết mình khi hành xử trước những biến cố của cuộc đời. Cái thiếu đó có thể dẫn đến hành động bột phát là khi tình trạng bạo lực kéo dài, những nỗi bất công dồn nén, những ẩn ức tinh thần không được san sẻ… sẽ đưa đến những hành động mà chính người trong cuộc cũng không thể ý thức được hậu quả sau cái vung tay chết người.

Cách đây mấy năm, có một phiên tòa mà ở đó người em ruột trong một phút cãi vã ức chế đã cầm dao đâm vào ngực chính anh trai mình. Tại phiên tòa, người em khóc nấc lên rằng: những ức chế dồn nén rất lâu rồi mà không biết nói với ai. Rằng anh ta cảm thấy đơn độc và bức bối với âm thanh của những cuộc cãi cọ không bao giờ dứt trong ngôi nhà mình. Ở đó, mọi người sống cùng nhau nhưng mỗi người lại như một vòng tròn khép kín.

Dường như Phan Minh Mẫn cũng là một vòng tròn khép kín. Đã có những lúc Mẫn bỏ về với bà nội, có những khi cắn răng nhìn mẹ bị hành hạ, có những lúc bất lực trước chính cuộc sống và tương lai của mình. Một bạn đọc nhắc rằng: phải làm sao để khi người ta trước lúc điên cuồng nhất, giơ tay lên định thực hiện một tội ác thì họ ít nhất cũng có cơ hội chia sẻ được với ai đó để “giảm nhiệt” cho ngọn lửa giận hờn, thù hận… bốc cháy trong đầu mình.

Có lẽ đó là câu hỏi dành cho các tổ chức xã hội và những tư vấn viên chuyên chăm sóc tinh thần cho các bạn trẻ. Chúng ta có thể lo cho nhiều nhóm cộng đồng nhưng cũng đừng quên có những hoàn cảnh, những con người đang đơn độc trong hành trình đặc biệt khó khăn.

Bởi lẽ nếu quên điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những số phận đơn độc, những phiên tòa đau lòng như trường hợp của Mẫn.

Phan Minh Mẫn thoát án tử hình || Thảm cảnh gia đình || Mẫn cũng là nạn nhân || Tôi từng là nạn nhân như Mẫn || Bản án còn phải thể hiện tính khoan hồng || Hãy cho Mẫn một cơ hội || Chưa cần thiết phạt tử hình Mẫn || Minh Mẫn kháng cáo xin giảm án

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên